Nhắc đến xe ôm, Trà (sinh viên học viện Ngân hàng) hốt hoảng kể lại: cuối tuần vừa rồi, cô đi xuống nhà bạn ở Hà Đông chơi trước khi về quê nghỉ Tết. Vì cuối tuần nên xe bus đông, không muốn bon chen khổ sở, Trà quyết định đi xe ôm. Vừa ra bến xe, mấy người xe ôm đang chờ khách đã lao đến để lôi kéo, mời chào. Chỉ vì giành giật khách, một nhóm xe ôm đã dùng mũ bảo hiểm “choảng” nhau khiến cô sinh viên “hú hồn”.
Không dừng lại ở việc ẩu đả tranh khách, chặt chém, ép giá, một số địa điểm tập trung đông người như Trạm trung chuyển Cầu Giấy, Long Biên… còn là nơi hành nghề thuận lợi cho những xe ôm kiêm luôn nghề “hai ngón”. Lợi dụng khách xuống xe trong tình trạng chen lấn, xô đẩy. Không ít người đã bị lột sạch tiền, đặc biệt với những ai chưa biết đến “tiếng” của những bến xe này, hoặc đi xe lần đầu.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng xe ôm ở những bến xe và quán nước liên kết với nhau để “móc túi” hành khách. Bạn Ngô Mạnh Luân (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chuyên đi tuyến xe bus 32 ở trạm trung chuyển Cầu Giấy cho hay: “Ở đây, xe ôm, hàng nước vào hùa với nhau để móc túi hành khách rồi ăn chia. Ai bị mất ví, điện thoại có thể tìm đến các hàng nước thì trả tiền cho họ rồi lấy lại được đồ ngay”.
Đối tượng bị xe ôm lợi dụng nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Phương Thảo (quê Thái Nguyên) xuống Hà Nội chơi với bạn. Đến bến xe Mỹ Đình thì trời tối, khi vừa bước từ xe khách xuống, Thảo bị đội quân xe ôm hùng hậu lao tới, giành giật như “con mồi”.
Chưa kịp hoàn hồn vì xe khách, đã bị mấy bác xe ôm bằng tuổi bố mình kéo tay xềnh xệch. Người lôi túi, người đi trước, người đằng sau, vây quanh tứ phía. Biết là đang bị trêu ghẹo Thảo cố giằng lấy đồ và chạy một mạch ra đầu cổng bến và chỉ biết thốt lên: “Kinh hoàng với xe ôm Thủ đô”.