Giúp con tự học hiệu quả

Trước hết để tìm hiểu về phương pháp tự học cho trẻ, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là tự học? Tự học liệu có phải là học sinh tự mình làm hết những bài tập được ra? Tự học chính là quá trình học sinh tự sắp xếp và lên kế hoạch thực hiện việc lĩnh hội kiến thức theo các cách riêng của bản thân. Học sinh có thể tự mình hoặc nhờ sự hỗ trợ của người khác để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Yếu tố quan trọng nhất của việc tự học là phẩm chất tò mò, ham học hỏi, ham tìm hiểu kiến thức ở học sinh.

Làm thế nào để hình thành tính ham học hỏi, tìm hiểu của học sinh?

Hầu hết các em nhỏ đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người trực tiếp hướng dẫn khi muốn tìm hiểu bất kỳ một thông tin nào. Khi trẻ đứng trước một sự vật, sự việc kỳ lạ sẽ có bản năng hiếu kỳ, tò mò. Trẻ sẽ bắt đầu bằng việc nhìn, cầm, nắm, cắn, đập… hay hỏi vặn người lớn cho tới khi thỏa mãn với câu trả lời mới thôi. Nếu như được khuyến khích, trẻ sẽ hứng thú với việc tìm hiểu các sự vật. Đặc biệt, nếu các em được hướng dẫn đúng cách bằng một hệ thống các câu hỏi như: tại sao, bằng cách nào, như thế nào, cái gì, ai thế… sẽ giúp các em hình thành một phương pháp tự học khoa học và hiệu quả. Ngược lại, khi gặp phải sự phản đối hoặc thờ ơ của người lớn, rất có thể trẻ sẽ dần mất đi hứng thú tìm hiểu mà thụ động với những sự vật, những bài học sau này.

 

Với các em lớn hơn như từ lớp 3 tới cấp học THCS, THPT, việc tự học của học sinh vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cách hướng dẫn, giảng dạy của giáo viên trên lớp. Không phải cứ giao nhiều bài tập là học sinh có thể tự học tốt, đôi khi điều này dẫn tới việc học đối phó hoặc sợ, ngại học. Thực chất, mong muốn được học hỏi, khám phá luôn là một nhu cầu thiết yếu với bất kỳ lứa tuổi nào và có thể nói là bản năng của mỗi người. Chỉ có điều bản năng ấy được sử dụng và phát triển như thế nào để ứng dụng vào việc học trên lớp, học ngoài cuộc sống dành cho các em học sinh mà thôi.

Tìm thấy một hình mẫu cụ thể

Phương pháp phổ biến nhất để các em học sinh có thể rèn luyện cách tự học đó là được nhìn thấy một hình mẫu tự học trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, thầy môn Toán tự mình tìm ra nhiều cách giải cho một bài toán, cô giáo môn Lịch sử tự đặt các câu hỏi để tìm ra những điều thú vị của lịch sử, hay người mẹ tự mình tìm ra công thức nấu ăn cho một món ăn… Khi được chứng kiến ít nhất một hình mẫu, học sinh sẽ có khả năng ghi nhớ và tự động làm theo một cách vô thức. Sau đó sẽ hình thành thói quen và một lúc nào đó, học sinh sẽ nhận ra được bản chất của việc làm đó và có thể ứng dụng việc tự học đó cho một lĩnh vực khác. Cũng có những bạn học sinh cần nhiều thời gian hơn và cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ, gợi ý của người khác, khi đó các em có thể chọn người làm gia sư để gợi ý và dẫn dắt.

 

Cũng cần lưu ý một hành động thường thấy mà các thầy cô, các bậc phụ huynh có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tự học của các em học sinh, đó là đưa ra sẵn đáp án hoặc đưa ra lời giải đáp mà không có quá trình dẫn dắt gợi mở. Nên nhớ, quá trình dẫn dắt, gợi mở chính là quá trình đang xây nên con đường tự học trong ý thức của mỗi người học sinh.

Tự học – là điều mà bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình có, tuy nhiên để hình thành được ý thức và kỹ năng tự học thì không phải dễ và đòi hỏi công sức của người thầy, người cô, người cha, người mẹ phải là người gương mẫu và hướng dẫn giúp các con làm quen, hình thành dần từng bước khả năng tự học.

Theo CNMS

From the same category