Gucci – Gia tộc đầy sóng gió

Khi bộ phim “House of Gucci” với sự góp mặt của Lady Gaga và Adam Driver được bấm máy, câu chuyện về gia tộc Gucci một lần nữa trở thành tâm điểm của truyền thông. Bao phủ bởi tiền bạc, quyền lực, thậm chí là sự tranh chấp dẫn đến đổ máu, Gucci chính là gia tộc nhiều sóng gió nhất của làng thời trang thế giới.

Guccio Gucci thành lập cửa hiệu kinh doanh đồ da vào năm 1921. Ít người biết rõ về quá khứ của ông. Theo những gì được kể lại, Guccio từng làm việc tại khách sạn Savoy ở London khi còn trẻ. Chính tại đây, ông được truyền cảm hứng bởi những bộ hành lý thanh lịch của những vị khách sang trọng. Tự tìm hiểu chất liệu, kiểu dáng và cả nhu cầu của khách hàng nhờ vào công việc nhân viên hành lý, Guccio Gucci nhanh chóng khám phá ra niềm đam mê của mình và hiện thực hóa nó bằng cửa hiệu tại Florence.

Xưởng làm đồ da của Gucci ở Florence do Guccio Gucci dựng nên (ảnh chụp từ thập niên 20)

Từ cửa hàng nhỏ, Gucci được mở rộng thành xưởng đồ da chuyên nghiệp với hơn 60 nghệ nhân. Năm 1935, cuộc chiến tranh Ethiopia khiến nguồn cung cấp da trở nên thiếu thốn. Gucci cho ra mắt những thiết kế đột phá với các chất liệu mới mẻ như gỗ, linen, sợi mây tre, cũng như ra mắt mẫu monogram đầu tiên của mình với tên gọi “rombi”. Chỉ 2 năm sau đó, thương hiệu này giới thiệu thiết kế túi xách đầu tiên. Việc mở rộng kinh doanh đi kèm với sự tham gia nhiều hơn của các thành viên khác trong gia đình. Từ một cửa hiệu của riêng Guccio Gucci, Gucci nay đã trở thành công ty gia đình, các con trai của ông đều giữ vị trí điều hành quan trọng trong công ty.

Nổi bật hơn hết chính là người anh cả Aldo Gucci. Với tham vọng đưa Gucci vượt xa hơn những gì cha mình có thể nghĩ tới, Aldo đã thuyết phục ông mở thêm cửa hàng và ra mắt các dòng sản phẩm phụ kiện mới như ví, thắt lưng, găng tay và giày. Năm 1947, Gucci ra mắt dòng túi xách Bamboo với những chi tiết tinh xảo được làm từ tre đã qua xử lý nhiệt. Mẫu giày loafer Horsebit trứ danh của nhà mốt cũng được trình làng chỉ vài năm sau đó, mang Gucci trở thành hiện tượng toàn cầu. Nhưng Guccio Gucci chưa bao giờ muốn đưa thương hiệu của mình đi đến sự bành trướng như vậy. Ông chỉ đơn giản muốn Gucci là một thương hiệu Ý, và sẽ ở trong nước Ý. Trái với mong muốn này của ông, chỉ 2 tuần trước khi Guccio Gucci qua đời, Aldo Gucci cùng 2 em trai đã mở cửa hàng Gucci đầu tiên tại Mỹ trên đại lộ “hàng hiệu” Fifth Avenue, đánh dấu một chương mới cho thương hiệu này.

Aldo Gucci

Được đón nhận nồng nhiệt và khắc sâu trong văn hóa đại chúng hình ảnh gắn liền với sự xa hoa, hào nhoáng của những ngôi sao, Gucci nhanh chóng đạt được bước phát triển vượt bậc, những cửa hàng mới liên tục được mở ra trên toàn cầu. Mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Các thành viên khác của gia đình Gucci bắt đầu trục lợi từ sự nổi tiếng của thương hiệu gia đình, tự lập nên những cửa hàng hay thương hiệu con mang mác “Gucci”. Chính Aldo cũng bị chỉ trích khi thu lợi từ hoạt động kinh doanh quốc tế của Gucci thông qua công ty con của mình. Sự tranh chấp trong gia đình Gucci trở thành tâm điểm bàn tán của các tạp chí lá cải, tiếp tục đẩy cao sự bất hòa giữa các thành viên.

Ảnh chụp cửa hàng Gucci ở Rome khi công nương Grace Kelly ghé thăm vào năm 1959

Năm 1983, Rodolfo Gucci – một trong những anh em nhà Gucci qua đời, để lại cổ phần cho con trai mình là Maurizio Gucci. Ngay lập tức, Maurizio tuyên chiến với cậu ruột Aldo để giành toàn quyền kiểm soát thương hiệu. Sau cuộc kiện tụng kéo dài hàng năm trời, Aldo Gucci chỉ còn giữ được cổ phần 17% của thương hiệu gia đình, và phải ngồi tù vì tội trốn thuế khi đã hơn 80 tuổi. Maurizio trở thành thành viên duy nhất của gia đình Gucci giữ vị trí lãnh đạo ở thương hiệu này. Cùng với vợ – Patrizia Gucci, cặp đôi được xem là một trong những cặp đôi quyền lực đầu tiên của Ý, tiếp tục khẳng định sự hào hoa gắn liền với cái tên Gucci.

Maurizio Gucci

Dù bị chỉ trích bởi những chi tiêu cá nhân xa hoa, Maurizio Gucci là người có công định vị lại Gucci trên bản đồ thị trường xa xỉ phẩm. Dưới sự lãnh đạo của ông, Gucci đóng gần 90% số cửa hàng, đồng thời giảm bớt hơn 2/3 số lượng sản phẩm bán ra nhằm tăng giá trị cho thương hiệu. Tom Ford – một nhà thiết kế thời trang người Mỹ – được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo mảng thời trang. Những thiết kế gợi cảm của Tom Ford được đón nhận nồng nhiệt bởi báo giới và khách hàng, đưa Gucci trở thành một trong những cái tên dẫn đầu của thời trang xa xỉ trong thập niên 90.

Năm 1995, Maurizio bị bắn chết khi trên đường đến văn phòng. Sốc hơn hết, cái chết của ông được dàn xếp bởi chính Patrizia. Khi Patrizia phải ngồi tù 16 năm vì đã thuê sát thủ giết chồng cũ của mình, gia đình Gucci cũng mất quyền kiểm soát thương hiệu gia đình khi các tập đoàn lớn bắt đầu thâu tóm thương hiệu đầy tiềm năng này. Câu chuyện về gia tộc thời trang nổi tiếng nhất nước Ý đến nay vẫn được truyền lại như lời cảnh tỉnh về quyền lực và những giá trị cốt lõi cần được gìn giữ của hai chữ “gia đình”.


From the same category