Giữa mùa dịch bệnh, tình yêu và cuộc sống vẫn tiếp diễn ngọt ngào ở Milan - Tạp chí Đẹp

Giữa mùa dịch bệnh, tình yêu và cuộc sống vẫn tiếp diễn ngọt ngào ở Milan

Sống
Nổi tiếng với sự nồng nhiệt cùng lối sống sôi động, người Ý, hay cụ thể hơn là người Milan vẫn nuôi dưỡng cuộc sống xã hội thật ngọt ngào trong bối cảnh cách ly.
Giulio và Lorenzo

Tiếng điện thoại rung phá vỡ sự im lặng của màn đêm Milan. Bên bàn ăn cho một người, Giulio hắng giọng trước khi trả lời. Lorenzo, chàng trai anh quen trên Tinder xuất hiện trên màn hình chiếc iPhone nứt vỡ, anh chàng mặc chiếc áo hoodie màu đen, đeo một chiếc khuyên tai cùng màu. Có lẽ anh đang mỉm cười sau lớp râu dày cộm. Có lẽ anh chàng thấy ngượng, Giulio nghĩ, hoặc tín hiệu internet quá tệ. Một khoảnh khắc trôi qua, Lorenzo lại là người đầu tiên phá vỡ sự tĩnh lặng. “Hey ciao,” anh nói, “Xin lỗi vì tôi trễ giờ”, “Không sao đâu”, Giulio nói, “Tôi cũng chẳng phải đi đâu cả mà.”

Giulio coi bản thân là người có nhiều trải nghiệm trong chuyện hẹn hò, nhưng giờ anh buộc phải chấp nhận hẹn hò qua màn hình điện thoại. Anh lắng nghe Lorenzo miêu tả những ngày bị cách ly: thức dậy vào 8h sáng, chống đẩy trong phòng khách vào lúc 9h sáng, làm việc từ xa cho đến 6h chiều, trò chuyện buổi tối với bố mẹ, xem một tập phim hình sự “Ozark” trên Netflix trước khi đi ngủ. Lorenzo đang kể về ngày thứ ba ở nhà của mình thì Giulio ngắt lời: tất cả bắt đầu nghe na ná nhau.

Xét về mặt tích cực, việc thành phố bị phong tỏa đã buộc tất cả mọi người đều mắc kẹt trong cùng một tình huống, sống cùng những cảm xúc tương tự, có chung những suy nghĩ, hỏi cùng những câu hỏi. Anh muốn gặp Lorenzo lần nữa, nhưng quyết định sẽ không nói khi nào. Sau một tiếng đồng hồ trò chuyện, họ ngắt máy. Trên con phố vắng vẻ, đồng hồ trên một hiệu thuốc điểm 10h52 tối. Anh còn đủ thời gian để hút một điếu thuốc trước cuộc hẹn hò thứ hai trong ngày.

 Tụ tập bằng Skype

Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm chống lại đại dịch Corona: cấm tụ tập nơi đông người, đóng cửa trường học nhằm ngăn chặn sức lây lan của vi rút. Lombardy, vốn bị phong tỏa từ 8/3, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ý. Vùng này hiện có 14.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.000 người thiệt mạng. Milan, thành phố với 1,3 triệu dân (và 1.700 ca nhiễm), là thủ phủ của vùng Lombardy. Vào ngày 11/3, khi số người tử vong tăng đột biến khắp nước Ý, chính phủ nước này tuyên bố đóng cửa các doanh nghiệp, nhà hàng và quán bar cũng như hạn chế người dân ra khỏi nhà, họ chỉ được di chuyển khi có lý do bắt buộc. Như Giulio nói về những cuộc hẹn hò trên mạng của anh, “Che sbatti!”, nghĩa là: “Chuyện này thật tệ!”. Nhưng cuộc sống – và tình yêu – vẫn tiếp tục.

Tôi chưa hề gặp bạn bè mình kể từ ngày đầu tiên phong tỏa, vì vậy tôi quyết định tổ chức buổi “aperichat”. Aperitivo qua Skype trở thành nguồn an ủi số một của người Milan thay thế cho sự thiếu vắng cuộc sống xã hội: một nhóm bạn sẽ gọi điện cho nhau bằng video để cùng uống và trò chuyện như thể họ thực sự đang ngồi xung quanh một chiếc bàn ở quán bar. Đoạn hội thoại luôn bắt đầu bằng: “Chuyện cách ly thế nào rồi?”

Federico, một nhà tâm lý học đồng thời là người có niềm đam mê đặc biệt với đàn guitar, kể cho nhóm bạn: “Hôm qua tôi ra ban công và chơi nhạc của Guccini,” anh kể với nhóm bạn của mình (Francesco Guccini là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất nước Ý), “nhưng phản ứng duy nhất tôi nhận được đến từ một vị hàng xóm già cả khi người này đóng cửa sập lại. Tôi đoán hẳn họ đang nghĩ: ‘Dịch Corona còn chưa đủ hay sao? Mình đã làm gì để phải hứng chịu sự trừng phạt này?’”. Mirko, một thành viên trong nhóm đang cố gắng thuyết phục người bạn Edoardo và bạn gái nhanh chóng kết duyên: “Giờ cậu đang ở nhà, cậu cuối cùng cũng có thể cầu hôn rồi,” anh nói qua màn hình. Edoardo đỏ mặt và nghiêng mái đầu xoăn tít cho đến khi anh gần như biến mất khỏi màn hình Skype. Federico nhanh chóng giải cứu: “Cậu thật may mắn vì không thể ra ngoài mà mua nhẫn cầu hôn”. Lệnh giới nghiêm đang khiến nhiều mối quan hệ trở nên căng thẳng (các luật sư dự đoán sau khi khủng hoảng kết thúc, tỉ lệ ly hôn sẽ tăng vọt) nhưng dù lần đầu tiên bị mắc kẹt 24/7 cùng vợ/chồng mình, những người bạn của tôi cho đến thời điểm này chỉ đang chứng tỏ sự gắn kết bền chặt của mình với người họ yêu thương.

 

Lãng mạn thời đại dịch

Sự cô lập đã khiến rất nhiều người Milan khuấy động tình trạng lãng mạn bị động của mình. Vốn luôn được biết đến với bản tính nồng nhiệt, người Milan nổi tiếng bởi điều ngược lại. Nhịp sống bận rộn điên cuồng khiến người dân ở đây hiếm có thời gian gặp gỡ nhau. Sự cách ly buộc họ phải sống chậm lại – điều này vô hình chung thúc đẩy những cử chỉ ấm áp tình cảm. “Thành phố không chỉ hoang vắng, mà cuộc sống hàng ngày của mọi người cũng vậy,” Giulio nói. “Mọi người thường không quen với việc ở một mình, nhất là ở thành phố như Milan, và hẹn hò là cách dễ dàng nhất để lấp đầy sự trống trải đó”. Giulio nói với tôi rằng anh nhận được hàng chục lời đề nghị chat sex hay “ôm nhau” qua webcam, dù anh thú nhận đây không phải kiểu hẹn hò của mình. Những người khác vẫn sẽ hẹn gặp để có tình một đêm bất chấp lệnh giới nghiêm. “Tôi chưa hề rời khỏi nhà trong hai tuần,” anh nói, “nhưng nếu tôi có làm vậy, tôi thà gặp gỡ gia đình và bạn bè của mình còn hơn là gặp người không quen biết.”

Khu phố nơi Giulio sinh sống ở phía bắc Loreto, còn được gọi là NoLo và thường luôn rất náo nhiệt bởi người trẻ Milan hay tụ hội bên ngoài những quán bar đến tận khuya. Đây là địa điểm tuyệt vời cho những buổi hẹn đầu tiên. Giờ đây các buổi tiệc tùng buộc phải tạm thời giải tán, những người không thích hẹn hò trên mạng cũng phải tìm đến nó để tìm kiếm cảm giác ấm áp và kết nối giữa thời điểm mông lung này. Các ứng dụng hẹn hò như Once (ứng dụng của Pháp rất nổi tiếng ở Ý), báo cáo số người dùng tăng 30% trong tuần đầu tiên có lệnh phong tỏa.

Chiara, một sinh viên kiến trúc ở Politecnico chưa hề dùng ứng dụng hẹn hò trong hai tháng qua. Nhưng vào ngày cách ly thứ 5, cô nghĩ: “Tại sao không chứ?”. Việc xem TV hay đọc báo chỉ toàn thấy tin xấu không giúp ích cho tình hình hiện tại. “Thậm chí nếu bạn ngồi trên ghế bành và cách ly khỏi thế giới bên ngoài, những gì xảy ra ngoài kia vẫn sẽ tác động đến bạn. Nếu bạn có thể chia sẻ những gánh nặng này với ai đó, điều này có lẽ sẽ khiến bạn thấy dễ chịu hơn một chút.” Suy nghĩ này lý giải lựa chọn đối tượng hẹn hò tiềm năng của cô. “Tôi không chọn người đẹp trai nhất, nhưng anh chàng có thể trấn an tôi,” cô nói. “Đó là tiêu chí tôi cần nhất vào lúc này.”

Chiara chọn Marco. Với áo len xanh lá bên ngoài chiếc polo màu xanh lục và kiểu tóc thể thao kiểu “trai ngoan”, anh gặp cô vào một chiều thứ Năm nắng ấm ở lối vào Vườn Indro Montanelli. Chiara nhận ra anh ngay lập tức bởi chẳng có ai khác ở quanh cô. Cả hai đi bộ qua công viên, giữ khoảng cách 1m – khoảng cách được chính quyền khuyến cáo đủ an toàn để vi rút không thể lây lan. Họ ngồi ở hai đầu băng ghế và lén nhìn nhau. Marco cuối cùng cũng mở lời: “Chà, cuộc sống cách ly thế nào rồi?”. Cô miêu tả những ngày ngồi hàng giờ trò chuyện qua điện thoại với gia đình, bạn bè lâu năm, bạn học đại học.

Các cặp đôi Milan trẻ tuổi vẫn sống cùng bố mẹ mình cũng gặp nhiều vấn đề trong việc giữ liên lạc. Andrea và Lucia đều 22 tuổi và đã hẹn hò từ hồi cấp ba. Andrea không thích ra ngoài, thậm chí với chiếc khẩu trang. Anh chàng tin vào lệnh giới nghiêm và sẽ không đời nào ra khỏi cửa một khi vi rút vẫn ở ngoài kia. Mỗi tối Lucia sẽ bấm chuông nhà, Andrea nhoài người ra ban công, họ trò chuyện dưới ánh đèn đường loang loáng, như câu chuyện Romeo và Juliet ở thế kỉ 21.

Hẹn hò ở siêu thị

Sau khi nói chuyện qua mạng, tôi ra ngoài đi dạo đêm quanh khu phố nhà mình. Chúng tôi được cho phép ra khỏi nhà nếu phải đi làm hoặc vì lý do sức khỏe, hay đi siêu thị hoặc đến nhà thuốc. Chị gái tôi và anh bạn trai giờ có lớp học võ capoeira từ xa, cùng với 13 học viên khác, tất cả đều tập cho đến khi chảy mồ hôi trước màn hình máy tính và cố gắng bắt chước chuyển động của giáo viên trong căn phòng khách bé tí, hi vọng không làm vỡ bất cứ thứ gì. Rất may là chúng tôi vẫn có thể đi dạo xung quanh khu phố nhà mình. Và dù vậy, chúng tôi vẫn phải mang bên mình mẫu chứng nhận tự động để kiểm tra ở các thùng “lý do cần thiết”. Gần đây, cảnh sát còn lập các chốt trên phố để đảm bảo lệnh giới nghiêm được chấp hành. Bất chấp sự nặng nề đó, bầu không khí vẫn tràn ngập hương thơm mùa xuân và cây cối bắt đầu nở hoa.

Những bước chân của tôi vang vọng giữa sự tĩnh lặng của khu phố, bầu bạn với những âm thanh duy nhất từ còi xe cấp cứu từ phía xa. Tôi luồn lách qua hàng xe đậu dài bên đường. Một người chạy bộ với dáng vẻ lượt thượt và mặc bộ đồ thể thao huỳnh quang chạy qua tôi, trong khi trò chuyện với mẹ anh ta qua FaceTime. “Vâng mẹ,” anh ta nói, hít thở vội khi giơ điện thoại lên trước mặt: “Con ăn rồi. Vâng, tủ lạnh còn nhiều đồ ăn mà.” Ở thời điểm này, lấp đầy tủ lạnh là ưu tiên hàng đầu của nhiều người, trước nỗi sợ viễn cảnh hết sạch đồ ăn như thể tận thế đến nơi. Siêu thị chỉ cho từng nhóm nhỏ khác hàng bước vào cùng lúc, mỗi gia đình một người, để tránh tụ tập đám đông. Khoảng vài chục người đeo găng tay và khẩu trang xếp hàng ở khoảng cách an toàn trên vỉa hè chờ đợi đến lượt mình trong khoảng 1 giờ đồng hồ.

Siêu thị đã trở thành địa điểm hoàn hảo để những người Milan trẻ tuổi duy trì nhịp sống xã hội. Chiara và Marco bàn bạc về cuộc hẹn thứ hai: “Hãy gặp nhau vào lúc 4h chiều trước siêu thị Esselunga.” Khi Chiara đến nơi, đây là lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy hạnh phúc đến vậy khi thấy hàng dài người trước mặt mình.

Ở một vài dãy nhà khác, tôi cũng đang xếp hàng. Tôi cần mua một chai bia cho buổi chè chén trên mạng tiếp theo. Môt nhóm 3-4 người bước vào siêu thị mỗi lần. Những người bước ra có biểu cảm như thể họ là người sống sót. Trước mặt tôi có hai thanh niên ở độ tuổi 20, hai anh chàng này đang selfie với khuôn mặt đeo khẩu trang. Một trong hai đăng ảnh lên Instagram với lời đề: “Gặp nhau khi xếp hàng trước siêu thị” là kiểu “hẹn hò mới”. Khi người đầu tiên thích tấm ảnh, anh ta đút điện thoại vào túi, tháo khẩu trang và châm lửa một điếu thuốc: “Vậy,” anh ta nói với bạn mình, “Cuộc sống cách ly của cậu thế nào rồi?”.

Tác giả: SERGIO COLOMBO (1843 Magazine) – Vân Anh chuyển ngữ, Hình Ảnh: CHIARA GOIA

26/03/2020, 23:58