Đơn giản: đánh thuế lên tiền tiết kiệm, người ta sẽ không tiết kiệm nữa mà bung tra đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ông bất động sản ngắc ngứ hy vọng sẽ được dân tưới tiền cứu, trong khi các ngành khác, trong đó có ngân hàng, cũng đang kêu cứu…
Cứ cho là dân chúng bị đánh thêm thuế này sẽ rút tiền ra, nhưng đưa vào đâu là do cơ chế thị trường điều tiết, chỗ nào “trũng” thì nước chảy vào, không nhất thiết là bất động sản, dù đang ế dài.
Vừa đề xuất, ý kiến này đã vấp, bị coi là “không ổn chút nào” vì lượng tiền từ dân sẽ giảm vào ngân hàng, vì ngược chủ trương, gây ảnh hưởng nền kinh tế.
“Đánh” vàng, “ngăn” đô, khuyến khích dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để phân bổ lượng vốn hợp lý cho nền kinh tế… lại bị choàng thêm thuế, rõ là vô lý.
Thuế chùm lên thế, vận động nào có thể thu hút vốn.
Nếu đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm sẽ lại rơi vào tình trạng thuế chồng thuế, ảnh hưởng quyền lợi người gửi, không giải quyết được vấn đề lại nặng nề hình ảnh, niềm tin.
Nếu đánh thuế này, có thể thu được một ít tiền, nhưng lộ một cách làm bóc ngắn cắn dài, giật áo vá vai, chuyển đổi chính sách không bền vững, gây nghi ngại.
Cơ chế thị trường, sản phẩm, dịch vụ bán ra đúng cái người ta cần, đúng chất lượng và giá cả phù hợp… chả cần kêu, nhiều người tự dốc tiền ra “cứu”.
Kiếm ra tiền đã nộp thuế thu nhập cá nhân, đem tiền này gửi tiết kiệm lại phải đóng thêm thuế nữa, liệu có ngại khi nghe “vận động”?
Gửi tiết kiệm là một cách “cho nhà nước vay” để điều hòa vốn cho nền kinh tế. Gửi tiết kiệm càng nhiều, càng cho nhà nước vay nhiều, lẽ ra phải ưu đãi hơn. Làm ra tiền, đóng thuế rồi, cho vay lời lãi được bao nhiêu lại còn bị đánh thuế lần nữa, ai chẳng toan tính.
Khuyến khích là phải khơi nguồn mới phải, làm sao huy động được toàn dân cho nhà nước vay, ai có ít cho vay ít, có nhiều cho vay nhiều. Sao lại dùng công cụ thuế để cản? Nước luôn chảy chỗ trũng, đừng ngăn lại để nước tức, bờ tràn…
Trần Giang Phương