“Giữ lửa” cho Tết cổ truyền

Từ lúc Sơn – cậu con trai duy nhất của bà Thoa gọi điện thông báo Tết này vợ chồng nó đi du lịch nước ngoài, lòng dạ bà Thoa rối bời như lửa đốt. Theo lệ ở miền quê bà tại Kim Bảng, Hà Nam, nhà nào có con dâu mới thì Tết đầu tiên phải làm lễ ra mắt tại từ đường, phải đến chào hỏi, nhận anh em, họ hàng. Bà đã sắm sửa, chuẩn bị chu đáo mọi thứ rồi mà vợ chồng Sơn không về thì biết ăn nói sao với trưởng họ, với hàng xóm, láng giềng. Còn cả dự định buổi chiều ngày tất niên bà định dẫn nàng dâu ra viếng phần mộ ông bà, tổ tiên và người cha sinh thành ra Sơn cho phải đạo… cũng đành gác lại.

Hầu hết các gia đình ở quê bà, con cháu dù bận rộn, đi làm ăn xa ở đâu, Tết cũng cố gắng thu xếp về quây quần, đoàn tụ bên bố mẹ. Bà sinh hạ được 3 người con nhưng chỉ có mình Sơn là con trai nên dù Sơn lập nghiệp ở thành phố, bà vẫn thường xuyên nhắc nhở con phải hướng về nguồn cội. Thấy vợ Sơn trẻ người non dạ, tính cách lại thiếu cởi mở, mặn mà trong việc tiếp xúc với mọi người xung quanh, bà đã băn khoăn, lo lắng…

Mặc mẹ thuyết phục thế nào vợ chồng Sơn cũng gạt đi với lí do “Chúng con đã bỏ mấy chục triệu ra mua vé rồi, không trả lại được”, bà Thoa đành khăn gói lên Hà Nội cầu cạnh ông bà thông gia khuyên nhủ giúp. Vậy nhưng, họ chẳng những không dạy con gái lối ứng xử “nhập gia tùy tục”, lấy chồng phải theo nề nếp, gia phong nhà chồng, thông gia nhà bà lại thản nhiên chép miệng thốt lên: “Nhiều vùng quê cứ quan trọng hóa các nghi thức lễ Tết đã cổ hủ, lạc hậu. Bọn trẻ làm việc bận rộn, áp lực cả năm rồi, Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi cho thoải mái. Làm cha, làm mẹ cũng nên tôn trọng, ủng hộ sự lựa chọn của các con bà ạ”.

Được mẹ đẻ che chắn, vợ Sơn được thể lấn tới: “Tết này được nghỉ 9 ngày, chúng con chỉ đi chơi một tuần thôi mẹ ạ, còn 2 ngày về quê tha hồ mà trình diện họ hàng, làng nước. Nói thật với mẹ, con nghe mấy chị ở cơ quan kể chuyện Tết về quê chồng mệt bơ phờ, tay chân nẻ toác ra vì lúc nào cũng cặm cụi nấu ăn, rửa bát rồi đi mỏi nhừ cả chân từ đầu làng tới cuối làng vẫn chưa chúc Tết xong nhà cô, dì, chú, bác… con đã sợ rồi. Mẹ cứ phiên phiến thôi, đừng câu nệ lễ Tết cho phiền phức”. Chưa hết bàng hoàng về sự ngược đời “con dâu dạy mẹ chồng”, bà Thoa tột cùng thất vọng khi vợ Sơn bỗ bã hỏi bà cần bao nhiêu tiền để chi trang cho lễ ra mắt họ hàng, sắm sửa Tết trong nhà thì cô sẽ đưa cho chứ cô không có thời gian để sắm sanh, và cũng chẳng biết mua thứ gì.

Cố giấu những giọt lệ chực trào ra nơi khóe mắt, bà thở dài ghim vào đáy lòng nỗi xót xa, tê tái chẳng biết chia sẻ cùng ai. Suy nghĩ quá nông nổi và có phần bị chi phối bởi sự thực dụng thái quá của nàng dâu mới khiến bà tổn thương. Thời bà, cái Tết đầu tiên ở nhà chồng đối với nàng dâu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là một bước ngoặt ảnh hưởng tới cả cuộc đời sau này nên nàng dâu nào cũng nỗ lực tiếp thu, học hỏi mẹ chồng từ khâu dọn dẹp, trang trí nhà cửa đến việc bày biện ban thờ, làm lễ cúng tất niên, cúng giao thừa, rồi thăm viếng, chúc Tết họ hàng, làng xóm… Niềm mong mỏi lớn lao nhất của bà là các con mình sẽ giữ được nếp gia phong ấy nhưng xem ra chẳng đơn giản chút nào…

Tết cổ truyền sum họp bên người thân (Ảnh minh họa)

Trái ngược với vẻ bề ngoài sành điệu, thì trong việc tề gia nội trợ, đối nhân xử thế, Hải Yến ở Thanh Xuân, Hà Nội lại là người phụ nữ vụng về, đoảng vị. Gần 30 tuổi mới yên bề gia thất nhưng cái Tết đầu tiên trong căn hộ chung cư đứng tên hai vợ chồng, Yến lóng ngóng chẳng biết sắm sửa gì. Xuất thân trong gia đình giàu có, lại hiếm muộn mới có mỗi mụn con, từ nhỏ Yến được bao bọc, chiều chuộng thái quá, đến bộ quần áo cũng chưa một lần tự giặt mà phó thác hoàn toàn cho mẹ và người giúp việc. Đã vậy, Yến lại vô tâm, coi nhẹ lễ nghi, phong tục cổ truyền. Tết đến, ban thờ nhà Yến trơ trọi mỗi hộp bánh cô mua vội ở đại lý gần đó. Ngay cả tấm bánh chưng, đĩa xôi gấc vốn được coi là đặc trưng ngày Tết, Yến cũng không mua bởi suy nghĩ hai vợ chồng đều không thích đồ nếp, mua về rồi ai ăn cho mà vứt đi thì lãng phí. Chẳng biết nghe ai tư vấn Yến sắm lọ hoa, mâm ngũ quả bằng nhựa và hương điện để ngày Rằm, mồng Một âm lịch hàng tháng, lễ Tết chỉ cần bật công tắc điện là ban thờ sáng trưng “vừa tiện, vừa sạch sẽ”. Những nghi lễ vốn được coi trọng như: cúng ông Công, ông Táo, cúng giao thừa trong nhà, ngoài trời, xông đất… Yến chẳng bận tâm.

Sáng mồng Một đầu năm, Yến làm cả gia đình chồng một phen tá hỏa khi hồn nhiên diện bộ váy đen tuyền từ đầu đến chân về quê chúc Tết. Mẹ chồng Yến vội vàng kéo con dâu vào buồng bảo thay bộ đồ khác bởi theo quan niệm của người xưa, màu đen là màu của tang lễ, chết chóc nên kiêng mặc ngày Tết. Miễn cưỡng làm theo nhưng Yến không khỏi ấm ức. Cô cho đó là những kiêng kị vô lý… Thấy mẹ chồng bày trên ban thờ nào bánh chưng, bánh dày, nào xôi, gà, nải chuối, bưởi, cam, quýt, lọ hoa, rồi hai cây mía đặt hai bên ban thờ và tất cả các bữa sáng, trưa, chiều trong 3 ngày Tết đều sắp mâm cơm với đầy đủ món xào, món canh, thức ăn mặn để cúng gia tiên… Yến cho là bày đặt, vẽ vời. Ngay cả chuyện mọi người đến nhà nhau tay bắt mặt mừng chúc tụng “sang năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái, cầu gì được nấy” Yến cũng cười khẩy họ viển vông, sáo rỗng…

Việc vợ Sơn coi nhẹ nghi lễ Tết cổ truyền chính là nguyên nhân khiến những tình cảm dành cho nàng dâu mới vừa trỗi dậy trong lòng bà Thoa bỗng vỡ òa như bong bóng xà phòng. Bà thấy lo lắng thay cho tương lai của con trai và không khỏi ám ảnh dự cảm buồn về truyền thống, mối thâm tình ruột thịt bị coi nhẹ khi Sơn gắn bó với người phụ nữ không biết cách hòa hợp với người thân của chồng. Còn Yến, vẫn sẽ dửng dưng, vô tâm nếu không có một ngày chồng cô thở dài chua chát thốt lên: “Anh có cảm giác chúng mình chỉ là những kẻ góp gạo thổi cơm chung chứ không phải một gia đình đúng nghĩa. Khi yêu, người đàn ông có thể bị lóa mắt bởi nhan sắc bề ngoài nhưng khi đã chung sống dưới một mái nhà, điều họ mong đợi nhất ở vợ mình là cách đối nhân xử thế, sự chỉn chu, biết vun vén cho gia đình từ những điều nhỏ nhất để họ cảm nhận được không gian sống ấm cúng, khác biệt hoàn toàn so với thời độc thân”… Yến nhủ lòng phải thay đổi trước khi quá muộn. Cô mua sách hướng dẫn những phong tục, tập quán, những nghi lễ Tết cổ truyền để tham khảo, về quê nhờ mẹ chồng chỉ dạy rồi âm thầm tích lũy kiến thức cho mình. Mọi việc diễn ra không hề nặng nề như Yến nghĩ trước đây mà rất suôn sẻ, nhẹ nhàng, thậm chí càng tìm hiểu cô càng say mê, càng thấy tâm hồn thanh thản hơn…

Những món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán

Phụ nữ vốn được coi là người “giữ lửa trong nhà”, đặc biệt khi khởi đầu cuộc sống đôi lứa, khi họ chính thức là những chủ nhân trong ngôi nhà của riêng mình thì càng cần phải phát huy vai trò cao quý ấy để những nghi lễ cổ truyền, những tín ngưỡng tâm linh được tiếp nối từ đời này sang đời khác…

Hà Linh (theo Gia đình Việt Nam)


From the same category