Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h45, ngày 1/4/2001 tại TP.HCM sau một thời gian dài chiến đấu với các bệnh về gan, thận và tiểu đường. Thời điểm đó, ông được cho là vẫn cặm cụi sáng tác ngay khi nằm trên gường bệnh. Có thể nói, với ông mọi thứ đều hữu hạn, duy chỉ có tình yêu với âm nhạc là không ngừng cuộn trào. Hàng ngàn người đã đến lễ tang của ông, và có thể nói chưa có một người nhạc sĩ nào mà sự ra đi của họ lại khiến công chúng thương tiếc nhiều đến vậy.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đơn thuần là người để lại lời ca tiếng hát sống mãi với thời gian, mà chính bản thân ông đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng. Hàng năm, những người yêu mến âm nhạc của ông vẫn tổ chức những đêm nhạc để tưởng nhớ cố nhạc sĩ. Và dù có rất nhiều các nghệ sĩ thể hiện nhạc Trịnh như Thái Thanh, Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Lân Nhã, Lệ Quyên, Trần Thu Hà, v.v… thành công nhất vẫn là hai “bóng hồng” Khánh Ly và thế hệ sau là Hồng Nhung.
Nhân dịp Google vinh danh những đóng góp lớn lao mà cố nhạc sĩ đã để lại trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông, mời độc giả cùng Đẹp Online điểm qua một vài câu chuyện thú vị cần biết về vị nhạc sĩ lỗi lạc này.
“Đến với âm nhạc như một kẻ không chọn nghề”
Nói về mối duyên âm nhạc, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ trong quyển tự truyện “Tôi là ai là ai” của mình rằng: “Cái thời tuổi trẻ xanh mượt như quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ”. Ông đã từng suýt bỏ đứt những lời ca lãng mạn, thơ mộng trong đầu mình vì ám ảnh kiếp “xướng ca vô loài”. Trải qua cuộc đời nhiều bể dâu, ông dần nhận ra rằng: “Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình”. Và trong tất cả các cách diễn đạt, tâm hồn ông chọn nghiêng về âm nhạc và các lời ca. Từ đây, chúng ta có một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tài hoa.
Sáng tác hơn 600 ca khúc nhưng được cấp phép lưu hành không đến… 80 bài
Số lượng bài hát của ông vẫn chưa có con số cụ thể, người ta chỉ có thể phỏng đoán là hơn 600 ca khúc; trong đó, khoảng 236 ca khúc (lời và nhạc) được biết đến rộng rãi, nhưng chỉ có hơn 70 bài được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép cho lưu hành.
Dù số ca khúc được hát khá ít so với gia tài đồ sộ ông để lại nhưng theo Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất với hơn 820 triệu đồng trong năm 2015 và luôn thuộc top 5 nhạc sĩ có tiền trả tác quyền cao nhất. Những bài hát nổi tiếng của ông phải kể đến: “Để gió cuốn đi”, “Cát bụi”, “Diễm xưa”, “Tình nhớ”, “Một cõi đi về”, “Biển nhớ”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Đêm thấy ta là thác đổ”,…
Từng là diễn viên nghiệp dư
Ông thủ vai chính trong phim “Đất khổ” của cố đạo diễn Hà Thúc Cần, được trình chiếu vào năm 1974 với thời lượng 102 phút, nhưng chỉ được chiếu hai lần thì bị lãng quên. “Đất khổ” là câu chuyện của tình yêu, tình ruột thịt, lòng yêu nước, sự gắn bó với văn hóa và tiếng nói của giống nòi; cũng như về một mối tình trong trắng nhưng ngang trái vì chiến tranh. Ngoài ra, phim còn có sự góp mặt của kỳ nữ Kim Cương, nhà văn Sơn Nam, diễn viên Bạch Lý, NSƯT Thành Lộc (khi đó mới 8 tuổi).
“Thích người trẻ tuổi, đẹp và mặc đẹp”
Khánh Ly từng bật mí về quan niệm cái đẹp của ông rằng: “Ông Trịnh Công Sơn thích người mặc đẹp. Ông rất thích người trẻ tuổi, đẹp và mặc đẹp. Đối với ông, thì không có gì ngoài cái đẹp”. Ngoài ra, Hồng Nhung còn cho biết thêm quan niệm của cố nhạc sĩ về dung mạo của phái đẹp rằng: “Phụ nữ mãi mãi chỉ 25 tuổi thôi, còn những tuổi tiếp theo chỉ là những năm kinh nghiệm”. Dù ông là mẫu người hoàn bích, yêu thích sự hoàn hảo vô khuyết nhưng tâm tình ông dành cho “một nửa của thế giới” luôn dịu dàng, bao dung và nồng ấm như vậy.
Thích kiểu con gái dáng người nhỏ nhắn, tóc dài, vai gầy
Trong một lần chia sẻ về người anh – người bạn tri kỉ của mình, ca sĩ Khánh Ly đã kể lại rằng suốt hàng chục năm quen biết nhau, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà chưa từng giận hờn, hay lớn tiếng với nhau. Bà cho biết ông là người có tính tình hòa nhã, hiền lành, điềm đạm, chẳng giận được ai; mà nếu có cũng chẳng giận được lâu. Nhưng có một lần nọ, sau khi cãi nhau với chồng, bà hẹn gặp ông tại quán cà phê để tâm sự. Chẳng hiểu làm sao, ông vừa thấy bà đã quay đầu bỏ đi. Hỏi ra mới biết ông giận vì… bà “lỡ” cắt tóc ngắn. Từ đó, Khánh Ly mới biết trong mắt ông: người con gái đẹp là tóc dài, vai gầy guộc, dáng người nhỏ nhắn.
Có nhiều “bóng hồng” nhưng chẳng nên duyên với ai
Mỗi một nàng thơ xuất hiện trong đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều để lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong lòng vị nhạc sĩ tài hoa này. Người đầu tiên và là người hát các ca khúc của ông trong suốt hơn nửa thế kỷ, từ khi rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và đến tận bây giờ, chính là Khánh Ly. Ngoài Khánh Ly, Hồng Nhung (hay còn được cố nhạc sĩ ưu ái gọi bằng cái tên bé “Bống”) chính là “bóng hồng” thứ hai, cô gặp ông lúc chỉ mới hơn 20 tuổi khi vào Sài Gòn. Hai con người, một tuổi hồng một xế chiều, đã từng là đôi bạn tâm giao trong một thời gian dài.
Cuối cùng, là người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời cố nhạc sĩ – Dao Ánh. Bà chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên nhiều tình khúc nổi tiếng như “Còn tuổi nào cho em”, “Lặng lẽ nơi này”, “Mưa hồng”, “Tuổi đá buồn”, “Xin trả nợ người”, v.v…
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những câu nói bất hủ:
“Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu”.
“Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”.
“Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã mất”.
“Không có bài hát nào nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người”.