Hà Nội: Khách sạn cao cấp đói khách - Tạp chí Đẹp

Hà Nội: Khách sạn cao cấp đói khách

Tin Tức

Kinh doanh khách sạn nhiều sao từ chỗ hái ra tiền, giờ trở nên lao đao.

Thị trường khách sạn đang bước vào mùa kinh doanh thấp điểm dẫn đến các chỉ số đều kém khả quan. Nhưng nhìn dài hạn hơn, lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhất là các phân khúc cao thời gian tới chưa có gì khả quan do cạnh tranh tại địa bàn Hà Nội ngày càng gắt gao.

Theo số liệu của CBRE, tính đến cuối tháng 6/2012, nguồn cung toàn thị trường khách sạn (3-5 sao), đạt gần 8.500 phòng. Con số này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có đến hơn một nửa nguồn cung tập trung tại hai quận trung tâm là Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Nửa cuối còn lại của năm 2012, thị trường dự kiến bổ sung thêm khoảng gần 600 phòng từ bốn khách sạn 3-5 sao, bao gồm 68 phòng hoàn thiện cuối cùng của khách sạn 5 sao Grand Plaza Ha Noi cùng 3 thương hiệu nước ngoài là Hilton Garden Inn (3 sao, 86 phòng ở Trần Hưng Đạo), Candeo Ha Noi (4 sao, 68 phòng ở Đội Cấn), InterContinental (5 sao, 359 phòng ở Keangnam 72 trên đường Phạm Hùng).

 

Chưa hết, trong năm 2013, khách sạn 5 sao JW Marriott (450 phòng) dự kiến sẽ khai trương. Năm 2014, đến lượt khách sạn 5 sao Lotte Hotel (300 phòng) ra mắt. Với sự gia nhập của các tên tuổi nêu trên, phân khúc khách sạn hạng sang đã chiếm tỷ trọng 50% tổng cung của thị trường.

Theo tính toán của Savills Việt Nam, từ nay đến năm 2015, Hà Nội có 43 dự án khách sạn. Trong đó 24 dự án sẽ cung cấp cho thị trường 6.600 phòng. Huyện Từ Liêm sẽ giữ nguồn cung chính trong tương lai với hầu hết dự án tại đây đều thuộc phân hạng sang. Còn lại các quận nội thành sẽ chủ yếu là các khách sạn 3 và 4 sao.

Từ cuối năm 2011, doanh thu trên phòng của toàn thị trường Thủ đô đã bắt đầu lao dốc ở tất cả các phân hạng khách sạn. Cụ thể, doanh thu phòng 5 sao trung bình từ mức xấp xỉ 1,4 triệu đồng trước kia, hiện đã giảm xuống dưới 1,2 triệu đồng/đêm. Tương tự như vậy, phòng 4 sao từ mức xấp xỉ 1 triệu đồng, giờ xuống dưới 800.000 đồng/đêm và hạng 3 sao từ 600.000 đồng xuống còn 400.000 đồng/đêm. Cho đến quý II/2012, doanh thu mỗi phòng tiếp tục giảm -4% so với quý trước.

Theo giới nghiên cứu, nhu cầu tại thị trường khách sạn khiêm tốn do tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thủ tục xin Visa phức tạp, giá vé máy bao cao, ít chương trình xúc tiến du lịch và thiếu minh bạch trong các dịch vụ cung cấp.

Kể từ năm 2009, ngân sách thuê phòng của khách du lịch có xu hướng giảm, trong khi giá thuê phòng bình quân cũng giảm tương tự. Khách du lịch là doanh nhân giảm sút, chi tiêu bình quân cho một chuyến đi của khách cũng như chi tiêu mỗi ngày giảm (hiện ở mức 450 USD/người/chuyến đi và 160 USD/ngày/người).

Trong đó, chi tiêu cho ăn uống tham quan của khách tăng – tỷ lệ nghịch với ngân sách dành cho thuê phòng. Cùng với nguồn cung khách sạn 3-5 sao tiếp tục tăng lên, tất cả những yếu tố trên làm giảm giá trị các khách sạn tại thời điểm hiện tại và trước mắt. Ông Marc Townsend – Tổng Giám đốc điều hành của CRBE đúc rút, thị trường khách sạn tại Hà Nội giờ đây buộc phải phát triển theo hướng tiềm năng là những khách sạn đạt chuẩn quốc tế với giá cả vừa phải.

Theo VietNamNet

Thực hiện: depweb

27/07/2012, 01:53