“Girls Deserve to Shine” - Đừng để định kiến giới ngăn bạn tỏa sáng - Tạp chí Đẹp

“Girls Deserve to Shine” – Đừng để định kiến giới ngăn bạn tỏa sáng

Sống

rằng, nếu bạn sở hữu khuôn miệng rộng với nụ cười quyến rũ nhất thế giới như “Người đàn bà đẹp” Julia Roberts, thêm điểm cộng vừa kiếm tiền giỏi, vừa biết vun vén gia đình, thì bạn vẫn sẽ thường xuyên được “tặng” những lời nhận xét kiểu: “Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ về những định kiến giới còn tồn tại trong xã hội Việt Nam, khiến người phụ nữ phải chịu bao thiệt thòi.

Là con gái – là sai lầm?

Cách đây tròn 3 năm, bộ phim Việt mang tên “Bắc Kim Thang” từng gây sốc khi lấy chất liệu từ quan điểm “trọng nam khinh nữ” cố hữu của người Việt để đưa khán giả ngược dòng về những năm 90 còn đầy rẫy hủ tục. Bối cảnh phim tuy cách xa ngày nay, nhưng câu chuyện trong phim không hề cũ, những vấn đề định kiến giới vẫn hiện hữu như chưa có sự thay đổi đáng kể qua ba thập kỷ. Trong phim, người xem xót xa cho nhân vật Hai Lầm – cô bé sinh ra với cái tên mang ý nghĩa như một sai lầm chỉ vì là con gái – đáng tiếc lại là một trong vô vàn câu chuyện có thật đang tồn tại trong xã hội Việt Nam.

Hai Lầm – cô bé sinh ra bị coi như một sai lầm chỉ vì là con gái, trong phim “Bắc Kim Thang”, lại là một trong vô vàn câu chuyện có thật đang tồn tại trong xã hội Việt Nam.

Việc phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, để được “ngồi chiếu trên” đã ăn sâu bám rễ vào tư tưởng của nhiều thế hệ người Việt. Còn phụ nữ thì “xuất giá tòng phu”, không hề có tiếng nói, không được thờ cúng cha mẹ, nên sinh con gái thì cũng thành “con nhà người ta”, không hề có giá trị. Đây là quan niệm cổ hủ làm gia tăng tỉ lệ lựa chọn giới tính thai nhi, gây hậu quả không nhỏ cho sự phát triển của xã hội. Đồng thời, áp lực về việc sinh con trai sẽ biến người phụ nữ trở thành “công cụ” sinh đẻ, phải sinh cho đến khi có con trai mới thôi. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người phụ nữ – đặc biệt là những người không có cơ hội lên tiếng, thậm chí là không có cả cơ hội để hiểu về quyền lợi của chính mình.

Là con gái – để toả sáng!

Trước thực trạng đó, với mục tiêu góp phần xoá bỏ định kiến giới, giúp phụ nữ giảm thiểu áp lực về việc sinh con trai, từng bước khẳng định vị thế của bản thân và tôn vinh giá trị riêng của mỗi phụ nữ Việt Nam, CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên) cùng Tạp chí Đẹp phối hợp tổ chức sự kiện “Là con gái để tỏa sáng – Girls deserve to shine” vào đầu tháng 10/2022, tại tỉnh Bắc Giang, với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) và Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA.

Không mang tính giáo điều nặng nề, chương trình “Là con gái để tỏa sáng” được xây dựng như một hành trình truyền cảm hứng với sự dẫn dắt, trò chuyện bởi chuyên gia CSAGA và khách mời đặc biệt là những bóng hồng đã tự hào ghi danh phụ nữ Việt lên bản đồ thế giới bằng tài năng, trí tuệ và bản lĩnh phi thường của mình.

Đó là Thượng tá, Tiến sĩ Phan Thị Mỹ Hạnh – Phó Trưởng phòng, Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an, đồng thời là giảng viên tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học quốc gia Hà Nội và giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh cho lực lượng hành pháp của các nước ở nhiều khóa đào tạo do Bộ Công an tổ chức.

Đó là Nhà bảo tồn Trang Nguyễn – tác giả sách tranh “Chang Hoang dã – Gấu” nổi tiếng trong và ngoài nước. Cô gái nhỏ nhắn mà bản lĩnh phi thường này đã vinh dự được nhận Giải thưởng quốc tế danh giá Princess of Girona Foundation (FPdGi) nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo tồn động vật hoang dã, bao gồm cả việc tham gia vào hoạt động điều tra chống tội phạm ngăn chặn các đường dây buôn bán trái phép. Trang Nguyễn hiện là nhà sáng lập và giám đốc Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã – WildAct. Đặt chân đến nhiều quốc gia và đưa ra những sáng kiến hữu ích về việc bảo tồn thiên nhiên, cô gái nhỏ ấy đã thể hiện sự can đảm và ý chí mạnh mẽ, chinh phục những ước mơ lớn lao không thua kém bất kỳ người đàn ông sức dài vai rộng nào.

Mạnh mẽ, bản lĩnh không kém Trang Nguyễn là nữ cán bộ truyền thông bảo tồn động vật hoang dã Trần Minh Phúc. Giữa vô vàn sự lựa chọn dễ dàng, Minh Phúc vẫn rực cháy ngọn lửa đam mê theo đuổi con đường làm truyền thông bảo tồn động vật hoang dã. Hơn ai hết, cô hiểu vai trò đặc biệt của truyền thông là sợi dây kết nối và truyền bá kiến thức quan trọng để mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên. Từ đó, cô học cách bước qua mọi rào cản, mọi định kiến giới để luôn thấy tự hào với công việc mình đã chọn.

Nhắc đến những nữ anh hùng áo trắng trong lĩnh vực Y tế, nhiều đồng nghiệp trân trọng gọi tên Tiến sỹ Y khoa, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Vân Anh – người được mệnh danh là “bàn tay vàng” mang lại hạnh phúc cho biết bao bệnh nhân và gia đình của họ. Đặc biệt trong hơn 30 năm tận tụy với ngành y, bác sĩ Vân Anh được nhớ đến là người luôn miệt mài với công tác phòng chống bạo lực phụ nữ cũng như bạo lực gia đình trong lẫn ngoài nước. Chị đã từng tham gia vào các hội thảo quốc tế về phòng chống bạo lực tại Philippines, Thái Lan,… cũng như tham dự các khoá đào tạo y tế cấp thế giới tại Lào, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Ý,…

Tại địa hạt thể thao – vốn được mặc định là sân chơi của phái mạnh – luôn có những “bông hồng thép” miệt mài luyện tập bất kể ngày đêm vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc như Đỗ Thị Ánh Nguyệt – vận động viên bắn cung 19 tuổi giành huy chương vàng ngay lần đầu tham gia SEA Games. Ít người biết, đằng sau tấm huy chương vàng lấp lánh ấy là biết bao giọt mồ hôi không màu, bao nhiêu giờ khổ luyện đến mức ngón tay co rút, vai và bắp tay tê cứng khiến Ánh Nguyệt từng muốn bỏ cuộc. Nhưng sau cùng, niềm đam mê vẫn giữ cô lại với bộ môn thể thao đầy khắc nghiệt, để tiếp tục “chinh chiến” ở vô số sàn đấu trong nước lẫn quốc tế, mang về cho nước nhà những thành tích nổi bật.

Mạo hiểm hơn cả cánh cung của Ánh Nguyệt, là cây kiếm trong tay cô gái mảnh mai Lê Minh Hằng. Sự bản lĩnh, gai góc của vận động viên kiếm chém Minh Hằng như một minh chứng, rằng không có giới hạn nào cho phái nữ khi thử sức với những môn thể thao mạo hiểm. Suốt 700 ngày ròng rã, ngày nối ngày, lặp đi lặp lại một số động tác quen thuộc, tập thế đứng, tập cách di chuyển với chân, tập tay không… có lúc Hằng tập luyện quá sức đến mức bị chấn thương trong một thời gian dài. Sau bao khổ luyện, vận động viên kiếm chém Minh Hằng đã có hành trang đủ đầy để chinh chiến các cuộc thi thế giới và giành được Huy chương Bạc Sea Games 30, huy chương Vàng Trẻ Đông Nam Á 2017, huy chương Đồng U23 Châu Á, làm rạng rỡ hai chữ Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Được xem là “người đàn bà thép” trong việc đấu tranh về bình đẳng giới và nhân quyền của con người, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA Nguyễn Vân Anh đã có nhiều cuộc cách mạng thành công, xóa bỏ những định kiến xã hội dành cho phụ nữ. Chị cũng có gần 20 năm kinh nghiệm vận động cho quyền của các nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán và quyền của nhóm LGBT. Với chị, việc nỗ lực vì một xã hội bình đẳng, không bạo lực chính là hạnh phúc lớn lao trong suốt những năm làm công tác vì cộng đồng.

Thông qua những câu chuyện đầy tự hào cùng chia sẻ tâm huyết của những “nữ tướng” là chuyên gia và khách mời đặc biệt, Ban tổ chức sự kiện “Là con gái để tỏa sáng” mong muốn người dân – đặc biệt là các em học sinh nữ và cha mẹ của họ – hiểu rõ hơn về vấn đề bình đẳng giới, cũng như bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, từ đó nâng cao nhận thức về giá trị riêng của bản thân người phụ nữ, đồng thời khuyến khích họ bước qua mọi rào cản về giới, sống theo cách mình muốn và làm những điều mình thích để toả sáng bằng chính sự tự tin của mình.

Tác giả: Đẹp Online

24/09/2022, 19:00