Hạ lãi suất nợ cũ - Tạp chí Đẹp

Hạ lãi suất nợ cũ

Tin Tức

 

Việc NH giảm LS cho vay các khoản nợ cũ về tối đa 15%/năm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp – ảnh: Anh Vũ

Từ 11.7, NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiên phong cho nhóm các NH cổ phần ra quyết định giảm LS đối với các khoản vay cũ. Tổng giám đốc (TGĐ) SHB Nguyễn Văn Lê cho biết sẽ không cào bằng việc giảm LS mà căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín dụng để điều chỉnh. “Mức tối đa là 15%/năm, nhưng sẽ có những khách hàng được điều chỉnh thấp hơn ở mức 14%, 13% và thậm chí là 12%/năm”, ông Lê nói. Từ ngày 24.4 đến nay, SHB cũng đã điều chỉnh LS cho 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỉ đồng, LS mới từ 13-16% theo “sức khỏe” của từng DN. “Không chỉ khách hàng DN mà kể cả các khách hàng cá nhân, tức tất cả các hợp đồng tín dụng cũ, dù chưa đến kỳ trả nợ cũng sẽ được SHB điều chỉnh LS”, ông Lê nói.

Ngày 12.7, NH Đầu tư và phát triển (BIDV) cũng có quyết định yêu cầu tất cả chi nhánh hạ LS cho các khách hàng là DN và hộ dân xuống còn tối đa 15%/năm từ 15.7. Đối với các khoản vay mới áp dụng LS tối đa không quá 15%/năm. Các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn LS 11-12%/năm, thậm chí NH ưu đãi LS 9-11%/năm đối với DN xuất khẩu sử dụng trọn gói dịch vụ của BIDV.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết VietinBank sẵn sàng cho DN vay vốn lưu động với LS 12%/năm, thậm chí 11%/năm. Ngoài ra, Vietinbank yêu cầu các chi nhánh tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng… Trong những trường hợp cụ thể, có thể áp dụng chính sách miễn lãi 100%, thậm chí bán nợ với tỷ trọng khoảng 50-60% khoản nợ gốc…

Các NH TMCP khác như Đông Á (DongABank), Á Châu (ACB)… cũng khẳng định triển khai việc hạ LS nợ xuống dưới 15% theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Cần có chế tài mạnh

Đánh giá về phản ứng của các NH, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho biết ông ủng hộ các NH sớm ban hành quyết định triển khai trên toàn hệ thống, điều đó thể hiện thái độ cầu thị, nghiêm túc trong sự chia sẻ khó khăn cùng DN cũng như đạo đức trong kinh doanh. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn tin tưởng 100% NH sẽ tuân thủ. “Mệnh lệnh hành chính mà không có chế tài thì khó mà ép được các NH, nhất là những NH nhỏ vốn đang khó khăn, có nguy cơ không đạt chỉ tiêu lợi nhuận”, TS Kiêm băn khoăn.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành cũng cho rằng khó ép được NH bởi “nếu NH muốn ép thì phải dựa vào vi phạm của NHTM thời gian qua đã cho vay với LS vượt quá 150% lãi cơ bản được quy định trong luật Dân sự. Nhưng nếu dựa vào đó thì thành ra, trước kia cơ quan này lại làm ngơ đối với các vi phạm này, điều đó giải thích thế nào?”.

Cần phải nhắc lại, trước khi Thống đốc NHNN chỉ đạo các NH giảm LS cho vay hợp đồng cũ, ngày 24.4 NHNN đã ban hành Văn bản 2056/NHNN-CSTT yêu cầu các NH phải rà soát hợp đồng tín dụng điều chỉnh giảm LS cho DN, tuy nhiên yêu cầu này đã không được NHNN tại các địa phương, cũng như các NHTM thực thi nghiêm túc. Vì vậy, theo các chuyên gia, để đợt giảm LS này không chỉ là hô hào, cổ vũ, NHNN nên yêu cầu các NH phải làm luôn hai việc. Thứ nhất, các NHNN chi nhánh địa phương phải thống kê lại toàn bộ dư nợ lãi cao trên 15% trước ngày 15.7, qua ngày này cứ định kỳ 2 tuần, hoặc đến hết tháng phải yêu cầu các NHTM báo cáo xem giảm được dư nợ bao nhiêu, bao nhiêu khách hàng, công bố công khai trên báo chí. Thứ hai, bản thân các NHTM phải có hướng dẫn thủ tục cho DN, cho các chi nhánh, phòng giao dịch đăng tải trên website của NH, dán tại các địa điểm giao dịch để khách hàng biết chính sách của NH.

Mệnh lệnh hành chính mà không có chế tài thì khó mà ép được các NH, nhất là những NH nhỏ vốn đang khó khăn, có nguy cơ không đạt chỉ tiêu lợi nhuận

   
TS Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN
Không nhiều áp lực

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, NH đang cho vay LS cao, nay phải điều chỉnh xuống thấp tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Giảm LS vay các hợp đồng cũ về 15%/năm, mỗi tháng DongABank mất khi khoản lời bình quân 40 tỉ đồng nhưng NH chấp nhận vì DN sống được thì NH mới tồn tại được, đây không những là giải pháp giúp DN mà giúp cả NH nữa. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lê cho rằng về cơ bản dư nợ tiền gửi với LS 14%/năm từ đầu năm đến nay đều đã đáo hạn do cơ cấu kỳ hạn ngắn, vì vậy, các NH sẽ không quá chịu áp lực trong hoạt động kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận…

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

16/07/2012, 07:56