Năm 1855 một trong những chuyên gia đầu ngành, nhà pha chế nước hoa uy tín người Anh Septimus Piesse đã đưa ra “tuyên ngôn” đầu tiên về cách thức pha chế hương liệu “trộn hương thơm như pha màu vẽ” và ví những chế phẩm thơm với các tác phẩm hội họa và âm nhạc. Theo ông, chỉ hương hoa – những hương thơm tinh tế, dịu dàng nhất của thiên nhiên – mới có thể thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ đẳng cấp. Tôi khá băn khoăn, tại sao không có nhiều thông tin về các loại nước hoa thơm mùi gỗ quý hay hương liệu gỗ thơm trong các tư liệu về lịch sử nước hoa, trong khi về hương hoa thì không thiếu. Năm 1865, nhà pha chế nước hoa người Pháp gốc Anh Eugene Rimmel đã liệt kê 8 loại hoa “chủ đạo” cho việc pha chế nước hoa, là hoa nhài, hồng, cam, huệ, keo ta (cassie), violet, trường thọ và thủy tiên. Trong số khoảng 50 hương liệu cơ bản được ông liệt kê và miêu tả trong cuốn “Sách về nước hoa” ( The Book of Perfumes), ba loại tinh dầu gỗ thơm được nhắc đến vỏn vẹn trong vài câu. Tinh dầu gỗ đàn hương “đến từ phương Đông và được coi là ‘the perfume par excellence’ – mùi hương tinh túy thượng hạng, hương liệu cơ bản cho mọi chế phẩm làm đẹp”. Về tinh dầu gỗ cẩm lai (rosewood) và tuyết tùng (cedarwood/juniperus virginiana), tác giả chỉ viết “có đấy, nhưng không phổ biến”.
Cho đến nay, tinh dầu gỗ đàn hương quý giá nhất, đắt tiền nhất là loại chiết xuất từ Santalum album (loại cây có nguồn gốc ở vùng Karnataka và Tamil Nadu, Ấn Độ) hay được giới hâm mộ nước hoa gọi với tên thông dụng là “Mysore Sandal”. Từ hàng ngàn năm nay, người Ấn Độ đã dùng gỗ đàn hương trong nghi lễ tôn giáo, xây dựng chùa chiền. Trong y học cổ truyền Ayurveda, tinh dầu các loại thảo dược được chưng cất rồi pha trộn với tinh dầu đàn hương làm thuốc. Luca Turin viết rằng bản thân tinh dầu đàn hương Ấn Độ “xịn” đã chính là một loại nước hoa thực thụ, “thơm như sữa quyện với hoa hồng, đặc sánh và ngọt nhưng cũng xanh tươi đầy sức sống”. Đây là hương liệu làm nên tiếng tăm cho Bois des Iles – loại nước hoa hiện có trong BST Les Exclusif của Chanel, do Ernest Beaux pha chế năm 1926 và được coi là nước hoa đầu tiên có hương thơm của gỗ dành cho phái đẹp. Nhà pha chế của Chanel trộn hương gỗ đàn hương với vị ngọt của vanilla và vị cay của gia vị, mà theo lời giới thiệu của Chanel – tạo nên mùi thơm như bánh quy gừng dịp Giáng sinh. Tuy vậy, điều tôi thích nhất ở Bois des Iles là việc Ernest Beaux đã pha vào đó một chút aldehydes, hương liệu nhân tạo nổi tiếng của Chanel No5, làm cho bạn có cảm giác như vừa được bao bọc bởi đám mây phấn của các loài hoa trắng (đầy nữ tính) vừa thơm mùi gỗ quý (cho ra dáng đàn ông). Năm 1990, Chanel cho ra mắt L’Egoiste, nước hoa dòng hương gỗ pha với gia vị dành cho nam giới do Jacques Polge pha chế, có lẽ vương vấn một chút chất đàn hương độc đáo của Bois des Iles. Tuy không còn được “đám mây phấn hoa trắng đầy nữ tính” bao bọc, nhưng cũng được khá nhiều phụ nữ ưa chuộng. Tôi nghĩ có lẽ vì đây là nước hoa có mùi gỗ đàn hương tuyệt vời nhất trong số các loại nước hoa có thể dễ dàng tìm thấy trong những cửa hàng bán nước hoa phổ thông và có giá phải chăng. Cổ điển, vintage khi tỏa hương thơm từ cổ áo sơ mi nam giới. Sành điệu, hấp dẫn và bí hiểm (nhất là về giới tính mà nói) khi được phụ nữ dùng.
Tinh dầu Mysore trở nên quý hiếm khi việc khai thác bừa bãi gỗ đàn hương đã khiến loài cây này có nguy cơ tuyệt chủng. Trong những năm 2002-2009, giá tinh dầu đàn hương đã tăng gấp đôi, lên đến khoảng 2.000USD/kg. Năm 2004, Santalum album được liệt vào sách đỏ các loài thực vật cần được bảo vệ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế). Nhưng trong khi chính phủ Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ việc khai thác loài cây gỗ quý này, thì đàn hương Ấn Độ lại được trồng trên diện rộng tại vùng Kununurra, Úc từ năm 1999 với mục đích khai thác tinh dầu thơm. Có thể lý do bảo tồn tự nhiên cũng nặng cân không kém giá thành của hương liệu tự nhiên, làm cho phần lớn các loại nước hoa có hương gỗ đàn hương hiện nay sử dụng tinh dầu tổng hợp. Beta-santalol, hợp chất chính trong thành phần hương thơm đặc biệt của tinh dầu đàn hương, đã được các nhà hóa học tìm thấy năm 1990, nhưng quá trình tổng hợp qua 11 bước quá phức tạp và tốn kém để sản xuất nước hoa hàng loạt. Thay vào đó, công ty Givaudan có hợp chất Ebanol, hãng Firmenich thì đề xuất sử dụng Firsantol, trộn thêm tinh dầu tuyết tùng để tạo cảm giác gỗ thơm phơi khô hun khói của tinh dầu đàn hương tự nhiên. Tinh dầu tuyết tùng tạo nên mùi gỗ thô, mộc có thể làm cho bạn mê mệt hoặc không thể chịu nổi như nước hoa Tam Dao nổi tiếng với hương gỗ đàn hương của Diptyque sản xuất năm 2003.
Hương thơm của tinh dầu tuyết tùng được coi là đặc trưng cho nam tính, thường chỉ được đóng một trong những “vai phụ” đem lại mùi gỗ thơm trong các dòng nước hoa ngọt đậm chất phương Đông (Woody – Ambery) hay hương hoa (Woody Musk). Phải đến năm 1992, tuyết tùng mới được Christopher Sheldrake (hiện là nhà pha chế nước hoa cho Chanel) cùng Pierre Bourdon và Serge Lutens “phát hiện lại” khi pha chế nước hoa nổi tiếng Feminite du Bois của Shiseido. Đây là loại nước hoa có mùi gỗ bóng bảy, thơm hương quế, hoa violet, hoa cam, mận và đào. Lần đầu tiên trong một loại nước hoa cho phụ nữ, hương gỗ tuyết tùng “nam tính” tỏa mùi thơm từ những phút đầu tiên (top notes) cho đến lúc “hòa quyện” với làn da (drydown). Cấu trúc gỗ thơm và mứt hoa quả của Feminite du Bois, theo Luca Turin, đã khởi đầu một xu hướng mới cho các loại nước hoa nữ có hương gỗ mà điển hình là Dolce Vita của Christian Dior (ra mắt năm 1995). “Bí mật” của Feminite du Bois là Iso E Super – hóa chất nhân tạo gần như không mùi nhưng có khả năng làm hương thơm của hoa “tỏa sáng” trên da người. Được phát hiện năm 1972 và sau hai thập kỷ, hương liệu này cũng được coi là chất liệu “gỗ thơm cổ điển”, có trong các loại nước hoa hương gỗ rất khác nhau, từ Comme des Garcons Series 3 Incense – Kyoto (có mùi thông, gỗ tếch, tuyết tùng và nhang) cho đến Hermessence Poivre Samarcande (kết hợp mùi hạt tiêu với gỗ tuyết tùng). Hình mẫu mới nhất của nước hoa hương gỗ dành cho phụ nữ là Light Blue (do Olivier Cresp pha chế cho Dolce & Gabbana năm 2001), kết hợp hương chanh, gỗ tuyết tùng và bộ ba hóa chất tạo hương gỗ là Ambroxan, Z11 và Norlimbanol. Giới chuyên môn gọi đó là transparent woody – những hương thơm đậm chất gỗ, nhưng vẫn trong trẻo, nhẹ nhàng. Ambroxan vốn là hóa chất do công ty Firmenich sản xuất, thường được dùng để thay thế long diên hương tự nhiên, có khả năng giữ được mùi hương cực lâu, hiện có vai trò mới của chất tạo phong cách “hương gỗ hiện đại” (modern woody). Đây là xu hướng mới của ngành công nghiệp sản xuất nước hoa – tìm kiếm những hóa chất bổ trợ “không mùi” kiểu Iso E Super hay Ambroxan, rẻ và có thể được pha chế với nồng độ khá cao nhưng đem lại cho nước hoa những mùi hương gỗ tuy nhẹ nhưng vẫn nồng nàn. Có vẻ như các nhà pha chế nước hoa đã nhận ra rằng phụ nữ hiện đại cũng muốn có “mùi thơm của sự thành đạt” cho chính bản thân mình.
Bài: Thành Lukasz
Gợi ý lựa chọn cho cô dâu 3 mùi hương đặc trưng của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế váy cưới để đặt dấu ấn đầy phong cách lên ngày trọng đại của mình.