Hà Dũng - “Trong đời tôi không có tri kỷ” - Tạp chí Đẹp

Hà Dũng – “Trong đời tôi không có tri kỷ”

Bộ Sưu Tập

Nhạc sĩ Hà Dũng chủ động mở đầu: “Tôi không báng bổ ai, nhưng phương châm của tôi là không có thần tượng. Họ có cuộc đời riêng, có hoàn cảnh riêng và có lịch sử riêng để thành danh. Người tôi so sánh để ‘phấn đấu’ chính là bản thân tôi, để thấy mình tệ hơn hay khá hơn ngày hôm qua”. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của chúng tôi sẽ không nói về chuyện ai thần tượng ai, mà đi thẳng vào vấn đề: phần "hậu"của mối quan hệ trong âm nhạc của Hà Dũng – Hồ Quỳnh Hương (trong giai đoạn hiện tại) và chuyện Hà Dũng "ra tay" giúp những ca sĩ trẻ. Lí do rất đơn giản: Hà Dũng "nổi" với hai đề tài này hơn!
 
 Với Hồ Quỳnh Hương: “Tôi là người chung thủy!”
 
 
Đầu năm 2006, cái tên Hà Dũng "râm ran" trên các báo trong mối quan hệ với Hồ Quỳnh Hương. Nhưng cuối năm thì câu chuyện chấm dứt, sau khi "ngôi sao của những giải thưởng" này khẳng định anh ngưng sáng tác cho cô ấy để tập trung vào công việc kinh doanh. Điều này thực hư như thế nào? Và anh đã bắt đầu nghĩ đến cái sự "chìm" của mình sau một thời gian "nổi" quá giới hạn của một nhạc sĩ?
 

 Năm rồi, Hồ Quỳnh Hương ra 2 album, trong đó “14M 222” là album toàn nhạc của tôi, và được chọn là album vàng của năm. Live show “Tôi là sinh viên” Hương bỏ tiền ra làm, khi diễn xong đã được Phương Nam Film mua để phát hành CD, DVD, Karaoke với giá khá cao, và trong sô đó có tới 8 bài hát của tôi. Tại lễ trao giải Bài hát Việt 2006, có 4 bài hát trong số hàng trăm bài vào chung kết là bài của tôi, lại do Hội nhạc sĩ bình chọn. Nghĩa là tôi vẫn thế, chỉ tại truyền thông không làm ầm lên thôi! Chính xác là tôi đã nói với Hương hãy để thời gian cho tôi làm việc.

 “Hiện tượng” là như vậy, còn “nguyên nhân” thì có hai nguyên nhân chính: trong con người ta lúc nào cũng tồn tại hai con người, một bên là lý trí, một bên là tâm linh – tâm linh bao gồm cả số phận. Lý trí của tôi cũng lên tiếng chứ. Năm rồi là năm cuối của một giai đoạn, nếu trong kinh têæ, gọi là giai đoạn thoái trào của tôi. Tôi nợ lớn lắm, cứ hình dung món nợ hàng nghìn tỷ đồng. Tôi làm không may mắc nợ, nhưng tôi giải thích được. Nhơç sự đề nghị của nhiều người, trong đó có xử lý kinh tế bằng biện pháp kinh tế, chứ không phải hình sự, nên tôi được tạo điều kiện và thời gian để trả. Tôi trả từ năm 2000. Triển vọng hết sạch nợ có từ cuối năm 2005. Tôi cần có thời gian tập trung để kết thúc điều đó, và tôi đã kết thúc được.

 Lý do thứ hai, là một thực tế, cũng có thể coi là chiêu thức: trước đây chưa có tên tuổi, sự gắn kết Hồ Quỳnh Hương với tôi là việc làm khoa học, và nó đã đem lại kết quả tốt. Nhưng mình phải tỉnh táo để thấy kéo dài điều đó sẽ không tốt. Khi Hương đã có tên tuổi, nếu cứ gắn tên tôi với cô ấy sẽ lôi cô ấy xuống, và tôi sẽ trở thành người lố bịch.
 
 Vì sao sự gắn kết giữa Hà Dũng với Hồ Quỳnh Hương là một việc làm khoa học?
 
 Một tác phẩm ra đời, phải biết tác phẩm đó của ai, ai trình diễn, trình diễn cho ai. Đó là khoa học. Còn một ông nhạc sĩ viết bài hát, không biết để cho ai hát và ai hát cũng được thì làm sao mà khoa học được. Nên việc gắn kết tác phẩm của tôi cho một mình Hương là khoa học. Sau này, nhiều người cứ nghĩ hai người ráp với nhau sẽ lên giống Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, trường hợp "phọt phẹt" như Hà Dũng – Hồ Quỳnh Hương, rồi ngộ nhận, mà không lí giải được hết căn nguyên của vấn đề.
 
 
Anh và Hồ Quỳnh Hương “tạm ngưng” trong âm nhạc. Thế còn những mối quan hệ khác – ngoài âm nhạc – có tiếp tục duy trì?
 

 Nguyện vọng của tôi là thế, vì đó là sự tỉnh táo, một phần cho tôi như tôi đã nói, nhưng một phần còn cho Hương. Đã đến lúc không nên gắn tên tuổi của tôi với Hương nữa. Đó là ứng xử, còn bản chất vấn đề là: tôi là người chung thủy! Quan hệ của tôi với Hương mãi mãi vẫn là quan hệ như thế. Nếu mai mốt không còn thế nữa, là tại cô ấy ra đi chứ tôi không bao giờ ra đi. Bây giờ Hương cần gì tôi cũng giúp, chỉ có điều cô ấy là người biết tôn trọng ý nguyện của tôi, cái gì làm được là cô ấy làm. Trước đây có thể gặp chuyện nhỏ hơn Hương đã gọi tôi, còn bây giờ chuyện cỡ đó cô ấy tự giải quyết. Nhưng khi nhờ đến tôi là tôi làm hết lòng. Tình thầy trò vẫn phải giữ, chứ trong đời tôi không có bạn. Bạn theo kiểu tri kỷ càng không có. Em ruột tôi nói cậu ấy có nhiều bạn lắm, nhiều khi cãi nhau, nhiều lúc lại giúp đỡ nhau. Nhưng tôi không được như vậy. Tôi hay nói với em tôi: “Cuộc đời em còn sống được cho ba mẹ. Còn anh quay về ba mẹ đã mất, anh toàn sống với người ngoài”. Ấy thế mà vẫn không có tri kỷ.

 Lại có hai lý do chính: từ bé đến giờ người ta toàn gọi tôi là anh hai, đại ca, họ không dám kết bạn với tôi. Và ngày nhỏ, có thể tôi không tỉnh táo, cảm thấy mình to tát hơn người ta, nên tôi cũng không xem họ là bạn, mà là người mình có trách nhiệm giúp đỡ. Lí do thứ hai là, giai đoạn sau này tôi sa vào hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, nên người ta làm bạn với tôi để làm gì. Bản thân tôi cũng không muốn liên luỵ đến người khác.
 

 Với ca sĩ khác: “Tôi không giúp tào lao”

 
 
Sau khi Hồ Quỳnh Hương nói “chia tay” với anh, cũng có vài ca sĩ trẻ lên tiếng về mối quan hệ và sự sẵn sàng giúp đỡ của anh?
 

 Không chỉ nói trên báo đâu, còn có mấy cô cậu ca sĩ trẻ đến nhờ tôi giúp. Tôi có khuyên họ thế này: "Nếu em đam mê – tiêu chuẩn thứ nhất; nếu em là người tốt – tiêu chuẩn thứ hai; nên có cái tối thiểu của nghề nghiệp là sự nỗ lực của em và khả năng chuyên môn – tiêu chuẩn thứ 3. Một ông nhạc sĩ nào đó nói anh sẽ giúp em được, vì anh viết nhạc hay, có thể giới thiệu phòng trà để em đi hát. Hay một ông trọc phú nào đó nói tiền anh nhiều lắm, có thể giúp em được, thì em phải tỉnh táo lên, không được đâu em!". Ở đây phải có sự hiểu biết và quan hệ đồng bộ. Tôi làm được cho Hương, vì cô ấy là người tài năng và đâu phải tôi là người không biết gì ngoài viết nhạc cho Hương. Trước mắt tôi đang giúp một ca sĩ. Tôi tin cậu ấy sẽ thành ngôi sao!
 
 
Bận rộn với việc kinh doanh, và như anh nói – anh vừa trút xong gánh nợ hàng nghìn tỷ đồng. Sao anh không tiếp tục chuyên tâm với kinh doanh, mà cứ phải giúp các ca sĩ trẻ?
 

 Bạn học cùng trang lứa với tôi đều biết Hà Dũng là một học trò xuất sắc! Tôi học giỏi tất cả các môn, và trời cho tôi một khả năng làm việc rất nhanh. Ngày xưa, khi học môn này mệt mỏi, thay vì đi đá bóng, tôi giải trí bằng việc làm văn, làm thơ. Và khi mệt mỏi với những lời ngụ ngôn, châm ngôn to tát, tôi lại quay sang vật lý, khoa học… Tất cả đều là sự giải trí của tôi. Tôi không chuyên tâm vì tôi hiểu được công việc nó như thế nào, cần bao nhiêu thời gian, vào lúc nào thì giải quyết được. Không phải thời điểm giải quyết công việc đó thì chuyên tâm để làm gì, nên tôi dành thời gian làm việc khác.
 

 Đưa những ca sĩ trẻ lên hàng ngôi sao là một trong những “môn giải trí” của anh?

 
 Chị tiếp tục hỏi… sốc tôi! Nhưng tôi trả lời thế này: khi còn đi học, tôi toàn nhận học bổng, nhưng vẫn hoạt động văn nghệ, hát trên đài phát thanh. Sau này còn có người xin ba tôi cho tôi vào đoàn văn công. Đến năm 16 tuổi tôi đi bộ đội, với 8 năm ở trong rừng. Rồi tôi vượt Trường Sơn ra Hà Nội hát cho đài Giải phóng. Lúc đó tôi là thượng úy, lương tháng 74 đồng, thì hát 1 bài đã được 7 đồng. Tôi nhớ giá của một cây thuốc lá Điện Biên thời đó chỉ có 5 đồng, mà thuốc lá Điện Biên là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Như vậy là tôi có duyên với văn nghệ đó chứ. Hơn nữa, tôi nghĩ mình có điều kiện để làm công việc đó. Đương nhiên mình làm phải được, nhưng được cho ai mới là quan trọng.

Tôi đã có nhiều rồi thì không phải được cho tôi nữa. Còn nếu có một vài tài năng nữa, trước hết được cho những người đó, mà có người hát hay cho mọi người nghe cũng là việc rất tốt. Tôi có điều kiện hơn hẳn những người khác thì tại sao tôi không làm? Điều kiện ở đây không phải là vấn đề tiền bạc, mà là tôi am hiểu, tôi biết cách làm, cách chọn lựa, biết công bằng đánh giá đúng và biết với khả năng đó họ có thời cơ hay không. Tôi dám nói đặt Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà ở tuổi 16, 17, hát hay nhất vào thời điểm này chưa chắc đã nổi tiếng.

Tuy nhiên, không phải ai tôi cũng giúp và tôi không giúp tào lao. Tất cả là sự tình cờ. Tôi giúp Hồ Quỳnh Hương được người ta biết đến, và người khác nghĩ tôi có thể làm được điều đó, thậm chí nhiều người cho đó là nghề của tôi. Có những bậc phụ huynh ở nước ngoài về gửi con gửi cháu cho tôi. Tôi nói mình không có chuyên nghiệp, nếu có duyên và giúp được tôi sẽ giúp, chứ không phải tôi đầu tư công việc này để kiếm lợi nhuận.
 

 Anh có sợ sự phóng khoáng của anh sẽ… kích thích sự lợi dụng của người khác?
 

 Trước đến nay tôi chưa nghe ai nói Hà Dũng lợi dụng họ, song có rất nhiều người nói họ lợi dụng Hà Dũng. Nhưng không phải vậy. Người đó mượn tiền, tôi cho mượn, dù tôi biết không bao giờ đòi được, chứ không phải tôi cho mượn không đòi được!
 

 Anh có thể kết thúc cuộc trò chuyện bằng việc giới thiệu "ngôi sao tiếp theo" của mình?

 
 Cậu ấy sinh năm 1984. Suốt 2 năm qua cậu ấy chỉ chuyên tâm vào phòng thu, luyện thanh, học vũ đạo, hát tiếng Anh và học ngoại ngữ. Nếu Hương hát hơn 30 bài của tôi, thì cậu ấy mới chỉ hát được hơn 10 bài. Cậu ấy vừa kết hợp với Hương, vừa phát triển độc lập. Tháng 4 tới, trong buổi giới thiệu phong cách âm nhạc, Hồ Quỳnh Hương sẽ kết hợp với cậu ấy. Đây là một cuộc họp báo, nhưng cũng sẽ là một sô diễn hoành tráng tại Hà Nội, trong đó có báo chí, giới chuyên môn, những người hâm mộ (fan) và những khách mời khác với số lượng hàng ngàn người. Sẽ có tài trợ để mời khoảng 30 – 50 phóng viên, khách mời trong Nam ra dự chương trình này. Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên!
 
 

Thực hiện: depweb

25/04/2007, 15:41