Gọi tên những “đại thụ” âm nhạc cổ điển đương thời

Mỗi người chơi một loại nhạc cụ khác nhau nhưng tựu chung lại họ đều đam mê âm nhạc từ khi còn rất nhỏ và nguyện cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc cổ điển. Tố chất thiên bẩm và sự khổ luyện nghiêm túc đã giúp họ dành được những thành công vang dội khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Nghệ sĩ Piano Richard Clayderman

Richard Clayderman tên thật là Philippe Pages, sinh ngày 28/12/1953 tại Pháp. Ông thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ người cha của mình – một giảng viên âm nhạc của nhạc viện Paris. Cậu bé Phillippe đã biết đọc chính xác các nốt nhạc ngay từ khi chưa phát âm rành rọt tiếng Pháp. Cùng với người bạn thân thiết của mình là cây đàn piano, Phillippe đã giành được rất nhiều giải thưởng âm nhạc và được tuyển vào Nhạc viện Paris khi mới 12 tuổi.

Và từ đó hình ảnh của một nghệ sĩ piano với cặp mắt xanh mơ màng, mái tóc vàng chấm vai, phong cách trình tấu điêu luyện mang tính chuẩn mực cổ điển nhưng cũng đượm nét phóng túng, lãng mạn đã in sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim yêu âm nhạc trên khắp thế giới.

 

Cho đến nay, sự nghiệp âm nhạc của ông vô cùng đồ sộ với hơn 70 triệu album trên toàn cầu, giành được 263 đĩa vàng và 75 đĩa bạch kim, những con số kỷ lục với một nghệ sĩ trình tấu. Ông đã biểu diễn hơn 2000 buổi hòa nhạc trước 3,5 triệu khán giả ở hơn 50 nước trên toàn thế giới. Sách kỷ lục Guiness đã gọi anh là “Nghệ sĩ piano thành công nhất thế giới”.

Nghệ sĩ Violin Sarah Chang

Học violin từ khi lên 4 tuổi. Lên 8 tuổi đã gây được sự chú ý của những nhạc trưởng danh tiếng như Zubin Mehta hay Riccardo Muti. Lên 9 tuổi trở thành nghệ sĩ violin trẻ tuổi nhất thế giới có bản thu âm. Hiện nay, nữ nghệ sĩ violin Sarah Chang được coi là một trong những nghệ sĩ tài năng và quyến rũ nhất trên thế giới.


 

Được mệnh danh là “Thần đồng âm nhạc”, Sarah Chang là niềm tự hào của cả hai quốc gia Mỹ và Hàn Quốc. Các nhà phê bình đã nhận xét: “Nghệ thuật biểu diễn violin của Sarah Chang thật ấn tượng. Cách rung cây vĩ của cô vô cùng hoạt bát và tràn đầy cảm hứng. Những ngón tay ma thuật của cô đã thêu dệt nên những nét giai điệu thật khó tin. Thật sự khâm phục óc sáng tạo phi thường của Chang đồng thời có thể nói quyền lực từ gương mặt gợi cảm của cô cũng tương đương như sức mạnh mà Chang tạo ra từ cây vĩ và cây đàn của mình”.

 

Công chúng yêu nhạc cổ điển tại Việt Nam sẽ có dịp thưởng thức tiếng đàn nữ nghệ sỹ hàng đầu thế giới này trong khuôn khổ Hennessy concert 16 vào tháng 4/2012 tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Hiện cô đang tích cực tập luyện cho buổi biểu diễn quan trọng này tại lâu đài Bagnolet của dòng họ Hennessy.

Nghệ sĩ Cello Yo Yo Ma

Nhắc tới cello, người ta sẽ liên tưởng ngay đến Yo Yo Ma – nghệ sĩ cello bậc thầy thời hiện đại. Yo Yo Ma tên Trung Quốc là Mã Hữu Hữu, sinh ngày 7/10/1955. Yo Yo đã gặt hái được rất nhiều thành công, với hơn 50 album và giành tới 15 giải Grammy. Ông cũng đã từng biểu diễn cùng rất nhiều các nghệ sĩ tên tuổi khác trong dòng nhạc cổ điển.

 

Với Yo Yo Ma, âm nhạc cổ điển không phải là một nghệ thuật quá cao sang, xa xỉ mà giống như “một chuyến xe chuyển tải các ý tưởng, sự đa văn hoá khắp thế giới” tới tất cả cộng đồng. Không nằm ngoài mục đích đó, Ma đã thành lập dự án Silk Road (Con đường tơ lụa) để xúc tiến việc nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật truyền thống và trí tuệ của người xưa, mang những kiến thức và tình yêu âm nhạc cổ điển đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Với những cống hiến của mình, ông đã được quốc tế công nhận như một vị đại sứ của âm nhạc cổ điển.

Nghệ sĩ Guitar cổ điển Julian Bream


Julian Bream được mệnh danh là một trong những nghệ sĩ guitar cổ điển vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ông lớn lên và trưởng thành cùng với âm nhạc, với niềm đam mê cống hiến. Đặc biệt, những sáng tạo, đột phá của ông trong sáng tác biểu diễn nghệ thuật đã làm nên bản sắc riêng của âm nhạc cổ điển, thứ chỉ có thể tìm thấy ở Julian Bream. Ông cho rằng cái hay của âm nhạc cổ điển không phải ở kỹ thuật điêu luyện mà chính là ở những cảm xúc chất chứa trong từng nốt nhạc, từng giai điệu. Những tác phẩm của Julian Bream cùng các đồng sự có ảnh hưởng rất nhiều đến guitar cổ điển và một trong số đó, Nocturnal của Britten, từ đó trở thành một tác phẩm chuẩn mực trong vốn tiết mục cho guitar hiện đại.

Nghệ sĩ viola Yuri Bashmet

So với các nhạc cụ khác trong bộ dây như violin hay cello, cây đàn viola luôn tỏ ra khiêm tốn và lặng lẽ. Chỉ cho đến đầu thế kỷ 20, cây đàn viola mới thực sự khẳng định được vị trí của mình, và Yuri Bashmet (sinh năm 1953 tại Liên Xô) chính là người đi tiên phong, làm thay đổi quan điểm của cả thế giới về cây đàn viola.

 

Đã từng rất yêu thích guitar, theo học và giành nhiều giải thưởng violin nhưng cây đàn viola mới thực sự là niềm đam mê và cuộc sống của Yuri Bashmet. Ông biểu diễn cùng rất nhiều nghệ sĩ và dàn nhạc lừng danh của Liên Xô cũng như trên thế giới, giành được những giải thưởng mà nhiều nghệ sỹ phải mơ ước, đặc biệt là Bashmet cũng đã từng chơi Sinfonia concertante trên chính cây đàn của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart (tại viện bảo tàng của nhà soạn nhạc ở Salzburg) và trở thành nghệ sĩ đầu tiên có được vinh dự này.

Phương Chi (tổng hợp)


From the same category