Good Morning Viet Nam!

“Bố già Hollywood” Oliver Stone trở lại Việt Nam đầu tháng 9 không phải là sự trở lại duy nhất với đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Mỹ. Phim về chiến tranh Việt Nam đã từng là dòng phim chủ đạo của Hollywood ở thập niên 70, 80… “Good Morning Vietnam!” – như nhan đề của một bộ phim nổi tiếng – 37 năm đã trôi qua, cuộc chiến làm tốn hao giấy mực nhất trong lịch sử chiến tranh, giờ lại đang trở thành mối quan tâm của điện ảnh thế giới.

Chiến tranh Việt Nam và cuộc hành trình trần trụi của sự thật! 

Trong lịch sử cận đại, người Mỹ can dự vào nhiều cuộc chiến trên thế giới. Nhưng chỉ có cuộc chiến Việt Nam là để lại cho họ nhiều vị đắng ê chề nhất, kèm theo đó là những di chứng buồn thảm hằn sâu trong ký ức của nhiều thế hệ.

Tương tự như vậy, trong điện ảnh, chẳng có nước nào trên thế giới làm nhiều phim chiến tranh với mức đầu tư tốn kém và có chất lượng cao như phim Mỹ.

Trong mỗi cuộc chiến nước Mỹ đã trải qua, Hollywood thường kể lại cuộc chiến đó trên phim ảnh. Và mô-típ thường thấy là phía Mỹ luôn đứng ở vai trò chính nghĩa và yêu chuộng hòa bình!

Nhưng phim về đề tài chiến tranh Việt Nam lại gần như đi ngược lại với mô-típ ấy. Chính vì thế nó có một giá trị đặc biệt lớn trong lịch sử điện ảnh.

Từ khi nước Mỹ bắt đầu nhảy vào Việt Nam cho đến trước năm 1975, đa số người dân Mỹ đều không biết động cơ và nội tình thực sự của cuộc chiến này, ngoài những thước phim tài liệu và tin tức một chiều hàng ngày hàng giờ ru ngủ người Mỹ. Cả bộ máy Hollywood đồ sộ cũng mù tịt thông tin ròng rã gần 10 năm trời.

Mãi đến năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân làm rúng động nước Mỹ, Hollywood mới vội vã tung ra một bộ phim hòng trấn an dư luận đang sôi sục: “The Green Berets” (Mũ nồi xanh), với nội dung tô hồng hình ảnh người lính Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam.

Và từ đó Hollywood đã lặng im cho đến ngày 30/04/1975 – ngày nước Mỹ bàng hoàng không hiểu tại sao họ lại thất trận hoàn toàn tại Việt Nam.

Năm 1978, Hollywood “rón rén” cho ra đời hai bộ phim “Coming Home” (Hồi hương), và “The Deer Hunter” (Người săn nai). Cả hai đều đề cập đến bi kịch cuộc sống của những cựu binh Mỹ bại trận trở về. Tuy nhiên, câu chuyện của hai bộ phim đều rất nhẹ nhàng như để tránh làm tổn thương dư luận Mỹ.

Có lẽ mãi mãi nước Mỹ cũng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra, cho đến ngày bộ phim “Platoon” (Trung đội) của Oliver Stone công chiếu trên toàn nước Mỹ. Kiệt tác đoạt 4 giải Oscar 1986 này đã đánh đúng vào điểm yếu của nước Mỹ khi chỉ ra một phần sự thật của cuộc chiến Việt Nam.

Bộ phim giống như một con dao mổ bén ngọt luồn lách sâu vào những vết thương nhức nhối nhất trên cơ thể, đồng thời mở đầu một trào lưu làm phim về “Hội chứng Việt Nam”.

Năm 1987 và những năm sau đó, hàng loạt bộ phim về đề tài này đã ra đời và ít nhiều đều tạo được sự chú ý của công luận thế giới: “Full Metal Jacket” (Áo giáp thép), “Good Morning Vietnam” (Chào Việt Nam), “Hamburger Hill” (Đồi thịt băm), “Born on the Fourth of July” (Sinh ngày 4/7), “Casualties of War” (Tổn thất của chiến tranh) (1989)…

Vì sao đề tài Việt Nam “hot” trở lại? 

Phim chiến tranh thường chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Tuy nhiên, riêng đề tài chiến tranh Việt Nam lại có tuổi thọ khá lâu – kéo dài từ cuối thập niên 70 sang đến đầu thập niên 90 (thế kỷ 20) – được xem là một trường hợp hiếm hoi.

Thất bại nặng về kinh tế của bộ phim “Heaven & Earth” (Trời & Đất) năm 1993, đạo diễn Oliver Stone – người mở ra trào lưu phim về “Hội chứng Việt Nam” – cũng là người khép lại kỷ nguyên thành công của đề tài này.

Giờ đây, khi hai nước đã xích lại gần nhau, vết thương chiến tranh đã dần dần lành lặn, thì sao đột nhiên đề tài Việt Nam lại “nóng” trở lại?

Câu trả lời có lẽ đến từ chiến sự Iraq đang diễn ra nóng bỏng hàng ngày, hàng giờ trên các bản tin thời sự của thế giới gần 5 năm qua. Dường như sự sa lầy của nước Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq lần này, đã cho thấy phảng phất hình ảnh và vị trí của nước Mỹ tương tự như ở Việt Nam cách đây gần 40 năm.

Có khác chăng, đó là sự bùng nổ của thời đại viễn thông, giờ đây đã không cho phép các bên tham chiến có thể bưng bít hoặc che đậy bất cứ điều gì. Nhưng nói kiểu gì thì nói, chiến tranh luôn là điều tồi tệ nhất, dù cho nó có khoác lên bất cứ vỏ bọc mỹ miều nào.

 

 Đạo diễn Oliver Stone hỏi chuyện một nhân chứng trong cuộc thảm sát ở Mỹ Lai

Hollywood bây giờ cũng khác xưa, thân thiện và gần gũi với thời cuộc hơn. Họ cũng kịp thời lên tiếng bằng cách cho ra đời những bộ phim đề cập đến chiến sự đang diễn ra ở Iraq, nhưng đa số chẳng có tiếng vang gì, bởi nội dung vẫn còn hời hợt, chưa đủ sức nặng để tạo ảnh hưởng lớn như những bộ phim về “Hội chứng Việt Nam” trước kia.

Nói một cách khác, sự quan tâm trở lại đến đề tài Việt Nam cho thấy, mục đích của các nhà làm phim chỉ để góp chung một tiếng nói với dòng phim phản chiến đang nở rộ trên thế giới hiện nay. Trong tận sâu thẳm, chẳng ai muốn chứng kiến cơn ác mộng “Hội chứng Việt Nam” thứ hai!

Good Morning Vietnam!

Thực tế cho thấy, đề tài chiến tranh Việt Nam mãi mãi không bao giờ cạn và lỗi thời, bởi dù sao nó cũng đã trở thành một phần của lịch sử. Vấn đề ở đây là thời điểm và cách tiếp cận đề tài trong thời đại mới này là như thế nào.

Trước khi phim “Người Mỹ trầm lặng” bấm máy ở Việt Nam từ rất lâu, có hai dự án lớn đã được phép quay ở Việt Nam. “The Other War” (Một cuộc chiến khác) của Frank Verchek – một cựu chiến binh Mỹ kể lại câu chuyện có thật về những tháng ngày cuối cùng ông làm cố vấn ở Việt Nam.

Điều thú vị của câu chuyện này là tất cả những nhân vật được đề cập trong phim đều vẫn còn sống ở Việt Nam. Phim này gặp khó khăn về đầu tư nên đến giờ vẫn chưa triển khai được.

Bộ phim thứ hai có quy mô lớn hơn “Field of Fire” (Tuyến lửa) dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên rất ăn khách của James Webb – nay đã trở thành Thượng nghị sĩ tại Mỹ. Phim này tưởng đâu sẽ bấm máy từ giữa thập niên 90, nhưng sự thất bại của phim “Heaven & Earth” đã làm các nhà đầu tư chùn chân.

Gần 10 năm trời, chính James Webb phải đích thân vận động kinh phí đầu tư. Khoảng năm 2002, hãng RKO đồng ý sản xuất với đạo diễn là Janusz Kaminski (nhà quay phim “ruột” của đạo diễn Steven Spielberg, đã 2 lần đoạt giải Oscar). Mọi việc gần xong thì nổ ra chiến tranh Iraq, thế là dự án phải lùi lại cho đến hôm nay.

Năm nay, ngoài “Pinkville” của Oliver Stone, hồi đầu năm 2007, đạo diễn người Anh Jon Amiel (Entrapment, The Core…) đã đến Việt Nam để khảo sát cho bộ phim “The Fall of Saigon” (Sài Gòn sụp đổ). Đến nay bộ phim vẫn chưa thấy triển khai.

Trong năm 2008, một dự án trị giá 30 triệu USD có tên là “Long Tan” của đạo diễn người Australia từng được đề cử 2 giải Oscar (phim “Tender Mercies”, “Driving Miss Daisy”), Bruce Beresford, sẽ bấm máy.

Câu chuyện kể về trận chiến rất ác liệt ở làng Long Tân (gần Vũng Tàu) tháng 8/1966, khi đội quân viễn chinh hỗn hợp Australia và New Zealand bị bộ đội Việt Nam bao vây suốt 12 ngày.

Ít ai biết đạo diễn Việt Kiều Quan Lelan, cách đây gần 15 năm, đã từng vuột mất cơ hội lớn nhất đời mình, khi bộ phim đầu tay về đề tài Việt Nam của anh đã phải hủy bỏ trong giờ chót vì thất bại của phim “Heaven & Earth”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng trước đây cũng ấp ủ một bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam với tên phim khá ngộ nghĩnh “Tôm khô, Củ kiệu” nhưng đến nay ước mơ vẫn còn dang dở.

Còn đạo diễn Lưu Huỳnh thì trước nay vẫn luôn mong mỏi được làm một bộ phim thực sự về đề tài chiến tranh Việt Nam. Cách đây vài năm tưởng đâu mong ước của anh trở thành hiện thực với bộ phim do chính anh viết kịch bản “Đại bác ru đêm”, nhưng rồi giờ chót dự án không thành, đành phải gửi gắm chút hoài bão qua “Áo lụa Hà Đông”. Hiện nay, anh đang nhắm tới một câu chuyện khác cũng về chiến tranh Việt Nam với nội dung khá độc đáo và cảm động.

Tây hay Ta, Mỹ hay Việt… giờ đây khi làm phim về đề tài chiến tranh Việt Nam, không phải là để hoài nhớ về quá khứ, mà chính là đang hướng đến tương lai.

 Kinh Vũ

 

 

 

 

 


From the same category