Giá đào năm nay chỉ bằng một phần ba của năm trước. Năm nay đào rừng cây nào thật đẹp mới được tiền triệu, còn đào Nhật Tân thì chỉ vài trăm nghìn một gốc. Anh Nguyễn Văn Toản, từ Bắc Giang xuống bán đào ở chợ cho biết: “Nếu không phải đào rừng thì cây nào thật to, đẹp, có thế thì mới được 300- 400 nghìn/gốc. Còn lại đa số chỉ bán 250 nghìn một gốc. Vì giá rẻ nên không ai dám nói thách người mua, bởi nếu chỉ cần nói giá cao thì họ sẽ bỏ đi ngay mà không ở lại mặc cả như mọi năm nữa”.
Theo anh Toản thì nguyên nhân của giá đào bị rớt là do thời tiết miền Bắc trước tết có nhiều đợt rét đậm, rét hại, rồi nắng ấm, gió Đông đột ngột nên đào sớm nở bung trước tết. Thêm nữa vì kinh tế khó khăn nên không mấy người còn mặn mà với việc chơi đào đắt tiền. “Cả các cơ quan, xí nghiệp, trước hay mua đào to, đẹp về chơi thì năm nay cũng ít đi nhiều. Cả vụ chỉ bán được hơn chục gốc đào tiền triệu”, anh Toản cho biết thêm.
Không còn mặn mà với đào đắt tiền, nhiều gia đình năm nay lại chuộng mua những cảnh đào nhỏ với giá chỉ từ 50.000đ đến 100.000đ/cành. Thế nhưng chọn được đào đẹp cũng khá nan giải vì đào cận tết không tươi tắn.
Cùng chung nỗi niềm với đào, hầu hết các loại hoa tết năm nay đều bị rớt giá. Mỗi bó hoa hồng giá chỉ còn 80.000đ – bằng một nửa của năm trước. Mỗi bó hoa ly 10 bông giảm từ 1 triệu xuống còn 500.000đ. Mỗi bó hoa cúc vàng đẹp giá 25.000đ…
Bác Bùi Văn Tuyến, mang hoa từ Mê Linh ra chợ Quảng An bán từ mấy hôm nay cho biết: “Một nghịch lý nhưng gần như đã thành quy luật là cứ năm nào giá hoa đắt thì người mua đông, hoa bán chạy. Còn năm nay, giá hoa rớt thê thảm thì chẳng mấy người mua. Ngồi cả sáng may ra mới bán được hơn chục bó”.
Cây cảnh mini bán chạy
Không chỉ ở các chợ hoa mà các chủ vườn hoa còn mang hoa bán khắp các vỉa hè trên phố Hà Nội. Từ 6 giờ sáng, chị Nga dọn bán hơn 70 cây quất ra vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).
Tuy nhiên, đến xế trưa chị mới bán được khoảng chục cây. Chị Nga lắc đầu ngán ngẩm: “Đào quât Tết năm nay bán kém lắm”. Nhiều hàng đào, quất ở Hà Nội cũng chung tình cảnh ế ẩm như của chị Nga.
“Người dân vẫn có thích chơi cây cổ truyền. Đào, quất rẻ là tình trạng chung như nhiều cây khác”, anh Nguyễn Căn Đại (Từ Liêm) bán quất trên đường Hoàng Quốc Việt nói. Chị Lan Anh (Nghĩa Đô, Hà Nội) cho hay, năm nào gia đình chị cũng mua đào và quất. Theo chị, sức mua đào của người dân giảm do thu nhập ít đi.
Chị Hạnh, chủ quầy hàng hoa trong hội chợ cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phía Bắc (Hoàng Quốc Việt) chia sẻ các cây chị bán lỗ tới 80%. Trên cây lan dương, chị treo biển: “Đại hạ giá cây cảnh. Bán nhanh, về quê ăn Tết”. Bên cạnh cửa hàng của chị là hàng đào cũng treo biển “Đại hạ giá”. Cả sáng, cửa hàng này chỉ có người tới ngắm đào chứ không thấy người mua.
Việc xuất hiện nhiều cây mới, kiểu dáng gọn nhẹ, hoa lạ mắt cũng làm cho các cây truyền thống bị cạnh tranh. Những cây như mai đỏ bán khá chạy ở hàng chị Hạnh. Giá một cây này trung bình khoảng 250-300.000đ, không đắt so với cây đào cỡ nhỏ, kiểu dáng gọn gàng, khá bắt mắt.
Chủ cửa hàng cây cảnh Thủy Cam cũng cho biết mai đỏ là cây anh bán nhanh nhất. Sáng ngày 7-2, cửa hàng bán được hơn chục chậu cây này, trong khi đào ta chỉ có 2 người mua. “Nhiều khách hàng năm nay cũng có xu hướng thay đổi thị giác bằng cây mới. Họ chuộng cây nhỏ gọn, có thể đặt bàn”, anh chủ hàng Thủy Cam cho biết.
Một khách hàng, ông Trần Bá (Cổ Nhuế), chia sẻ mọi năm nhà ông thường mua chậu quất đào lớn đặt trước sân, nhưng hai năm trở lại đây, khi tình hình kinh tế khó khăn, ông lại chuộng những cây đơn giản gọn nhẹ để chơi tết.
Theo Viết Tuân – Vũ Quỳnh
Tuổi trẻ