Góc nhìn nghiêm túc về thời trang “siêu bình thường”

Normcore là từ mới, nối “normal” (bình thường) với “hardcore” (siêu), và được coi là biểu hiện mới nhất của sự sành điệu cực đoan. Khái niệm này được văn phòng K-Hole tại New York đưa ra lần đầu tiên trong bản báo cáo dự đoán xu hướng tiêu dùng đọc giống như tuyên ngôn của một trào lưu mới của tuổi trẻ, vào tháng 10 năm ngoái. Đến tháng 2 năm nay, tờ New York Magazine đăng bài viết về phong cách normcore dựa trên những điều tra mới nhất về thời trang đường phố New York: “Nhìn từ đằng sau thì khó mà biết được ai là dân nghệ trẻ (những người luôn luôn đi đầu khai phá vẻ đẹp mới của thời trang), ai là khách du lịch Mỹ trung niên (vốn nổi tiếng ăn mặc xuềnh xoàng)“. Sau đó không lâu, tờ Dazed and Confused tổng kết “normcore tiên phong” trên sàn diễn thời trang của Rick Owens và J.W. Anderson – những nhà thiết kế mốt đặc biệt nhấn mạnh đến các từ khóa như “sameness” (đơn điệu) hay “indifference” (thờ ơ) trong các BST mới nhất của mình.

BST Chanel Thu Đông 2014-15

BST Chanel Thu Đông 2014-15

Ăn mặc “siêu bình thường” tức là dùng đồ của những người bình thường vẫn thường mặc hàng ngày, những đồ vật dễ dàng có thể mua được tại các siêu thị Mỹ (và nhờ có kinh tế toàn cầu, tại cả các siêu thị và cửa hàng bán đồ xuất khẩu ở nước ta). Từ quần bò mài ống đứng màu xanh da trời đến quần khaki hay quần nỉ thể thao. Từ áo phông trơn đến các loại trang phục giữ nhiệt dành cho việc di chuyển ngoài trời mùa đông của các thương hiệu thể thao như Adidas, North Face hay Patagonia. Dép Crocs, giày New Balance hay các loại giày thể thao “đi không đau chân” nói chung, không phân biệt thương hiệu và mẫu mã, cũng được liệt vào dạng normcore.

Normcore cũng có nghĩa là phối đồ cẩu thả, gai mắt, ví dụ như đi tất thể thao trắng và dép xăng đan. Có thể nói rằng đây là cách ăn mặc khá “ý niệm” – người normcore cần loại bỏ sự quan tâm đến vẻ đẹp thị giác của trang phục, cũng như cần không để ý đến tính ứng dụng của quần áo và đồ dùng cá nhân. Khái niệm “ăn mặc chân thật” – khi cá tính và phong cách khớp nhau cũng cần phải được lãng quên. Ý tưởng duy nhất của phong cách mới này là sự “siêu bình thường” – người ta mặc gì thì tôi mặc nấy. Tất nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi đó là lựa chọn có ý thức của những người thường hay ăn mặc sành điệu (và khác người bình thường).

Giống như các trào lưu khác, normcore cũng có các hình ảnh đại diện. Tuy trong số nhiều cái tên có lẽ rất quen thuộc với người Mỹ, tôi chỉ nhận ra Steve Jobs – người đã dẫn dắt Apple đến đỉnh cao. Ông luôn xuất hiện trước công chúng trong trang phục khiêm tốn, áo cao cổ màu đen và quần jeans ống thẳng màu xanh nước biển. Cần phải nói luôn rằng đây là normcore kiểu Mỹ. Ở Việt Nam, BST normcore địa phương có lẽ được các bộ áo ngủ làm cho “bình thường” hơn.

BST Rick Owens Xuân Hè 2014

BST Rick Owens Xuân Hè 2014

Hãy nhấn mạnh rằng normcore thực thụ không chọn trang phục thời trang cao cấp được thiết kế đặc biệt sao cho giống hệt đồ dùng bán trong siêu thị (ví dụ như từ các chất liệu đắt tiền), mà sẽ dùng chính những đồ dùng phổ thông đó. Phản thời trang và tẩy chay tiêu dùng thái quá là một trong những điểm hấp dẫn giới trẻ thích chống đối và không bao giờ hài lòng với hiện thực, tuy chống đối bằng sự bình thường là một phương pháp khá đặc biệt. Phải chăng Karl Largerfeld đã khá tâm đắc với ý tưởng này khi ông dựng một “siêu thị nhỏ” làm nền cho show diễn BST Thu Đông của Chanel? Một sự so sánh khác – giày thể thao (nếu không kể Chanel thì là các loại giày thể thao trắng hiện đang được đặc biệt lăng xê), dép xăng đan Birkenstock (khởi đầu với dép lót lông thú của Celine) hay phụ kiện ba lô (3.400 -3.800 USD cho đồ Chanel) cũng có thể được liệt vào dạng “có họ xa” với triết lý normcore.  

BST J.W. Anderson Thu Đông 2014-15 dành cho nam

BST J.W. Anderson Thu Đông 2014-15 dành cho nam

Normcore chất vấn quan niệm vẫn được chúng ta nghiễm nhiên tuân thủ, rằng cần thể hiện cá tính của mình qua thời trang, rằng trang phục đặc biệt và phong cách nổi trội là biểu hiện của cá tính, tâm hồn đẹp, hay, độc đáo. Trong vài năm gần đây, quan niệm này dẫn đến cuộc chạy đua trước ống kính của các nhiếp ảnh gia thời trang đường phố (street style), rồi tiếp đến việc “truất ngôi” của thời trang đường phố trong con mắt của cả cộng đồng mạng lẫn giới chuyên môn.

Đề cao việc “ngụy trang” hòa lẫn trong đám đông, normcore là một cách phản ứng với kiểu cách ăn mặc để gây chú ý. Normcore nghi ngờ vào sự cần thiết phải sở hữu phong cách cá nhân, thực ra việc dùng trang phục để thể hiện cá tính là thói quen khá hiện đại chỉ mới xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây, gắn liền với sự phát triển của “chủ nghĩa cá nhân” tại phương Tây, và điều này được công nghiệp thời trang nói riêng, hay kinh tế tiêu dùng nói chung khai thác triệt để. Cho dù tôi khăng khăng cho rằng cá tính của tôi chỉ là của riêng tôi và chỉ phụ thuộc vào một mình tôi, thì quần áo của tôi cũng vẫn là những thứ được các thương hiệu và công ty thời trang “may sẵn” cho một cá tính định trước nào đó. Ngay phong cách phản thời trang, từ quần áo trông như cũ, mòn và rách rưới, kiểu dáng ngoại cỡ hay màu sắc “công, rồng, phượng” để gây chú ý, hiện cũng đã trở thành những công thức quen thuộc của công nghiệp thời trang.

Chiếc ba lô Chanel trong BST Xuân Hè 2014

Chiếc ba lô Chanel trong BST Xuân Hè 2014

Tôi nghĩ rằng normcore có thể chính là lối thoát khỏi “xiềng xích” của ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp (và giải phóng những người thuộc giới hoạt động sáng tạo – nhất là trong lĩnh vực thời trang, khỏi áp lực lúc nào cũng phải tốn tiền cho đồ hiệu). Nếu tin vào triết lý này – chúng ta hoàn toàn có thể tự tin với việc vẻ bề ngoài tầm thường không làm ảnh hưởng đến cá tính nổi trội của mình. Ngược lại, theo các tác giả của normcore, đồ vật thuộc về thế giới của “dân thường” đem lại cho chúng ta khả năng trải nghiệm cảm xúc cộng đồng và cuộc sống thật, hòa nhập với số đông. Theo tuyên ngôn của K-Hole, nếu như trước đây chúng ta sinh ra trong một cộng đồng nào đó rồi cố gắng trở thành những cá nhân nổi bật thì bây giờ, ngược lại, chúng ta sinh ra đã là những cá tính nổi trội và phải cố gắng tìm đến (những) cộng đồng của chính mình.

BST Celine Xuân Hè 2013

BST Celine Xuân Hè 2013

Việc dân sành điệu chủ ý “diện” trang phục đời thường làm tôi nhớ đến một cuốn sách viết về thói quen của người Anh. Tác giả cho rằng trong xã hội phân cấp rõ ràng như Anh quốc, người ta coi việc tầng lớp thượng lưu, quý tộc có những sở thích thuộc về dân lao động – tầng lớp dưới cùng trong xã hội, là thể hiện đáng yêu của tính cách lập dị “kiểu Anh”. Tuy vậy, việc bắt chước tầng lớp kề bên thường bị chê là “trưởng giả học làm sang” (nếu đó là tầng lớp trên) hoặc “thiếu thẩm mỹ” (nếu là tầng lớp dưới). Đây là một trong những đặc quyền của tầng lớp trên, được tự do “nhập vai” những người có vị trí xã hội thấp hơn mà không sợ bị mất chỗ đứng trong xã hội. Có lẽ ý tưởng hòa nhập cộng đồng của normcore chỉ là ảo tưởng ngây thơ, tuy việc mê mẩn sự bình thường vẫn có thể được coi là thể hiện của một phong cách lập dị đáng yêu. 

Bài: Thành Lukasz

Ảnh: Chanel, Rick Owens, J.W.A, Celine



logo

Tìm hiểu thêm: Normcore nghĩa là gì?


Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất? Vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết về thời trang của bạn qua email: thoitrang@dep.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. 

From the same category