Chỉ vừa mới ra mắt tuần đầu tiên, “Tenet” đã khiến cộng đồng yêu phim toàn thế giới “dậy sóng”. Không chỉ là bom tấn hành động được trông đợi nhất năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại, bộ phim còn là đứa con tinh thần đầy tham vọng của đạo diễn Christopher Nolan. Dự án bom tấn “Tenet” thực sự là một kỳ quan của điện ảnh, khơi gợi sự tò mò, khám phá của bất cứ ai và xứng đáng trải nghiệm lại nhiều lần trên màn ảnh rộng.
Cảnh phim ở đường ray xe lửa ngay phần mở đầu “Tenet“ làm nảy ra giả thuyết nhân vật chính thực sự đã chết sau khi tự tử ở thời điểm này. Khán giả đoán rằng nhân vật chính bằng cách nào đó đã được trao cho một cơ hội sống thứ hai để làm nhiệm vụ lịch sử của mình. Giả thuyết này giải thích cho câu thoại “Chào mừng đến kiếp sau” khi nhân vật chính tỉnh dậy và được biết mình vẫn còn sống.
Cuối phim, chúng ta được biết nhân vật chính là người làm chủ vòng lặp thời gian và không làm việc cho ai ngoài chính mình. Điều này càng khẳng định tổ chức điệp viên chiêu mộ anh ở đầu phim cũng chính do anh lập ra và chi phối chính mình trong quá khứ.
Giả thuyết này đã được nhiều fan đặt ra trước khi “Tenet” ra rạp. Dù nghe chừng không hợp lý lắm nhưng không ai có thể chối cãi mối liên hệ mật thiết giữa hai bộ phim cách nhau một thập kỉ của Christopher Nolan, nhất là khi “Inception” được tái phát hành ngay trước khi “Tenet” ra mắt.
Các fan của “Inception” tìm mọi cách móc nối hai bộ phim với nhau và đưa ra một số giả thuyết như Neil và nhà khoa học nữ Barbara ở đầu phim là con trai và con gái của Cobb (Leonardo DiCaprio). Công nghệ được sử dụng trong “Inception” có liên quan đến sự kiện Thế Chiến thứ ba bùng nổ. Thậm chí poster của hai bộ phim cũng có nhiều trùng khớp trong tông màu và phong cách.
Như đã biết, tựa phim “Tenet” là một từ palindrome (xâu đối xứng), tức là khi đọc xuôi hay ngược đều giống nhau. Khi tiêu đề phim hiện trên màn ảnh rộng, không khó để khán giả nhận ra chữ E trung tâm biến mất hoặc xuất hiện đầu tiên, rồi đến 2 chữ N, cuối cùng là 2 chữ cái T như một vòng lặp thể hiện lý thuyết tất định được giới thiệu trong phim. Và cũng rất có thể, tựa phim này đã phản ánh chính xác nhất các dòng thời gian và thực tại trong phim.
Giả thuyết đặt ra là bộ phim mở đầu ngay ở thời điểm giữa một dòng thời gian xuôi và một dòng thời gian ngược. Một bên là thực tại nhân vật chính đã trải nghiệm toàn bộ các sự kiện và chiêu mộ Neil khi đã biết hai người sẽ là cộng sự thân thiết, còn bên kia là thực tại nhân vật chính chưa có các trải nghiệm này.
Con quỷ Maxwell là một thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng của nhà khoa học James Clerk Maxwell thách thức định luật hai nhiệt động lực học. Trong thí nghiệm của mình, Maxwell mô tả một căn buồng ngăn đôi canh giữ bởi con quỷ. Hai ngăn có nhiệt độ khác nhau, được minh họa bằng hai màu xanh – đỏ (như màu sắc của 2 đội xuôi dòng và nghịch đảo trong phim) đặt ra giả thuyết rằng con quỷ Maxwell có thể phân loại các phân tử chạy nhanh (màu đỏ) sang nửa bên phải của buồng và các phân tử chạy chậm (màu xanh) sang nửa trái còn lại, nhờ vậy chiều thời gian sẽ bị thao túng.
Trong “Tenet”, hệ thống cửa xoay có cấu trúc tương tự buồng ngăn trong thí nghiệm của Maxwell và cũng sử dụng ánh đèn hai màu xanh, đỏ như mô tả của nhà khoa học. Tấm kính ngăn giữa hai căn phòng chính là đại diện cho cánh cửa của con quỷ Maxwell.
Một trong những điểm khác biệt nhất của “Tenet” so với tất cả tác phẩm trước đây của Christopher Nolan là các nhân vật trong phim hầu như không có bối cảnh quá khứ. Thậm chí nhân vật chính của bộ phim do nam diễn viên John David Washington thủ vai là một điệp viên không hề có tên mà được gọi chung là nhân vật chính. Sự bí ẩn trong thân phận của các nhân vật khiến khán giả càng thêm tò mò muốn lý giải khi phim kết thúc.
Ở đoạn kết, bí mật được hé lộ rằng Neil (Robert Pattinson) đã quen biết nhân vật chính từ rất lâu. Nhân vật chính cũng sẽ phải trải qua một quãng đường dài để gặp lại Neil ở điểm bắt đầu thực sự. Cảnh phim tiếp theo, khán giả thấy Kat đang đón cậu con trai Max ở cổng trường, không còn bị chia cách và đe dọa bởi người chồng Sator. Hai cảnh phim liên tiếp này khiến nhiều người suy đoán Neil chính là Max ở tương lai, đặc biệt là khi Neil và Max cùng có màu tóc vàng.
Sau các sự kiện trong phim, rất có thể nhân vật chính và Kat duy trì một mối quan hệ thân thiết và nhờ vậy nhân vật chính có thể chiêu mộ Neil vào tổ chức Tenet. Đặc biệt, cái tên Max là viết tắt của Maximilien, 4 ký tự cuối cùng ghép lại theo trình tự nghịch đảo sẽ là “NEIL”.
Tuy nhiên giả thuyết này cũng có vài lỗ hổng. Chênh lệch tuổi tác quá lớn giữa Neil và Max có nghĩa là Neil đã phải đi ngược thời gian khoảng một vài thập kỷ. Bên cạnh đó, có khán giả còn suy đoán không phải Neil mà chính Ives (Aaron Taylor-Johnson thủ vai) mới là Max khi trưởng thành.
Giống như các bộ phim khác của đạo diễn Nolan, “Tenet” là “mảnh đất màu mỡ”, là “vùng trời bao” là cho chúng ta tha hồ thể hiện khả năng quan sát và sáng tạo cũng như kiến thức của mình và đưa ra hàng loạt giả thiết từ hợp lý cho đến phi lý nhất.