1. "Cuốn sách" ban đầu của nhân loại không có trang gì cả. Từ “cuốn” ta vẫn dùng ban đầu là tên gọi những thủ bản được cuộn tròn thành cuốn (nhiều tiếng châu Âu gọi là “volume” có gốc La tinh là "volvere", nghĩa là “cuộn lại”).
Thời Ai Cập cổ đại, người ta đập dẹp những cây papyrus (một loại cói, sậy) rồi đan những sợi ngang và dọc để làm thành những tấm giống như chiếu. Những tấm này sau khi được ngâm ướt, nện cho mịn, rồi phơi khô, sẽ rất thích hợp để viết. Đây chính là tiền thân của sách ngày nay.
2. Có rất nhiều phát minh là tiền thân của giấy. Người Babylon cổ đại viết các chữ hình nêm của họ trên những bảng làm bằng đất sét còn ướt với mục đích ghi chép sản lượng nông nghiệp hay thông điệp của các thần linh. Tuy bằng đất sét nhưng chúng có tuổi thọ qua hàng trăm năm.
Người Trung Hoa ban đầu từng dùng những thẻ tre, rồi dùng những tấm vải lụa cũ để viết. Về sau họ dùng cây dâu, lưới đánh cá hay giẻ cũ để chế tạo giấy.
Khi bị bắt làm tù binh trên “Con đường tơ lụa”, chính người Trung Hoa đã truyền công nghệ làm giấy này ra phần còn lại của thế giới mà trước tiên là vùng Ba Tư.
Tại Ấn Độ, người ta viết trên vỏ cây và lá cây cọ. Tại Tây Tạng, xương bả vai của con dê được dùng để khắc những câu thần chú. Cách khắc chữ này gọi là "khắc cốt" hay "giáp cốt" đồng thời cũng chính là một trong những nhánh tiền thân của nghệ thuật thư pháp Trung Hoa.
Da thú được dùng nhiều ở Trung Đông. Người Miến Điện thường viết trên những tờ mỏng bằng đồng. Người Rôma thường dùng những bảng gỗ nhỏ đôi khi phủ một lớp sáp mỏng…
3. Khi một vị vua Hy Lạp bị đối thủ cắt nguồn cung cấp giấy cói, ông đã chế ra một kỹ thuật mới để rửa sạch, căng và làm mịn da cừu, dê để có thể viết trên cả hai mặt. Đó là giấy da.
Giấy da là một phát minh làm cơ sở cho bước tiến bộ tiếp theo và lớn nhất trong kỹ thuật làm sách trước khi có máy in. Ý tưởng này quá đơn giản khiến chúng ta không ngờ nó là một phát minh.
Các trang không còn được dính liền với nhau thành một dải dài và cuộn tròn thành một cuốn nữa. Thay vì cuộn, người ta khâu các trang lại thành một bộ (codex).
Sách cuốn có nhiều bất tiện, số dòng ít mà khi trải ra đôi khi có những cuốn dài tới hơn 100m. Sách khi đọc phải mở ra rồi cuộn lại rất vất vả, vì thế sau mỗi lần đọc, bản văn bị hư mòn dần.
Ngược lại với sách cuốn, sách bộ bằng những tờ giấy da khâu lại có dạng giống như sách ngày nay tiện lợi hơn nhiều. Nó dễ sử dụng, bền hơn, chứa được nhiều nội dung hơn và gọn hơn để cất giữ.
Các ý tưởng về mục lục, phụ chú… cũng được ra đời từ sự thuận tiện này.
Giấy da |
Da thuộc |
Làm giấy ở làng Cầu Giấy |
4. Vào thời hoàng kim của các thư viện trung cổ, sách là một vật quá quý báu đến nỗi người ta phải xích nó vào kệ sách hay vào một thanh sắt đặt ngang trên bàn để cho người ta tham khảo.
Biểu tượng của các thư viện cổ là cuốn sách bị xích. Khi sách có nhiều hơn, chúng không còn bị xích và đặt nằm chồng lên nhau nữa, nhưng được dựng đứng sát cạnh nhau để phô bày gáy sách, tựa sách và tác giả.
5. Cho đến trước thế kỷ 15, vì công nghệ in ấn chưa thực sự phát triển nên một trong những nghề danh giá nhất là nghề “chép sách”. Có thời kỳ cả nước Ý chỉ có chưa đến 20 người thợ làm công việc này.
6. Một trong những kiểu chữ đầu tiên được dùng để in sách là kiểu chữ “black” – có giao diện gần giống các font Gothic ngày nay.
Sau đó kiểu chữ này khó đọc và chiếm nhiều diện tích nên người ta đã cải tiến nó sang dạng Italic – nghĩa là “in nghiêng”, và cũng liên quan tới nghĩa “nước Ý” vì nó được dùng làm quà tặng cho Italia thời mới ra đời.
Kiểu chữ phổ thông sau thời Italic còn được dùng đến ngày nay chính là Roman – loại chữ có chân mềm, bằng mà ta còn hay gọi là Serif.
7. Trước khoảng năm 1480, một số sách chỉ có số lượng in là 100 bản; đến năm 1490, con số trung bình đã lên tới 500.
Đến 1501, khi thị trường được tổ chức tốt hơn và sách đã hạ giá mạnh, số lượng bản in trung bình mỗi lần đã lên tới gần con số ngày nay. Trong thế kỷ tiếp theo, một lần xuất bản lên tới con số 2.000 bản.
Tịnh Tâm designer |