Xem cây cối như thần
Cô chủ tóc ngắn cắt cao, đeo kính cận màu hồng ngồi bên hiên nhà nói đủ thứ chuyện về những món đồ cổ và mấy gốc cây mít, cây trang còn nhiều tuổi hơn chị, cành lá chen chúc tỏa bóng trước sân nhà. Chị đang tìm những người có chuyên môn về cây cối có thể giúp di dời cây trang năm sáu chục tuổi vào một góc khác trong sân để không còn bị những tán cây mít cũng đã rất nhiều tuổi chắn lối, buộc phải nghiêng ngả cành “thấy thương quá”. Ở chị có tinh thần của người Nhật: xem cây cối như thần và yêu thương chúng một cách đặc biệt.
Đồ cổ để dùng chứ không chỉ để ngắm
Khí chất phóng khoáng và hào sảng của người miền Nam thể hiện rất rõ ở chị, và cả ngôi nhà này. Ở đâu cũng thấy những món đồ xưa quý giá, tưởng chừng như đây là một kho đồ cổ, vậy mà chẳng ai có cảm giác phải giữ kẽ hay rón rén sợ đổ cái này, vỡ cái kia. Với chị, mua đồ cổ về là để dùng chứ không chỉ để ngắm và phải nhọc công canh giữ như báu vật. Bởi vậy mà tất cả các loại chén đĩa của mấy trăm năm trước, xếp đầy trong tủ bếp, vẫn được dùng hàng ngày. Những chiếc tủ gỗ kiểu art decor hay trường kỷ đặc trưng của Nam bộ xưa – các món đồ bây giờ không dễ tìm – vẫn được dùng đúng công năng trong ngôi nhà này.
Và phải vui
Nhà ít người và cô chủ vẫn thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Mỹ nhưng gian bếp lúc nào cũng sống động, nếu có chị thì ngày nào cũng rộn ràng với đủ các nguyên liệu để nấu nướng. Không chỉ sưu tập những món đồ xưa cũ mà chị còn sẵn sàng lặn lội đi tầm sư học làm một món nào đó đặc trưng của Nam bộ mà có thể sẽ bị thất truyền. Chỉ để về nấu nướng cho tụi nhỏ và rủ bạn bè tới nhà cùng ăn cho vui thôi, giữa một không gian toàn những món đồ còn sót lại của hàng trăm năm trước.