“Gone girl” – Vòng lặp hoàn hảo

Có bao giờ bạn phân vân về đôi câu nói, vài cử chỉ của bạn đời? Có bao giờ bạn tự hỏi: cô ấy/anh ấy thật sự nghĩ gì? Với Nick Dunne (Ben Affleck) – nhân vật chính trong “Gone girl” (đạo diễn David Fincher), câu hỏi ấy luôn lởn vởn trong tâm trí mỗi lần anh ngắm nhìn gương mặt xinh đẹp của vợ, nó khiến anh những muốn đập vỡ sọ vợ mình để biết trong đầu nàng có gì. “Gone girl”mở đầu với nỗi nung nấu nhuốm mùi bạo lực có phần bệnh hoạn, thiết lập sắc thái đen tối ngay từ phút đầu, để rồi chỉ có trở nên tối và tối hơn trong gần 150 phút sau đó.

Hai năm sau bộ phim làm lại, kinh phí lớn nhưng nhạt nhòa “The Girl with the Dragon Tattoo”, đạo diễn David Fincher tái xuất với Gone girl – một phim hình sự trinh thám chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Gillian Flynn, cũng là người chấp bút kịch bản. Tuy có kinh phí chỉ khoảng 50 triệu USD thấp hơn hẳn phim trước, Gone girl” đã ngay lập tức chiếm lĩnh ngôi đầu phòng vé. Thu hút bằng cái nhìn cay độc đầy giễu cợt và mối quan tâm đặc biệt đến những ngóc ngách u ám của đời sống cá nhân, Gone girl” là một sản phẩm giải trí chất lượng, tái khẳng định vị trí ông trùm của David Fincher trong dòng phim noir đương đại.

“Gone Girl”

Câu chuyện của Gone girl” khởi đầu đơn giản: Nick Dunne trở về nhà sau một cuộc chuyện trò với cô em gái ở quán bar của gia đình thì thấy cửa mở toang, bàn khách chỏng chơ, kính vỡ tung tóe, vợ anh Amy Dunne đã biến mất. Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc, công bố Amy (Rosamund Pike) mất tích và kêu gọi cộng đồng tham gia tìm kiếm. Quay cuồng giữa các thủ tục pháp lý, Nick nhanh chóng thấy mình trở thành tâm điểm trong một vụ án chấn động dư luận, để rồi khi hết chứng cứ này đến chứng khác được lật tẩy, anh choáng váng nhận ra mình đã trở thành kẻ bị tình nghi giết vợ.

Cấu trúc phim ở nửa đầu chính là cấu trúc văn học của truyện: hai tuyến tường thuật của hai nhân vật chính Nick Dunne và Amy Dunne luân chuyển liên tục, đưa ra nhận định nhiều khác biệt từ hai phía về sự vụ. Đan xen với những cuộc tường trình của Nick Dunne tại đồn cảnh sát và quá trình thu thập bằng chứng vụ án, những trang nhật ký của Amy Dunne đưa người xem trở về ký ức những ngày đầu tiên đôi trẻ gặp gỡ hẹn hò rồi kết hôn. Song song với việc chứng cứ chồng chất làm dấy lên những nghi ngờ, hành trình hôn nhân thăng trầm của đôi vợ chồng cũng được bóc tách dần dần qua nhật ký, hé lộ nhiều mảng tối trong cuộc sống của cặp đôi tưởng như hoàn hảo ấy cùng những âm mưu hiểm ác không ngờ.

“Gone Girl”

Một cảnh trong phim “Gone girl”.

Vẫn luôn nổi tiếng là một đạo diễn cẩn trọng về kỹ thuật, David Fincher tiếp tục thành công khi tái hiện bầu không khí hắc ám bao trùm như đã từng làm với những “Zodiac”, “Fight club”, “House of cards”… đặc biệt ở 1/3 đầu phim. Bảng màu của nhà quay phim Jeffrey Cronenweth – cộng sự không hề xa lạ với Fincher trong “Fight Club” “The social network” – gồm hai sắc vàng và xanh xám chủ đạo đi cùng chiếu sáng tinh giản vô cùng ăn khớp với câu chuyện. Soundtrack của Trent Reznor và Atticus Ross với những motiv âm u luôn lẩn khuất sự đe dọa, không ngừng gieo rắc sự nghi ngờ kết hợp hoàn hảo với bảng màu u ám này. Trong những phân cảnh mở nút, phim bùng nổ trong bạo lực nhưng không bao giờ vượt qua ranh giới rơi vào nhớp nhúa xâm hại giác quan. Gone girl” thật sự là một phim stylish!

Thành công của Gone girl” tuy nhiên không chỉ nằm ở phần kỹ thuật chỉn chu mà còn nhờ rất lớn vào dàn diễn viên tròn vai đồng đều, nổi bật là hai vai chính. Ben Affleck trước nay đã thể hiện tài năng biên kịch và đạo diễn nhưng vẫn phải nhận nhiều chỉ trích về diễn xuất bởi biểu cảm hạn chế. Với Nick Dunne, một vai mà chính sự vụng về trong bộc lộ về cảm xúc như thể có bức tường ngăn cách là điểm nổi bật, diễn xuất của anh trở nên đặc biệt phù hợp với nhân vật. Rosamund Pike, dù được đánh giá là diễn viên có tiềm năng và đã góp mặt trong nhiều phim độc lập và bom tấn, cho đến nay vẫn chỉ có một sự nghiệp vừa phải với những vai phụ ít dấu ấn. Không phải là gương mặt quen thuộc với khán giả Bắc Mỹ, bao quanh Pike dường như là một màn sương bí ẩn, và hệt như nhân vật Amy, cô như đang chờ được khám phá. Quyến rũ và thông minh, thanh lịch và xa cách, từ ánh nhìn xoáy sâu như một nữ hoàng băng giá đến tiếng thì thầm đầy ma lực, Amy Dunne của Pike vừa khiến ta đắm đuối mê hoặc vừa gieo vào sâu thẳm trong ta những e ngại. Dường như có điều gì thật không ổn trong bức chân dung không tì vết ấy, và quả thực đâu đó ta bắt gặp những vết rạn của nghi ngờ. Thật khó để ca ngợi màn trình diễn của Rosamund Pike nhiều hơn nữa mà không để lộ diễn tiến phim, tuy nhiên có thể khẳng định rằng nó xứng đáng với một đề cử Oscar, là vai diễn đột phá có thể tạo nên bước ngoặt kỳ thú cho sự nghiệp của cô.

“Gone Girl”

David Fincher từ lâu đã được biết đến như một nhà làm phim có khả năng tạo ra sản phẩm điện ảnh vượt tầm kịch bản văn học. Đây có thể là trường hợp của Gone girl” – một câu chuyện trinh thám pha trộn phân tích tâm lý rất hấp dẫn, nhưng theo nhiều nhà phê bình chỉ là một sản phẩm văn học đại chúng ăn khách không hơn. Trung thành với nội dung truyện, sau phần đầu rất thành công trong việc tạo lập không khí lơ lửng đòi hỏi người xem liên tục suy đoán, về cuối phim chuyển hướng kịch tính khó tin đôi lúc đến mức lố bịch. Tuy vậy, phim may mắn không vỡ nát hoàn toàn bởi Fincher vẫn khéo léo duy trì khắc họa các lớp thông điệp một cách cân bằng với việc theo đuổi chuyện vụ án giật gân.

Có thể nhìn Gone girl” dưới góc độ một hài kịch châm biếm – nụ cười khẩy pha nỗi sợ vô hình trước vai trò của truyền thông đương đại trong những bi kịch cá nhân. Góc nhìn này đem đến cái hài hước bất ngờ, là nét nhấn nhá thú vị đan cài trong một câu chuyện quá sức u tối. Như trên một sân khấu lớn, truyền thông nhanh chóng phân vai thủ phạm – nạn nhân cho các nhân vật, nhào nặn và định hướng thông tin theo chiều hướng mong muốn, giành giật vị trí thượng phong trên headline (tiêu đề) bất chấp sự thật. Trong vòng xoáy thông tin này, mỗi hành xử, dù xuất phát điểm từ bất cẩn hay đùa bỡn đều có khả năng lái câu chuyện đi theo hướng không ngờ hoặc trở thành quân bài phục vụ một âm mưu tàn độc có thể xảy đến với bất kỳ ai. Cũng có thể diễn giải phim theo hướng một khảo cứu về hôn nhân mà thông điệp nhặt ra từ nó thật chua chát. Cuộc chung sống của đôi Nick – Amy là gì nếu không phải là những màn trình diễn: Nick người đàn ông thành đạt và Amy “cool girl” hoàn hảo? Bất trắc và rạn nứt đến cùng con đường sự nghiệp không bằng phẳng, nhưng bi kịch thật sự là vai diễn trọn đời trong một màn kịch xã hội không hồi kết. Cuộc phiêu lưu của Nick và Amy cùng những quyết định của họ hẳn sẽ khiến nhiều khán giả suy nghĩ về cuộc sống hôn nhân, thậm chí nghi vấn những giá trị mà bản thân vẫn hằng coi trọng bấy lâu.

“Gone Girl”

Trong “Zodiac”, bộ phim đến nay vẫn được nhiều người coi là đỉnh cao sự nghiệp của Fincher, viên thám tử bỏ cuộc sau chuỗi ngày theo đuổi chuyên án không kết quả, kẻ thủ ác thoát tội, khán giả không được đền đáp bằng một kết cục vừa ý. Ta dừng bước dường như ở nơi ta khởi hành, hành trang nặng thêm một thất bại đắng ngắt. Với Gone girl” cũng vậy, cú máy kết phim chính là cú máy đầu phim: khi Nick đang vuốt ve những lọn tóc vàng óng của Amy, cô quay đầu ngước nhìn anh chăm chú. Rồi Nick tự hỏi: thật ra, cô ta đang nghĩ gì? Sau tất cả những gì đã xảy ra giữa họ, ánh mắt ấy không còn là ánh mắt nai mà sắc lạnh như một mũi dao thách thức; câu hỏi ấy không còn là thoáng suy tư mà đã trở thành nỗi dằn vặt – một vòng lặp của những nỗ lực tuyệt vọng và những câu hỏi không có câu trả lời – bức bối – luẩn quẩn – không lối thoát – một vòng tròn hoàn hảo.

 Bài: Hoài Anh 


From the same category