Trẻ em có những nỗi sợ hãi không xuất phát cuộc sống thật. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ có những nỗi sợ hãi khác nhau. Là một phụ huynh, bạn cần phải quan tâm đến bất cứ điều gì con nói.
Một đứa trẻ luôn luôn sợ hãi một việc gì đó, một thứ gì đó không hẳn là không có cơ sở. Bởi, ẩn chứa đằng sau nỗi sợ hãi có một vấn đề gì đó. Đôi khi các bậc phụ huynh mắc sai lầm nghiêm trọng là bỏ qua nỗi sợ hãi của trẻ, bởi họ cảm thấy nó vô hại để rồi phải hối hận sau đó.
Hiểu về nỗi sợ hãi của trẻ
Theo nghiên cứu, phần lớn nỗi sợ hãi của trẻ có nguyên nhân từ bố mẹ. Sự sợ hãi của trẻ bị ảnh hưởng hay mô phỏng lại hành động nào đó của bố mẹ. Ví dụ, mẹ sợ chuột và mẹ hét lên mỗi khi nhìn thấy chuột, bé cũng có xu hướng sợ chuột; bố mẹ thường xuyên hù dọa bé bằng những nhân vật đáng sợ, bé sẽ có xu hướng dần trở nên sợ nhân vật này…
Đôi khi nỗi sợ hãi của trẻ xuất từ việc bố mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật. Bé sợ bị mắng, sợ bị trừng phạt, sợ đòn roi… điều đó có thể dẫn đến bé tự tách ra khỏi bố mẹ và một mình chịu đựng nỗi sợ hãi. Chính vì vậy mà các chuyên gia cảnh báo các bậc phụ huynh về việc áp dụng các hình thực kỷ luật phù hợp để tránh việc bé có những nỗi sợ hãi không “chính đáng”.
Những đứa trẻ lớn lên với nỗi sợ hãi sẽ ảnh hưởng đến học tập, tính cách và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Vì vậy mà việc giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi là điều rất quan trọng với mỗi bậc phụ huynh.
Cách giúp con vượt qua sợ hãi
Cha mẹ có thể giúp con vượt qua nỗi sợ hãi bằng sự thông cảm và hiểu được nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ hãi đó. Hãy nói chuyện với con bé và hỏi lý do tại sao bé lại sợ. Không dễ để trẻ làm được điều này, vì vậy, bạn hãy bắt đầu câu chuyện bằng việc nói về nỗi sợ hãi của chính mình để tạo sự thoải mái cho bé.
Hãy lắng nghe thật chú tâm để biết chính xác cảm xúc của bé và cùng bé khám phá tại sao lại có nỗi sợ hãi đó. Nếu bé sợ bóng tối, hãy đưa bé đến một góc tối và chỉ cho bé thấy không có gì đáng sợ ở đó cả. Giải thích một cách hợp lý những hình ảnh tưởng tượng của bé. Nếu bé sợ cái bóng di chuyển, hãy giải thích cho bé tại sao lại có cái bóng và cùng bé chơi trò chơi tạo hình các con vật từ bàn tay lên tường. Với trẻ em, việc giải thích thuần túy có thể sẽ không hữu hiệu. Vì vậy, hãy nói về sự sợ hãi của trẻ bằng cách đơn giản nhất, vui vẻ nhất và nếu có thể, hãy lồng ghép nó vào một trò chơi nào đó.
Tạo sự tự tin cho trẻ bằng cách nói với trẻ rằng, bé là một em bé dũng cảm và bé cần kiểm soát nỗi sợ hãi của mình. Hãy thêm tinh thần cho bé bằng những câu chuyện về các cậu bé dũng cảm và các anh hùng trong câu chuyện trước giờ đi ngủ.
Phụ huynh cần thể hiện để trẻ hiểu, bố mẹ không bao giờ bỏ rơi bé và luôn ở đó để bảo vệ bé. Hãy đảm bảo là trẻ không xem những bộ phim kinh dị hay bạo lực khi còn quá nhỏ, bởi những bộ phim này có tác động tiêu cực đến con trẻ.
Cho trẻ sống trong một gia đình hạnh phúc, thân thiện và tràn ngập tiếng cưới là môi trường sống hoàn hảo để bé dần vượt qua nỗi sợ hãi. Bố mẹ thường xuyên căng thẳng với nhau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trí của con trẻ. Phụ huynh cũng không nên trang trí trong nhà những bức tranh, tượng hay những đồ vật có thể gây ra sự sợ hãi ở trẻ.