Những thông tin này được đưa ra với lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái, ngõ hầu tìm ra con đường tháo ngòi nổ “những quả bom tấn” dưới nhiều mái trường của Yên Bình.
Chuyện cứ như đùa!
Trong cuộc họp với 80 giáo viên bị đưa vào kế hoạch hủy biên chế, ông Tập – Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Bình – nói: “Trong thời gian qua, có 212 trường hợp tuyển dụng, tiếp nhận và ký hợp đồng sai quy định. Nay phải giải quyết và xử lý theo đúng kết luận của UBND tỉnh. Chính vì vậy mà UBND huyện đã có quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng của 80 giáo viên mầm non kể trên”. Ông Lê Văn Lương – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình – nói tiếp: “Nói thật với các đồng chí: Theo kết luận và thông báo của tỉnh, thì 80 cô giáo phải hủy biên chế, ký lại hợp đồng”.
Một hiệu trưởng nhà trường tại huyện Yên Bình bức xúc: “Chúng ta không còn cách giải quyết nào nữa hay sao mà lại đuổi giáo viên ra khỏi biên chế, khỏi bục giảng như thế? Bản chất của vấn đề là người ta đã làm sai, đến mức, quá nhiều hợp đồng tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên mà “đi thẳng” không cần phải qua… phòng giáo dục. Phòng giáo dục quản lý nhà nước đến từng giáo viên cụ thể mà không được biết thì thật là một tấn bi hài kịch: Một hiệu trưởng từ trường A chuyển về trường B, đến khi trưởng phòng giáo dục được mời đến dự bàn giao thì trưởng phòng mới hỏi là “đồng chí về trường nào?”. Mấu chốt thảm nạn là ở đấy”.
Quan trọng là yên dân
Trong khi đó, một lãnh đạo UBKTTƯ – người trực tiếp lăn lộn kiểm tra vụ việc – kiến nghị: Yên Bái là tỉnh nghèo, 85% ngân sách từ trung ương rót về. Lấy đâu tiền trả lương cho mấy trăm giáo viên dư thừa kia? Lấy đâu vị trí công việc bố trí cho họ? Rõ ràng là phải xử lý. Nhưng xử lý thế nào cho hợp tình hợp lý, chứ không nên vội vàng đơn phương ép họ ra khỏi biên chế như vậy được. Ví dụ, sẽ ưu tiên giữ lại những người tuyển biên chế trước, ưu tiên cả những người đã hợp đồng làm vịệc cống hiến cho giáo dục địa phương trước. Giữ nguyên biên chế, đưa dần các vị đó về các huyện ở trong tỉnh đang thiếu giáo viên.
“Một vấn đề nữa, giải quyết thế nào thì giải quyết, vấn đề quan trọng là yên lòng các nhà giáo, yên dân! Họ là công dân, là người giáo viên, quyết định biên chế có dấu đỏ, có chữ ký là ông chủ tịch UBND huyện hẳn hoi không thể đẩy họ ra đường!” – Lãnh đạo UBKTTƯ nói.
Tập thể 80 giáo viên mầm non bàng hoàng lên tiếng: “Quyết định không hợp lòng người” Sau khi Lao Động đăng phóng sự “Yên Bình dậy sóng” kỳ 1, ngày 15/11, chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị và chữ ký của 80 giáo viên sắp bị hủy biên chế. Đơn gửi cả Sở GDĐT; Sở Nội vụ; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh . Theo đó, việc hủy biên chế “làm chúng tôi vô cùng bàng hoàng và cảm thấy không thỏa đáng với những lý do sau đây”, xin trích: Thứ nhất, việc xét biên chế là một quy trình từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên đối với cấp có thẩm quyền. Việc được xét và quyết định được biên chế hay không là do các cấp lãnh đạo, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định dựa trên các chỉ tiêu và tiêu chí đã công bố. Cá nhân tất cả các giáo viên chúng tôi không hề có thẩm quyền quyết định việc vào biên chế của mình. Thứ hai, cá nhân hoặc tổ chức nào sai phạm thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về điều đó. Đối với chúng tôi, sau khi được tuyển dụng, được xét và quyết định vào biên chế, chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong quá trình dạy học chúng tôi không làm bất cứ điều gì sai trái, không vi phạm quy chế chuyên môn. UBND huyện Yên Bình thực hiện “kế hoạch sửa sai” mà lại lấy 80 giáo viên chúng tôi ra để hủy biên chế là không thể chấp nhận được. Chúng tôi không đáng và không thể để UBND huyện Yên Bình thực hiện một quyết định hết sức phi lý và không hợp lòng người như vậy. |
Theo Đỗ Doãn Hoàng