Góp ý sửa Hiến pháp qua Internet

Ngày 10/9 tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”.

Muốn dân chủ phải lấy ý kiến dân

Theo bà Tào Thị Quyên (Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), hơn ai hết, chính nhân dân, gồm tất cả các thành phần, tầng lớp phải được tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp.

“Sẽ không thể có một bản Hiến pháp dân chủ nếu hoạt động xây dựng Hiến pháp không được tiến hành theo quy trình thực sự dân chủ với các phương thức dân chủ”, bà Quyên nhấn mạnh

Cũng theo bà Quyên, việc lấy ý kiến nhân dân là một trong những phương thức dân chủ rộng rãi nhất trong quy trình xây dựng Hiến pháp. 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tại hội thảo

Đồng tình, PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng, ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cần có tư duy cởi mở và năng động khi xác định đối tượng xin ý kiến.

“Không thể chủ quan, duy ý chí cho rằng những vấn đề mà trong nội bộ ban soạn thảo đã đạt đồng thuận thì không cần tham vấn nhân dân”, ông Phát nói.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo ĐBQH Dương Trung Quốc: “đương nhiên phải nghe ý kiến nhân dân nhưng không thể “nghe” hết 90 triệu dân”. Do đó, cần lấy ý kiến thông qua các cơ quan đại diện của dân như Quốc hội, HĐND, MTTQ…

Tham vấn ý kiến dân qua internet

GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, thành viên Ban biên tập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cho rằng, do chưa có những cơ sở pháp lý vững chắc, việc tiến hành lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào dự thảo Hiến pháp chưa được tiến hành một cách bài bản, dựa trên những nguyên tắc và hình thức do luật định, nên hiệu quả và chất lượng lấy ý kiến chưa cao. Nhưng như một thông lệ, các lần sửa đổi Hiến pháp đều phải tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cả nước.

Do đó, theo ông Đường, việc lấy ý kiến của nhân dân lần này cần được tiến hành dựa trên một văn bản pháp lý dưới dạng một nghị quyết của Quốc hội, trong đó quy định các nguyên tắc, hình thức, các bước tiến hành, đặc biệt là bước tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân sao cho đầy đủ, hiệu quả.

“Điều này tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho nhân dân được nói, được đóng góp, bàn bạc về những nội dung của Hiến pháp một các dân chủ và tự do bày tỏ chính kiến, đặc biệt là những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, những vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, ông Đường nói.

Về cách thức, theo ông Trần Ngọc Đường, có thể lấy ý kiến nhân dân qua internet: “Cơ quan lấy ý kiến nhân dân có thẩm quyền soạn thảo các nội dung cần lấy ý kiến đăng tải trên trang web, ghi rõ địa chỉ hoặc cách thức gửi thư hoặc bày tỏ ý kiến qua trang web này hay gửi thư qua bưu điện”.

Kết luận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng hơn ai hết, chính nhân dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp.


“Một nguyên lý rất cơ bản và xuyên suốt: nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, là chủ thể của quyền lập hiến và lập pháp. Do đó, thông qua việc góp ý, nhân dân trao quyền, ủy quyền thực hiện quyền lực của mình cho các cơ quan nhà nước”, ông Thảo nhấn mạnh.

Theo Vietnamnet


From the same category