1. Phố Hoàng Hoa Thám có một cái dốc rất cao và rất ngắn, rất dốc đổ xuống những khu dân cư cũ của thời bao cấp, giờ nhà cửa lô nhô. Tôi đã chạy khắp Hà Nội suốt mấy chục năm qua để chắc chắn rằng, đó là cái dốc trải nhựa rộng rãi nhưng có độ nghiêng khủng khiếp nhất những quận nội đô. Nếu trượt patin đổ dốc này, có khi lại thành môn thể thao mạo hiểm mới.
Buổi trưa trời mưa, có cậu chàng trẻ măng từ quán ăn đầu dốc đội mưa chạy ra đẩy phụ cái xe kềnh càng nặng trịch của chị bán dép dạo, lỡ xuống dốc bán rong. Chắc chắn lúc xuống dốc chị đã hết hồn! Nhưng giờ leo lên mới cực! Cậu chàng đẹp trai trông mặt như dân chơi, tóc tỉa đỏm dáng vuốt keo dựng đứng, nhuộm vàng hoe đầy chất phá cách, hì hục đẩy cho chị bán dép rong cái xe lên đến tận đỉnh dốc rồi mới chạy về quán. Chị bán dép quần áo nghèo nàn bên trong cái áo mưa cứng quèo luộm thuộm, luôn miệng cảm ơn xuýt xoa, và cười vừa ngượng nghịu vừa sung sướng. Ôi chao may mà có cậu!
Cậu trai phong độ về quán, một cái quán bé tí xíu mang tên Cutisun, thực đơn chỉ hai ba món, chỗ ngồi chỉ hai ba bàn, có thể cậu chính là chủ quán, có thể cậu là chủ quán kiêm luôn đầu bếp chính, cũng có thể, vừa là chủ quán vừa kiêm người dắt xe cho thực khách. Nhưng nhìn qua cửa sổ, cái không gian bé tí xíu ấy được thiết kế quá sang trọng và lãng mạn, như một góc Paris thu nhỏ, lúc tôi đi lướt qua.
Tôi nghĩ những người tử tế họ nấu ăn hẳn sẽ rất chỉn chu. Dù chỗ của họ bé đến mức, chỉ vừa đủ chỗ cho một đôi tình nhân.
Thì không phải những gì ta cư xử với một người nhỏ bé và tình cờ, luôn đáng tin cậy hơn những gì ta trình diễn trước đám đông?
Ảnh minh họa: Google
2. Nửa đêm ông xã tôi bật dậy hoảng hốt, anh phải gọi điện cho một thằng cu khách hàng. Hóa ra khách hàng của ông xã là giám đốc kỹ thuật một hãng xe nho nhỏ. Và “thằng cu” thực ra là một anh đàn ông cỡ tuổi bốn mươi. Đêm đó, ông giám đốc kỹ thuật đang bị công an tạm giữ ở một tỉnh biên giới, còn ông xã tôi thì bảo, anh phải gọi xem tình hình nó thế nào rồi! Lúc nó bị bắt, không hiểu sao nó chỉ gọi cho mỗi anh thôi!
Thì ra anh đàn ông kia lén lút đi các tỉnh để làm việc riêng chứ không phải việc công ty hay du lịch nghỉ dưỡng gì cả. Việc riêng của anh ta là tìm những người mới ra tù và hướng thiện, những người nghèo có sức khỏe, những gia cảnh nghèo khó nhưng có điều kiện thuận lợi như người hiểu biết, chịu khó làm ăn. Mỗi địa phương chỉ một đến hai người, rồi kéo họ về Hà Nội.
Rồi dạy họ nghề sửa xe máy miễn phí, dạy nâng cao với máy móc tốt nhất và tay nghề xịn nhất, chứ không phải làng nhàng bơm lốp thay xăm đổ dầu thay ắc quy. Rồi đuổi họ ra khỏi Hà Nội! Để về quê lập nghiệp, làm ăn, thành thợ giỏi, cũng thành thợ không lừa đảo. Anh giám đốc kỹ thuật giấu tiệt việc mình làm, như một người làm từ thiện chính thống, lẳng lặng làm theo cách của mình, tự làm mọi việc kể từ đi tìm người cần giúp. Anh này giải thích rằng, chỉ vì anh đã được nhận quá nhiều ân huệ từ những người khác, những thầy dạy nghề từ xưa, những người chí cốt bây giờ. Mà anh muốn làm từ thiện theo cách mà anh biết rõ nhất, làm được tốt nhất.
Chứ không phải, vứt một cục tiền bố thí cho ai đó, rồi yên tâm là mình đã tử tế với cuộc sống.
Thế là dịp nghỉ lễ tuần rồi, anh lại đeo ba lô đi tỉnh. Công an xã vùng biên lập tức giải lên trụ sở tạm giam một ngày chỉ vì tội, đã chẳng có giấy tờ tùy thân, trong ba lô lại toàn kẹo dành cho trẻ con. Tiền mặt lại mang nhiều, đến địa phương lại lân la nói chuyện với dân, về nhà dân ở cứ như là người đi… truyền đạo hay là kẻ do thám khả nghi ở địa phương.
Trên đường về Hà Nội, anh đàn ông tuổi bốn mươi không biết nghĩ gì, nhưng tôi biết anh chẳng buồn phiền gì.
Sự bao dung trong cuộc sống luôn có. Chỉ là, ta có để tâm tìm kiếm những dấu hiệu ấm áp của bao dung giữa đời này, hay ta chỉ nhìn thấy nhiều, nhớ rõ nhất những khiếm khuyết của cuộc sống, những tin xấu, hay những định kiến đầy rẫy?
Trang Hạ