Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất Hà Nội-Hà Tây, tính đến tháng 5, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đã phát triển khoảng hơn 110 tuyến, bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã tương ứng với 411/584 xã, phường, đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn thành phố, kết nối cơ bản tới các khu đô thị, các cụm dân cư, bệnh viện, trường học và các cụm, khu công nghiệp.
Để đạt mục tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng được 20-25% vào năm 2025, thời gian tới Hà Nội tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp; trong đó, phát triển mạng lưới, tăng cường kết nối là giải pháp quan trọng nhằm thu hút người dân đi xe buýt.
Hiệu quả của buýt kết nối
Việc mở mới các tuyến buýt và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xe buýt trong giai đoạn vừa qua đã góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố.
Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã quan tâm mở các tuyến buýt kết nối đến các bến xe và kết nối vùng ngoại thành, khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chùa Hương… với trung tâm Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đang lên kế hoạch kết nối xe buýt với các ga đường sắt Cát Linh-Hà Đông để nâng hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị này.
Việc đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt 106: Khu đô thị Mỗ Lao-Viện 103-Aeon Mall Long Biên và 107: Kim mã-Khu công nghệ cao Hòa Lạc-Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam; tuyến buýt 103: Mỹ Đình-Chùa Hương- Hương Sơn được kỳ vọng góp phần mang lại diện mạo giao thông công cộng thân thiện, chất lượng hơn phục vụ người dân.
Sau một thời gian đưa vào hoạt động, các tuyến buýt này đã phát huy hiệu quả, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao; trong đó, tuyến buýt 107 có giá 9.000 đồng/lượt đi qua Đại học FPT đã giúp sinh viên Đại học FPT tham gia giao thông thuận lợi hơn.
Tuyến buýt này sử dụng xe chất lượng cao được thiết kế, sản xuất tại châu Âu, được trang bị đầy đủ các tiện ích phục vụ hành khách như đèn led, wifi, GPRS kết nối âm thanh tự động…
Giao thông thuận lợi đã tác động đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, từ khi tuyến buýt 103 kết nối từ bến xe Mỹ Đình-Chùa Hương-Hương Sơn đã thu hút thêm lượng khách du lịch đáng kể đến Chùa Hương, nhất là vào mùa lễ hội.
Ngoài các tuyến buýt trên, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội cũng đã điều chỉnh mở thêm hàng chục tuyến buýt nhằm phục vụ nhân dân các khu vực Xuân Giang (Sóc Sơn), thị xã Sơn Tây, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên), xã Hồng Vân (Thường Tín), khu vực đê Hồng Hà phục vụ nhân dân các xã thuộc huyện Đan Phượng, Phúc Thọ; các xã Phúc Tú, Tân Dân (huyện Phú Xuyên), xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn), xã Thạch Đà, KCN Quang Minh (huyện Mê Linh)…
Thời gian tới, thành phố tiếp tục cải thiện và mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến theo hướng hợp lý hóa lộ trình; đặc biệt kết nối với đường sắt đô thị, tuyến buýt BRT. Đồng thời, vươn tới các khu vực ngoại thành, khu đô thị, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu chung cư…