Guillaume Vétu: “Tôi là kẻ ngốc nghếch đến từ phương Tây”

Nghệ sĩ độc lập: Họ là 3 trong số rất nhiều cá nhân thuộc lớp nghệ sĩ mới – những người “toàn quyền” với con đường nghệ thuật của cá nhân mình. Họ được gọi là những “nghệ sĩ độc lập”.

Tôi là một kẻ xa lạ

 

Cuộc sống kỳ lạ nhỉ? Tình cờ anh có mặt ở Hà Nội, tình cờ Tuấn (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn) “túm” được anh ở một quán bar nhỏ và mời anh viết nhạc cho phim?

– Đúng thế. Tôi có mặt ở Việt Nam khá tình cờ. Hai năm trước, tôi và vợ ngẫu nhiên kiếm được một đôi vé máy bay giá rẻ tới Việt Nam trong một kỳ nghỉ ngắn ngày, vậy là chúng tôi lên đường dù không hề biết chút gì về Việt Nam cả.

Chúng tôi đã tới khá nhiều nơi như Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa, Sài Gòn và Hà Nội. Sau ba ngày ở Hà Nội, tôi và vợ bảo nhau: Wow, nơi này tuyệt quá, chúng ta sẽ sống ở đây. Sau đó, vợ tôi đi du học một năm, còn tôi thì làm việc cật lực. Sau khi vợ tôi trở về, chúng tôi cùng tới Việt Nam và tôi nghĩ: bây giờ tới lượt mình nghỉ ngơi, còn cô ấy sẽ làm việc chăm chỉ.

Thật không may, Tuấn đã tìm thấy tôi và giao cho tôi một công việc thực sự vất vả và bận rộn. Nhưng quả thực, viết nhạc “Dành cho tháng Sáu” là công việc thú vị nhất của tôi ở Hà Nội. Tôi đã làm việc trong tám tháng, trong đó sáu tháng đầu tôi hoàn toàn chỉ có một mình, làm tất cả mọi việc như viết nhạc, thu âm và đủ thứ việc linh tinh khác nữa. Trước đây, tôi sáng tác bài hát cùng với những người bạn trong ban nhạc, nên khi phải làm tất cả một mình, tôi thấy quá vất vả. Nhiều lúc vô cùng mệt mỏi và chán nản. Thỉnh thoảng vợ tôi trở về nhà từ nơi làm việc và thấy tôi quá đỗi bơ phờ. Nhưng bạn thấy kết quả cũng không tệ phải không?

Nhưng làm thế nào để anh viết được những bản nhạc phù hợp đến mức ấy khi anh hoàn toàn không biết tiếng Việt?

– Tuấn có kể lại cho tôi nội dung bộ phim nên tôi có thể nắm được toàn bộ câu chuyện, nhưng từng câu thoại thì không. Mặc dù vậy, vẫn có một số cách để viết nhạc phim. Một trong số đó là: nhìn vào hình ảnh, tôi có thể đoán được nhân vật đang buồn hay vui và tôi viết một đoạn nhạc để miêu tả lại tâm trạng đó. Sau đó, tôi đưa sản phẩm cho Tuấn và người dựng phim. Thỉnh thoảng họ nói: Ok, đoạn này được, nhưng anh phải thay đổi một chút cho khớp với thời lượng. Thế là tôi về viết lại. Sau đó, tôi đưa sản phẩm cho họ và họ lại bảo: Ok, rất khớp rồi, nhưng bây giờ chúng tôi lại thay đổi một chút về cảnh phim (haha).

Có một cách khác nữa là dùng lại những bản nhạc cũ của tôi mà Tuấn rất thích, như bài “Wanna be home” hay “Again”. Tuấn phải viết lại toàn bộ lời Việt vì cậu ấy không muốn có quá nhiều tiếng Anh trong đó. Quả thực Tuấn rất tài năng. Cậu ấy viết lời rất nhanh. Bạn biết đấy, vì tiếng Việt có dấu nên thỉnh thoảng tôi còn phải sửa lại nhạc cho hoàn toàn phù hợp với lời nữa.

Liệu tôi có thể biết anh được trả bao nhiêu sau tám tháng mệt mỏi ấy?

– Không, tôi sẽ giữ bí mật này cho riêng mình. Chỉ có một điều tôi có thể chia sẻ, đó là tôi rất hạnh phúc. Tôi không phải là người tham lam, tôi đâu phải kiểu ngôi sao Hollywood (haha). Khi gặp tôi và nói về chuyện viết nhạc phim, Tuấn bảo: “Đừng lo lắng về chuyện tiền nong. Tôi sẽ trả công anh xứng đáng”. Và tôi đã trả lời: “Đừng trả tiền cho tôi bây giờ. Tôi sẽ viết nhạc, nếu bạn thích chúng, nếu bạn có thể dùng chúng thì hãy nói đến chuyện thù lao. Còn bây giờ, chúng ta chỉ nên nói về chuyện viết nhạc thôi. Tôi không tham lam đâu, tôi chưa bao giờ lên kế hoạch để kiếm được nhiều tiền từ âm nhạc cả. Tôi đến Hà Nội để nghỉ ngơi, tôi không cần kiếm tiền vì vợ tôi có một công việc tốt rồi”.

Một tháng trước khi bộ phim ra mắt, Tuấn hỏi tôi: “Nếu tôi trả anh từng này thì có được không?”. Tôi bảo: “Không vấn đề gì cả. Yên tâm đi, tôi không bận tâm lắm đến tiền đâu”.

Không quan tâm đến việc kiếm nhiều tiền – Đó có phải lý do để anh chọn trở thành một nhạc sĩ độc lập?  


– Đó là lý do tôi LÀ một nhạc sĩ độc lập. Tôi không nghĩ đó là một lựa chọn. nếu một hãng đĩa, một ông bầu hay một nhà sản xuất đến tìm tôi và nói rằng họ sẽ mang tới cho tôi rất nhiều tiền, tôi sẽ đồng ý hợp tác với họ thôi. Tại sao lại không chứ? Ngay cả khi tiền không phải toàn bộ vấn đề thì tôi cũng muốn tập trung vào việc viết được những bản nhạc có chất lượng tốt.

Vấn đề của tôi là tôi thực sự không thể xây dựng được một mối quan hệ tốt với những người này. Trong 15 năm chơi nhạc ở Úc, tôi đã gặp rất nhiều ông bầu, các nhà sản xuất, những ông chủ hãng đĩa… nhưng tôi không thể hòa hợp với họ. Bạn biết không, có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hợp với việc kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi thì không. Cái thứ ngôn ngữ của đồng tiền ấy mà, tôi rất kém khoản đó.

Có rất nhiều nhạc công, nhạc sĩ thực sự tuyệt vời, họ chơi nhạc 5 tiếng, 10 tiếng một ngày cho đến khi trở nên hoàn hảo. Tôi thì không như thế. Tôi có thể chơi ghi ta kha khá, tôi có thể viết bài hát tạm ổn và giọng tôi cũng không quá tệ, và như thế thôi. Tôi không nỗ lực để trở thành một nhạc sĩ vĩ đại. Tôi chỉ thích viết nhạc thôi. Việc viết nhạc cho bộ phim này đã khiến tôi khám phá thêm được nhiều điều khác nữa, nhưng về cơ bản, tôi viết nhạc để kể các câu chuyện của mình. Tôi viết nhạc và thu âm lại, hôm nay tôi cố gắng làm tốt hơn ngày hôm qua. Nhưng còn việc trở nên nổi tiếng, đi khắp nơi biểu diễn… với tôi là quá sức.

Còn một điều nữa là: âm nhạc đại chúng không hợp với tôi. Bạn biết đấy, đa số mọi người đều có cuộc sống rất khó khăn và họ chỉ muốn được giải trí theo cách dễ dàng nhất. Quá khó để bắt mọi người thưởng thức những thứ buộc họ phải nghĩ. Với tôi, với bạn, với Tuấn, nghệ thuật là thứ khiến người ta phải nghĩ ngợi, khi bạn xem thứ gì, nghe thứ gì, bạn cũng muốn hỏi và suy tư xem tại sao lại như thế, nó có ý nghĩa gì, nó có phải nói về bạn không… Điều đó thú vị với nhiều người, nhưng đa số mọi người không muốn đầu óc phải làm việc nữa vì họ đã phải làm việc cả ngày rồi. Khi nghe nhạc, họ muốn được giải thoát. Và tất nhiên, có những người làm ăn nhận ra điều đó, họ nhận ra họ có thể kiếm tiền từ việc này và họ thúc đẩy việc quảng bá. Lời lẽ ngớ ngẩn, giai điệu nhàm chán, hình ảnh khêu gợi… có hề gì, tất cả chỉ là việc làm ăn thôi mà. Điều đó diễn ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới chứ không riêng Việt Nam đâu.

 

Nhưng sự nổi tiếng cũng hấp dẫn, ngoài vấn đề tiền bạc, ít nhất điều đó cũng khiến tác phẩm của anh được nhiều người biết tới hơn, và có lẽ anh cũng sẽ có nhiều công chúng hơn?

– Tôi không nổi tiếng nhưng tôi thành công. Tôi có rất nhiều buổi biểu diễn và cũng khá nhiều người biết đến nhạc của tôi. Tôi rất tự hào về tất cả thành quả của tôi tính đến thời điểm này. Tôi nghĩ nhạc của tôi khá ổn. Nhưng bạn biết không, như tôi tự miêu tả về mình, tôi hơi quái đản. Tôi chỉ làm những việc tôi thích mà cái gu của tôi nó lại không phù hợp với đại chúng.

Khi nghe nhạc phim của “Dành cho tháng Sáu”, tôi thấy nó khá Việt Nam. Cảm giác đó không giống như khi tôi nghe các bài hát khác của anh tại các buổi biểu diễn.  

– Khi làm việc với Tuấn, tôi nghĩ: Bộ phim này quá Việt Nam! Cũng khá ổn nếu như dùng các bản nhạc có sẵn mà tôi viết dựa trên nền tảng văn hóa của tôi, nhưng tôi cũng muốn có thêm các yếu tố của đất nước này nữa.

Tôi đã thêm những âm thanh mới, như bạn thấy đó, ví dụ tiếng trống lúc bắt đầu trận đấu. Với bài hát “Trở về nhà” (Tuấn viết lời Việt cho bài “Wanna be home” của tôi), tôi đã thêm tiếng đàn nhị của Việt Nam. Quả thực đó là một trải nghiệm tuyệt vời, thực sự rất khác biệt. Nếu chỉ nghe “Trở về nhà”, bạn sẽ nghĩ nó rất Việt Nam, bạn sẽ không hề cho rằng người sáng tác bài đó là một gã tới từ phương Tây.

Tuấn nói với tôi rằng có hàng trăm nghìn lượt nghe nhạc phim “Dành cho tháng Sáu” mà chúng tôi upload miễn phí lên Internet. Đó là lượng người nghe tôi chưa từng có bao giờ trong cuộc đời mình. Nhưng trong thời gian tôi ở Hà Nội, tôi đã biểu diễn khoảng 30 buổi và không có nhiều người Việt Nam tới nghe. Tôi đã cố gắng giới thiệu các buổi biểu diễn này qua nhiều kênh, nhưng đúng là khán giả của tôi hầu hết là người nước ngoài.

Tôi nghĩ có một vài lý do để giải thích cho việc đó. Có thể vì không có nhiều người Việt tới các club vì đồ uống quá đắt, vì ở đó tôi chỉ hát bằng tiếng Anh và chơi ghi ta chứ không có nhiều nhạc cụ khác như nhạc phim. Nhưng có lẽ, đúng như bạn nói, nhạc của tôi dành cho người nước ngoài, nó hợp với gu thẩm mĩ phương Tây.

Anh nói rằng anh yêu việc viết nhạc vì anh muốn kể lại các câu chuyện của mình. Có lẽ câu chuyện mà bộ phim kể rất quen thuộc với anh, cũng giống như với tôi?

– Không, với tôi, bộ phim này rất đẹp, nhưng nó thực sự quá khác lạ, đúng là nó đến từ một đất nước khác. Tất cả mọi thứ đều xa lạ, nhưng đó là lý do vì sao tôi thích nó. Tôi thấy quen thuộc với từng cảm xúc nhỏ, nhưng về cả câu chuyện thì không.

Những đứa trẻ trong bộ phim quả thực quá trong sáng. Ngay cả với Kiên, dù cậu thích một cô bạn gái cùng lớp. Khi Kiên gặp một chút bối rối và cư xử như thế, không phải vì cậu ích kỷ hay xấu tính, mà do trái tim cậu vừa tan vỡ. Cái cách mà Hoàng và Minh chơi với nhau, dù là giữa một cậu bạn trai và một cô bạn gái, nhưng vẫn rất trong sáng, không hề có dấu ấn của giới tính. Đến cuối phim, tất cả lại trở thành bạn tốt như cũ, hoàn toàn trong trẻo. Nó quá khác với thời đi học của tôi, khi mọi thứ lẫn lộn thật – giả, khi đầu óc con người bị vẩn đục,… Bố mẹ tôi ly dị khi tôi 16 tuổi và mọi thứ với tôi lúc đó thật tồi tệ.

“Hà Nội là một nơi quá ấn tượng”


Trở lại câu chuyện trước, tại sao anh lại quay trở lại Hà Nội? Một câu hỏi quen thuộc là tại sao anh lại thấy Hà Nội đẹp?

– Hà Nội là nơi tôi thích nhất ở đất nước này. Tôi yêu thành phố xanh mướt vì nhiều cây cối, tôi thích những cái hồ tự nhiên. Hồ ở khắp mọi nơi. Tôi yêu sự lộn xộn ở đây nữa.

Cảm giác rõ ràng nhất của tôi là cuộc sống ở khắp mọi nơi. Ở nơi đây, dù bạn đi trên con phố lớn hay chỉ là một ngõ nhỏ, những con người ở đó đều rất khác biệt. Dù đang ngồi trên vỉa hè ăn uống hay nói chuyện bên cốc trà đá, dù đang nhìn ngắm hay đang đi bộ… tất cả đường phố đều là của họ – những người Việt Nam. Họ thuộc về nơi này, họ sở hữu những con phố đó.

Tôi biết bạn rất khó để nhận ra điều này vì nó là một điều tự nhiên với mọi người Việt Nam, nhưng nếu bạn đến Paris hay Úc, bạn sẽ thấy mọi người đi trên đường nhưng không thuộc về nó. Những đường phố ở đó tách biệt khỏi con người, nó chỉ là đường phố thôi, nó không có cuộc sống thực sự. Còn ở Hà Nội, tôi thực sự thích cảm giác này: khi đi trên đường phố, mọi người luôn luôn nói chuyện, nói rất nhiều, nói hầu hết mọi lúc. Thật náo nhiệt và sống động! Vì tôi không biết tiếng Việt nên tôi bị giới hạn trong việc hiểu những câu chuyện mà mọi người đang nói, tôi biết họ cũng gặp nhiều điều bất ổn trong cuộc sống, nhưng tôi thấy họ rất dễ thương, lịch thiệp, hòa nhã. Không bao giờ tôi gặp kiểu: “Cẩn thận đấy! Tôi không biết gì về bạn. Tôi không thích bạn…” như ở những nơi tôi từng sống. Mọi người đều rất cởi mở và thân thiện.

Và cả cách những người dân ở đây đối xử với trẻ con nữa, ai cũng yêu trẻ con và chăm sóc chúng, dù đó không phải là con của họ. Dường như ở đây trẻ con là trung tâm của mọi thứ. Điều đó thực sự rất đặc biệt. Nếu đến đất nước khác, bạn sẽ thấy trẻ con bị coi như một sự phiền toái, rắc rối, … nhìn chung là như thế.  

Các cô gái trẻ ở Việt Nam trông cũng rất dễ thương, giống như trẻ em vậy. Và mọi người ở đây cười rất nhiều, họ luôn nhìn thẳng vào người đối diện và tôi nhận thấy cái nhìn chứa đầy sự tin tưởng. Tôi đã từng sống ở London một năm. Ở nơi đó rất khó để nhìn thấy đôi mắt của một ai đó vì họ luôn nhìn xuống khi đi trên đường.

Họ không quan tâm tới chuyện của người khác để giữ an toàn cho bản thân, và họ cũng không muốn người ta quan tâm tới chuyện của mình. Còn ở đây, người Việt Nam nhìn ngắm và quan sát mọi lúc. Như bác xe ôm ở bên đường kia, bác ngồi trên xe và dành cả ngày để ngắm nhìn cuộc sống, ngắm nhìn mọi người.

Còn nếu về vùng nông thôn, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì cảnh quan quả thực quá đẹp, quá khác biệt với mọi nơi tôi từng đi qua. Cả thức ăn cũng như thế. Như cái thứ gọi là “mắm tôm” này, nó đúng là thứ nước sốt quá ấn tượng!!!

Cuộc sống ở Việt Nam của tôi rất kỳ diệu, mỗi ngày đều là một trải nghiệm mới lạ vì tôi thích khám phá, thích những điều mới mẻ. Ở Hà Nội, tôi luôn luôn phải tự hỏi mình: Ô, điều gì đang thực sự diễn ra ở đây vậy? Thật quá hứng khởi.

Nhưng anh không nhắc gì đến những điều chưa ổn ở nơi đây? Chắc chắn 11 tháng ở đây anh cũng phải trải nghiệm kha khá những thứ đó?

– Người Việt Nam, tôi cảm thấy họ không lười biếng, nhưng họ không quá quan tâm tới việc hoàn thành công việc một cách hoàn hảo. Như bạn nhìn nhé, dây điện loằng ngoằng trên đường. Điều đó quả thực quá kỳ lạ với tôi, vì người ta có thể cải thiện nó dễ dàng, nhưng họ không làm, họ không thèm quan tâm. Haha, ai mà thèm quan tâm tới sự hoàn hảo chứ, nếu mọi thứ vẫn ổn, vẫn hoạt động.  

Ví dụ như thỉnh thoảng tôi bị đau bụng vì uống nước ở đây, tôi quyết định mua nước khoáng đóng chai loại 20l. Khi nước hết, tôi gọi người đưa nước tới mà có khi ba ngày sau vẫn chẳng thấy anh ta đâu nên tôi đành phải mua từng chai nhỏ ở ngoài. Có rất nhiều thứ ở Việt Nam tôi cảm thấy thật khó thích nghi. Nhưng tất cả là lỗi của tôi, vì tôi là một kẻ ngu ngốc đến từ phương Tây. Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều người phương Tây giống tôi, họ bận tâm về quá nhiều thứ như: Ôi nơi này bẩn quá… Không, nơi này hoàn toàn ổn, chỉ có một điều không ổn là họ nên quay về đất nước của họ thôi, nếu họ cứ quá khó tính như thế.  

Tôi và vợ tôi đến đây là để trải nghiệm, để phiêu lưu, để học hỏi những điều mới mẻ, và chúng tôi thấy rất hạnh phúc. Hơn 80 triệu người Việt Nam không thể sai lầm được, họ vẫn ổn, chỉ là họ có một cuộc sống khác, một thái độ khác, một phong cách khác mà thôi.

Bài: Linh Hanyi

Chuyên đề Nghệ sĩ độc lập

Bài viết trong chuyên đề đã đăng:

>> Guillaume Vétu: “Tôi là kẻ ngốc nghếch đến từ phương Tây”

>> Bùi Công Khánh: Gã lênh khênh trên ghế

Mời các bạn đón đọc:

>> Bùi Công Khánh + Đẹp = ???

>> Lê Quang Đỉnh: góc nhìn khác về cuộc chiến

Tổ chức: Vũ Thủy

 

 


From the same category