Glen Innes - Những mảnh văn hóa rơi xuống tân lục địa - Tạp chí Đẹp

Glen Innes – Những mảnh văn hóa rơi xuống tân lục địa

Sự Kiện

Kỳ 9
Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

 

Tháng 10 năm 2011, Nam bán cầu đang vào cuối xuân. Trên đường lái xe ra khỏi vùng Outback hoang sơ của Queensland trở lại New South Wales, Australia, chúng tôi tình cờ gặp bãi đá đứng (Standing Stones) ở thị trấn nhỏ Glen Innes gần biên giới giữa hai bang này, có hình dạng khá giống với Stonhenge. Bãi đá là biểu tượng di sản văn hóa cộng đồng người Celtic, tổ tiên của một bộ phận dân cư châu Âu (Irish, Welsh, Cornish, Scottish, Manx and Bretons), mà hậu duệ của họ đã lập nghiệp ở Tân lục địa này suốt mấy trăm năm qua, từ nửa cuối thế kỷ 18  khi Hoa kỳ giành được độc lập và nơi đây trở thành một tân thuộc địa rộng lớn và màu mỡ. Nhưng câu chuyện thứ ba về một di sản đá không chỉ về những tảng đá còn rất mới ấy.


 

Những nỗi cô đơn và niềm thương nhớ từ Úc châu

Bãi đá đứng ở Glen Innes lồng lộng giữa cao nguyên hun hút gió bỗng gợi cho tôi những ý nghĩ kỳ lạ: đá có thể có hồn, có gốc gác, nhưng đá có biết nhớ thương như người không? Tại sao những người gốc Celtic lại gửi nỗi niềm hoài hương vào đá? Rồi nhớ lại một buổi chiều cách đó chừng nửa tháng, khi chúng tôi bắt đầu hành trình Outback và có một đêm khó quên ở Isla Gorge National Park, một trong khoảng 200 công viên quốc gia của Queensland, chặng đầu trên con đường đi vào “tim” nước Úc.

Trước khi đến Úc và Mỹ, tôi thường hình dung công viên quốc gia là nơi được tạo cảnh và chăm chút thật sạch đẹp để phục vụ khách tham quan. Nhưng thực ra những công viên này thường là khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt và hầu như không có sự phát triển nhân tạo nào – những miệng núi lửa đã tắt trở thành những hồ nước trên đá, những bãi biển cát trắng tinh hay mọc đầy các loại cây nước mặn, lổm ngổm sứa và cua biển, những thác nước ở cuối đường mòn dây leo rậm rạp. Các công viên quốc gia Úc đặc biệt sạch sẽ; bãi đậu xe rộng rãi, khu lều trại có nguồn cắm điện, khu ăn uống và vệ sinh rất tiện nghi; và rất nhiều nơi không có nhân viên phục vụ (nhân lực Úc vẫn thiếu và đắt). Tới nơi bạn chỉ cần xem bảng chỉ dẫn và bỏ tiền (khoảng 11 – 15 đô la Úc cho một người) vào một phong bì để lại cho ban quản lý.

Hồ nước trên đá ở một công viên quốc gia 

Chiều hôm ấy trước khi chúng tôi tới, cả bãi đậu nghỉ đêm chỉ có hai chiếc xe: một chiếc caravan (nhà di động) và một chiếc sedan nhỏ. Ông già chủ caravan có vẻ đẹp cổ điển của những người đàn ông Úc gốc Âu – giò cao, mặt xương, mắt xanh lơ, râu quai nón, quần jeans áo trắng, mũ phớt rộng vành. Ông ngồi trên chiếc ghế xếp, hướng về phía thung lũng tràn ngập ánh hoàng hôn. Bà già chủ chiếc sedan ngồi ở bàn ăn trong vườn, tóc bạch kim uốn gọn gàng giấu trong vành mũ nan tròn, hai má đỏ hây hây như hai trái táo trông rất ngây thơ, vừa ăn sandwich vừa liếc ông già. Ông già thổi sáo, tiếng sáo phủ khắp thung lũng một âm thanh não nề. Bà già cười vu vơ.

Ông già ngừng thổi, cúi xuống đọc sách. Bà già ngập ngừng dọn dẹp bàn ăn. Chắc bà đang ở công viên gần đó, lái xe sang đây chơi, tình cờ gặp ông già. Có vẻ bà muốn ở lại đây tối đó. Bà dợm bước quay ra xe, rồi lại quay về phía ông già ngồi, rồi lại quay ra xe. Ông già xếp ghế lại, điềm nhiên đi về phía chiếc caravan, lên cabin, nổ máy. Đoán chừng ông không muốn ở lại và sẽ tiếp tục lái xe trong đêm, bà già vội quay lại chiếc caravan, không chịu bỏ lỡ cơ hội cuối cùng được nói chuyện với ông già. Dù rất tò mò, tôi không dám đến gần nghe lỏm xem họ chào hỏi nhau thế nào. Ông già vẫn ngồi trên cabin, bà già đứng ngấp nghé cạnh cánh cửa mở hé. Nói, cười, bàn tán khá lâu. Rồi chào tạm biệt. Ông già lái chiếc caravan ra bãi đất phẳng phiu hơn ngay gần đó. Thì ra ông chỉ muốn dời xe ra đúng chỗ quy định, đậu xe quay lưng về phía hoàng hôn, mở cửa dựng lều. Xe bà già đã đi khá xa. Nắng chưa tắt hẳn, có thể nghe tiếng máy xe chập chờn đâu đó, vì chung quanh rất yên lặng, không có cả tiếng gió mới lúc nãy còn xì xào trên những ngọn cây vẫn xơ xác sau mùa đông.

Tòa thị chính Glen Innes 

Trời chợt tối rất nhanh và tôi không kịp chụp được tấm ảnh nào, vì mải nghĩ ngợi về hình ảnh lãng mạn và cô đơn ngay trước mắt. Mặc dù có lượng dân nhập cư dưới 35 tuổi vào hàng lớn nhất thế giới, đất nước thưa người này vẫn đang ngày một già đi. Rất nhiều người lớn tuổi đã chọn cách di chuyển nay đây mai đó để cuộc sống đỡ tẻ nhạt. Nhiều người đi lẻ như hai ông bà tôi gặp ở Isla Gorge, song cũng có nhiều người đi có cặp có đôi. Chúng tôi gặp Rosemary và John ở một bãi đậu xe caravan tư nhân khác ở gần thành phố biển xinh đẹp Cairns. Lần này thì chính tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội và đã bắt chuyện với Rosemary, trong khi John thỉnh thoảng lại chen vào hỏi lại xem tôi vừa nói gì. Chưa kịp băn khoăn không hiểu tiếng Anh của mình có quá tệ không, thì Rosemary đã giải thích là John bị nghễnh ngãng và thường chỉ hiểu những lời vợ nói. Tìm được người nghe, bà nói không ngừng: “Tuy điếc đặc nhưng được cái ông ấy rất chịu khó, có ngày lái xe cả ngàn cây số nếu cần. Riêng lần này chúng tôi sẽ ở đây vài tuần để trông bãi đậu caravan vì chủ bãi đi vắng. Thế nên em biết đấy, việc đi lại cũng không tốn kém mấy đâu”, Rosemary cười hể hả. “Trước đây chúng tôi có một chiếc caravan khác, không đẹp bằng chiếc này, nhưng đã bán nó và còn có lời nữa”. Hai ông bà có ba người con đã trưởng thành và có gia đình riêng, ở những thành phố cách xa nhau, vì thế việc đi thăm từng đứa con một cũng trở thành những hành trình đủ dài. Còn về lại Scotland để thăm quê hương bản quán thì quá xa xôi, “John nhà tôi rất ngại bay, mà cứ đi hết nước Úc này cũng mất rất nhiều thời gian rồi. Chúng tôi sinh ra ở Úc, được học nhiều về văn hóa Celtic từ lúc nhỏ, chúng tôi là những người Úc gốc Celtic”.

Cảnh bãi đá trong gió mạnh 

Gửi vào trong đá

Chẳng cứ gì Rosemary và John, các tờ rơi quảng cáo của các công ty du lịch Úc thường có những lời giới thiệu vui vẻ rằng người Úc không cần phải tốn kém bỏ tiền vé máy bay sang tận Anh để cảm nhận sức mạnh tinh thần của những tảng cự thạch khổng lồ, biểu tượng của nền văn mình châu Âu đã phát triển rực rỡ từ thời tiền Trung cổ. “Chỉ cần tới Glen Innes, thủ phủ của dân gốc Celtic để xem phiên bản của chúng”. Đá không chịu tác động của thời gian, nên dù trẻ hơn đá ở Stonehenge cỡ 4 ngàn năm, những tảng đá ở Glen Innes vẫn có vẻ già nua, đường bệ và vững chãi cắm sâu vào lòng đất, như văn hóa của người Celtic cắm sâu vào miền đất mới này.

Những tảng đá ở đây cũng được dựng theo hình vòng tròn đón mặt trời mọc, tổng cộng là 40 tảng, có những tảng nặng tới 30 tấn; trong đó 24 tảng xếp thành hình đồng hồ 24 giờ, vừa giống như lịch hay la bàn, tạo ấn tượng mạnh về sự ngưng đọng của thời gian. Vòng tròn đá ở đây còn được cho là mô phỏng vòng tròn đá Brodgar ở Orkneys, Scotland, có đắp phù điêu chữ thập biểu thị sự giao hòa giữa thế giới cũ và mới. Khác với quang cảnh lạnh lẽo của Stonehenge, ở đây có những ngôi nhà nhỏ chung quanh bãi đá là nơi sinh hoạt cộng đồng của người gốc Celtic, và những đàn bò gặm cỏ trên những triền đồi xanh tươi lân cận.

Bảng chỉ dẫn vào Bãi đá đứng 

Chúng tôi ghé Crofter’s Cottage, một quán ăn mà theo lời giới thiệu trên tờ rơi du lịch là đậm chất văn hóa Celtic hơn cả những quán tương tự ở chính nước Anh, với bánh nhồi bột kiểu Cornwall và Scotland, bít tết và cá hồi xông khói, các món súp nấu tươi ăn kèm pho mát và bánh cà rốt làm tay. Ăn no nê xong thì thả bộ để xem các quầy hàng lưu niệm bán đủ loại tartan (vải len kẻ ô truyền thống của người Scotland) và tính đặt may một chiếc kilt (váy dân tộc của đàn ông Scotland), mà theo lời chào hàng, “bền và đẹp, có thể làm của cha truyền con nối!”.

Xe chạy qua thị trấn Glen Innes vào quãng xế trưa, nắng cao nguyên rải đều trên những con phố nhỏ có những tòa nhà theo kiến trúc Victorian và Edwardian xinh xắn, qua tòa thị chính được xây từ năm 1888, khách sạn Mac’s Mall từ 1906, tòa án từ năm 1874 và bưu điện từ năm 1896 (đều có bảng hiệu  rõ ràng). Chị hướng dẫn du lịch đứng sau quầy lễ tân trong Trung tâm Bảo tồn di sản Úc rất ngạc nhiên khi chúng tôi đã kịp tìm đường chạy qua Bãi đá đứng, và bảo là những di sản văn hóa Celtic không chỉ nằm ở đó. Hàng năm vào tháng Năm, thị trấn còn tổ chức những lễ hội Celtic, du khách từ khắp nơi trong và ngoài Úc tới đây xem các ban nhạc thổi sáo và các nghệ sĩ trình diễn các điệu nhảy dân gian. Lễ hội thường được bắt đầu từ một nghi lễ khá kỳ bí ở Bãi đá đứng với màn độc tấu sáo lúc hoàng hôn, kéo theo một đám rước với những nghệ sĩ thổi sáo và nhảy múa trong trang phục dân tộc (váy len kẻ ô). Đám rước mang tên “Kirking of the Tartan” để nhắc lại thời kỳ loại váy truyền thống của cao nguyên Scotland bị cấm vào khoảng giữa thế kỷ 18 và đàn ông Scotland phải mặc giấu bên trong. Khi chúng tôi tới thì những lễ hội mùa xuân của người Celtic cũng vừa kết thúc – Lễ đá quý và nước khoáng, Lễ của những người để ria mép, Lễ âm nhạc của vùng “bụi rậm” Úc, nên cả thị trấn lại im ắng như cũ.

Nhà sinh hoạt cộng đồng Celtic

Không chỉ là tình cảm suông

Xe chúng tôi vòng lại Bãi đá đứng lần nữa. Khác hẳn không khí trầm trầm của thị trấn Glen Innes, bãi đá có vẻ nhộn nhịp hơn. Muốn xuống xe thì gặp ngay một chú chó đen to lớn không có ai trông giữ hớn hở chạy tới đập đập chân trước vào cửa kính xe như chào mời. Chờ mãi mới thấy anh chị chủ đang mải đi dạo giữa các cột đá gọi chú đi theo. Đá ở đây có vẻ không cô đơn vì lúc nào cũng được người và cả thú vật viếng thăm như thế. Biết đâu vài chục, vài trăm, vài ngàn năm nữa, những mảnh văn hóa rơi từ Cựu lục địa này lại trở thành một di sản tầm cỡ, dù ban đầu chỉ là một dự án rất nhỏ nhưng do tâm huyết của một số người dân địa phương muốn Glen Innes trở thành trung tâm di sản văn hóa Celtic ở Úc. Vào dịp lễ kỷ niệm hai trăm năm lập nước Úc, Hội đồng Văn hóa Celtic đã đệ trình một dự án xây dựng khu kỷ niệm văn hóa Celtic để vinh danh những người dân nhập cư tiên phong từ châu Âu, chủ yếu là tù nhân và dân đào vàng, bằng một công trình mô phỏng vòng tròn đá Brodgar ở Orkneys, Scotland.

Hàng rào biên giới giữa hai bang Queensland và New South Wales 

 Sau nhiều nỗ lực vận động về hành chính và pháp lý, Glen Innes đã được chọn làm nơi xây Bãi đá đứng, song chính quyền không hề trợ cấp một nguồn tài chính nào. Rất nhiều người đã tham gia vào công cuộc khảo sát, tìm kiếm, khoan khai thác và vận chuyển đá bằng các xe cẩu và thiết bị hạng nặng. Các tảng đá được tách ra không phải bằng thuốc nổ mà bằng hợp chất đặc biệt được đổ vào các lỗ khoan. Công việc này đương nhiên vô cùng tốn kém, nhưng chỉ trong vòng hai tuần lễ, người gốc Celtic ở Australia và khắp nơi trên thế giới đã đóng góp, mỗi suất 1000 đô la Úc, đủ ngân sách xây dựng. Từ khi được khánh thành vào năm 1992 bởi thống đốc bang New South Wales, Bãi đá đứng dần trở nên nổi tiếng nhờ lễ hội và những tài liệu du lịch hấp dẫn.

Xe xuống dốc khỏi vùng cao nguyên xinh đẹp có những cột đá đứng như người thật đang lưu luyến vẫy chào, đường trường phía trước không còn vẻ hoang vắng nữa. Không còn ngại khi nhìn xác kangaroo nằm hai bên đường, và thấy những cánh tay vẫy chào từ các xe đi ngược lại thật thân thiết. Hôm trước khi chúng tôi dừng chân ở thị trấn Longreach xa xôi giữa trung tâm miền Outback, một thị trấn đìu hiu nhưng vẫn đầy vẻ kiêu kỳ như Drogheda hư cấu trong tiểu thuyết “The Thorn Birds”, tôi có hỏi anh nhân viên trạm tiếp đón khách du lịch là tại sao anh lại chọn sinh sống ở một nơi hoang vu đến thế, tới nỗi bưu phẩm phát chuyển nhanh nhiều khi cả tuần mới tới nơi. Anh bảo rằng đừng có hiểu thành ngữ “đất lành chim đậu” đơn giản quá, “con người có nhiều lí do để di cư rồi định cư ở một nơi chốn khác; và điều này không khó khăn nhiều, vì khi đi họ còn mang theo tập tục và truyền thống của những miền quê cũ”. Có lẽ giống như con người, văn hóa cũng di cư, để một ngày trở thành di sản.

Đàn bò trên đồng cỏ gần bãi đá 

Kỳ sau: Mưa biển trên English Harbour, Antigua

Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh

Thực hiện: depweb

08/07/2013, 17:06