“Girls Deserve to Shine”: Câu chuyện về những người phụ nữ đi tới tận cùng ước mơ - Tạp chí Đẹp

“Girls Deserve to Shine”: Câu chuyện về những người phụ nữ đi tới tận cùng ước mơ

Sống

Góp mặt trong chương trình “Girls Deserve to Shine – Là con gái để tỏa sáng”, được thực hiện bởi CSAGA và Tạp chí Đẹp, là những “bông hồng thép” toả sáng trong nhiều lĩnh vực. Họ không chỉ là người gieo những hạt giống kiến thức, đem đến những góc nhìn rộng mở cho các em học sinh tỉnh Bắc Giang, mà còn là những người tiếp sức, truyền lửa, giúp các em có đủ mạnh mẽ, tự tin dám mơ và theo đuổi đến cùng những mơ ước đó. Hãy ngồi lại cùng Đẹp và lắng nghe những câu chuyện đầy cảm hứng về con đường vươn tới thành công của những khách mời đặc biệt này…

Thượng tá, Tiến sĩ Phan Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng phòng, Văn phòng cơ quan cảnh sát Điều tra, Bộ công an
“Không có công việc nào dễ dàng và chỉ đam mê thôi thì chưa đủ…” 

Hơn 26 năm công tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, ma túy, đồng thời là giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh cho lực lượng hành pháp ở các nước – tưởng như những công việc chẳng hề giản đơn ấy chỉ dành cho nam giới, nhưng bằng bản lĩnh, ý chí mạnh mẽ và cả sự mềm mại khéo léo đã giúp Thượng tá, Tiến sĩ Phan Thị Mỹ Hạnh có được vị trí và thành tựu như ngày hôm nay. 

Với chị, giới tính không phải là vấn đề quyết định công việc. Đến với nghề như một cái duyên, chị chia sẻ: “Động lực ban đầu là học ngành công an vì bố tôi mất sớm, tôi không muốn mẹ tốn nhiều tiền, bởi vì ngành này được tài trợ tất cả chi phí. Cho đến khoảng thời gian được học sâu, hiểu rõ, tôi mới thấy đam mê của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 20 năm làm việc ở văn phòng thường trực phòng chống ma túy cũng như phòng chống tội phạm, tội phạm buôn bán người, tôi là người tham mưu xây dựng Luật phòng chống ma túy, xây dựng 8 hiệp định phòng chống tội phạm giữa Việt Nam và các nước, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế… Ngoài ra, tôi còn tham gia đào tạo, tập huấn về phòng chống tội phạm ở 26 quốc gia trên thế giới và ở các châu lục”. 

Nhưng nếu chỉ đam mê thôi thì chưa đủ, bản thân người chiến sĩ phải đặt trách nhiệm với công việc, với người dân, với Tổ quốc lên trên hết. Không có con đường nào trải toàn hoa hồng, cũng như không có công việc nào là dễ dàng, đặc biệt là một ngành đặc thù như ngành cảnh sát, với đàn ông khó một thì với phụ nữ phụ nữ chông gai gấp ngàn lần.


Áp lực đối với công việc là vô bờ bến, nhưng “người đàn bà thép” Phan Thị Mỹ Hạnh đã khéo léo học cách chuyển hóa những nhọc nhằn thành niềm yêu thích. Góp mặt trong hành trình “Girls Deserve to Shine – Là con gái để tỏa sáng”
, Thượng tá, Tiến sĩ Phan Thị Mỹ Hạnh nhắn nhủ: “Phụ nữ cần có tiếng nói, bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin, thì mới có đủ bản lĩnh, dám nói, dám làm, dám suy nghĩ, dám quyết định những điều mình mong muốn”. 

 Tiến sỹ Y khoa Nguyễn Thị Vân Anh
“Nữ giới làm ngành Y không có gì khó so với nam giới”

 Tiến sỹ Y Khoa, Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh là một người thầy y đức với hơn 30 năm tận tụy với nghề. Vốn dĩ là một người cầu toàn, chị chia sẻ, để có được thành công như ngày hôm nay, chị đã tự khắt khe với chính bản thân, học cách quan sát, làm việc có trách nhiệm dù là việc lớn hay nhỏ. Là phụ nữ, đôi khi chính chị cũng không tránh khỏi những so sánh về khả năng chịu áp lực trong công việc giữa nam và nữ. Nhưng chị quan niệm, một khi đã bước chân vào ngành Y thì cần phải hiểu rõ những đặc thù, tính chất công việc. Áp lực và khó khăn luôn là vấn đề chung không kể nam hay nữ, rèn luyện qua năm tháng sẽ vượt qua nỗi sợ hãi đó. Vì thế, nữ giới làm ngành Y không có vấn đề gì khó khăn so với nam giới.

Chị bày tỏ: “Tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’ là quan niệm phong kiến đã có từ lâu ở Việt Nam, không chỉ ở nông thôn mà ngay cả thành phố cũng vậy, và chúng ta sẽ là những người có trách nhiệm làm thay đổi tư tưởng này”. Đó cũng chính là lý do mà bác sĩ Vân Anh quyết định trở thành một phần của chiến dịch truyền thông “Girls Deserve to Shine – Là con gái để tỏa sáng” bằng cách trao gửi kiến thức tới cộng đồng, từ đó tác động đến nhận thức của mỗi người. Bởi hơn ai hết, chị là người đã từng có bề dày kinh nghiệm trong việc giảng dạy, cung cấp thông tin, đào tạo kiến thức về các vấn đề bạo lực, bình đẳng giới không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. 

Đánh giá chương trình “là sáng kiến rất hay để viết nên niềm tự hào dành cho phái đẹp tự tin thể hiện bản thân mình”, “nữ anh hùng áo trắng” hy vọng sẽ truyền đi ngọn lửa mạnh mẽ để các bạn nữ có thể hiểu được những đặc quyền cũng như vai trò của bản thân trong cuộc sống và sự nghiệp, từ đó có thể học được cách tự tin tỏa sáng như một ngôi sao.

Nhà bảo tồn Trang Nguyễn
“Sự thành công nào cũng bắt đầu bằng khó khăn, riêng người phụ nữ làm bảo tồn, khó khăn còn đến từ những định kiến giới”

Nhà bảo tồn Trang Nguyễn còn được biết đến là Giám đốc Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã (Wildact) tại Việt Nam. Chị được mệnh danh là “công chúa thép” trong ngành bảo tồn thiên nhiên không chỉ ở Việt Nam, mà còn là người truyền cảm hứng xuyên biên giới với nhiều thành tích ấn tượng. “Không có sự thành công nào mà không có khó khăn” luôn là câu nói đầu tiên khi ai đó hỏi về hành trình vươn đến thành công của cô gái đã dành cả thanh xuân cho công tác bảo tồn. 

Năm học lớp 4, khi chứng kiến những vụ mua bán khỉ, mật gấu, cao hổ… cô bé Trang Nguyễn đã nung nấu quyết tâm phải làm được điều gì đó để bảo vệ những loài động vật hoang dã. Năm 15 tuổi, Trang đã can đảm gửi email cho các tổ chức bảo tồn động vật và được nhận vào làm tình nguyện viên tại tổ chức Traffic – mạng lưới kiểm soát buôn bán động – thực vật hoang dã. Phụ nữ làm công việc bảo tồn gặp trăm ngàn gian khó, trong đó, có cả những chông gai đến từ những định kiến giới trong gia đình, xã hội và thậm chí cả những đồng nghiệp. Nhưng chính sự kiên định và nỗ lực tới cùng cho ước mơ của mình đã giúp Trang Nguyễn có cơ hội thử sức với đam mê cũng như thành công, tỏa sáng và trở thành giám đốc Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã cho đến thời điểm hiện tại.

Thấu hiểu được sự thiệt thòi của những người phụ nữ đang phải đối mặt những quan niệm cổ hủ “trọng nam khinh nữ”, nhà bảo tồn Trang Nguyễn mong muốn được tham gia chiến dịch “Là con gái để tỏa sáng” nhằm truyền cảm hứng đam mê cho các bạn nữ, giúp các em vượt qua rào cản của định kiến giới, sẵn sàng thực hiện tới cùng ước mơ của mình. “Tôi muốn nhân cơ hội này để nói với các bạn gái, rằng các em có cả một bầu trời cơ hội phía trước, hãy mạnh mẽ mơ ước, dũng cảm làm điều mình muốn để biến ước mơ của các em thành hiện thực”, đó chính là thông điệp mà nhà bảo tồn Trang Nguyễn muốn gửi gắm trong hành trình “Girls Deserve to Shine – Là con gái để tỏa sáng”.

Vận động viên bắn cung đội tuyển quốc gia Việt Nam Đỗ Thị Ánh Nguyệt
“Với con gái – không gì là không thể, chỉ cần bạn muốn mà thôi!”

Xuất phát điểm ban đầu của Ánh Nguyệt là vận động viên bóng rổ, nhưng sau đó cô được chính người thày là huấn luyện viên bóng rổ thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội truyền động lực, giúp cô thử sức với môn bắn cung. Cộng thêm sức bền và sự dẻo dai trời phú, Ánh Nguyệt đã tìm được đam mê mãnh liệt với bộ môn này, và cô gái trẻ quyết tâm tập luyện ngày đêm để tham gia chinh chiến trên đấu trường quốc tế. Đáp đền cho những  nỗ lực phi thường của Ánh Nguyệt là những thành tích đáng nể như huy chương Vàng SEA Games 30 tại Philippines, huy chương Đồng giải vô địch Châu Á, được tham dự Olympic Tokyo 2020…

Thành tựu vẻ vang là thế, nhưng cũng không ít lần Ánh Nguyệt nhận được những câu hỏi khó như: “Là con gái sao không lựa chọn môn thể thao nhẹ nhàng, nữ tính hơn?”, đáp lại cô gái trẻ luôn khẳng khái: “thể thao là dành cho mọi giới tính, hãy cứ sống và làm những điều mình thích, đừng bao giờ bị ảnh hưởng bởi bản thân là con gái”. Và vận động viên Ánh Nguyệt đã mang những năng lượng tích cực ấy đến với chương trình “Là con gái để tỏa sáng”, nhằm giúp các em học sinh, cũng như các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức, xoá bỏ định kiến giới và tôn vinh giá trị của người phụ nữ.

Vận động viên kiếm chém Lê Minh Hằng
“Đừng bao giờ bỏ cuộc, cho dù huy chương có màu nhưng mồ hôi… thì không”

Giống như vận động viên bắn cung Ánh Nguyệt, nghề nghiệp đến với Minh Hằng như một cái duyên khi các thầy cô nhận ra năng khiếu cũng như khả năng phản xạ nhanh nhẹn của cô gái trẻ này. “Hot girl kiếm chém” từng cảm thấy rất áp lực với bộ môn “chỉ riêng mình chọn” và cường độ tập luyện cũng rất khắc nghiệt. Nhưng sau một thời gian tập luyện, theo đuổi đam mê, cô nhận thấy đây là bộ môn đối kháng giúp tăng cường hoạt động về thể chất, sự khéo léo cũng như tư duy chiến thuật, rất phù hợp với tính cách năng động, mạnh mẽ của mình, để rồi sau đó cô đã gặt hái vinh quang về cho đất nước như giành Huy chương Bạc SEA Games 30 tại Philippines và trở thành trọng tài đầy kinh nghiệm cho các giải đấu U17, U20, U23…

Huy chương có màu, nhưng mồ hôi thì không, chiến thắng đôi khi cũng đánh đổi bằng sự đau đớn khi có khoảng thời gian Minh Hằng gặp tai nạn đứt dây chằng chéo ở gối trái khiến cơn đau kéo đến mỗi khi hoạt động quá sức, nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Và đó chính là bản lĩnh, là đam mê tận hiến mà vận động viên Minh Hằng muốn tiếp lửa cho các bạn học sinh trong chương trình “Girls Deserve to Shine – Là con gái để tỏa sáng”. 

Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương
“Chỉ cần có niềm tin và sự kiên trì, thành công sẽ tìm tới bạn”

Thành viên nhỏ tuổi nhất góp mặt trong chương trình “Là con gái để tỏa sáng” phải kể đến VĐV thể dục dụng cụ Phạm Như Phương. Với tinh thần đam mê thể thao được bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ, cô gái sinh năm 2003 sớm được định hướng và rèn luyện thể chất qua các bộ môn dụng cụ.

Không ít lần Như Phương bị nhụt ý chí trước những khó khăn, khắc nghiệt trong quá trình tập luyện, cô chia sẻ: “Để có được màn trình diễn xuất sắc, em đã phải tập không ngừng nghỉ trong hàng giờ đồng hồ, lặp lại động tác có thể lên đến 100 lần với sự tập trung tuyệt đối vì môn của chúng em rất dễ bị chấn thương”. 

Vượt qua những rào cản thể chất và tâm lý, “hot girl thể thao toàn năng” đã giành được 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng tại Sea Games 31. Hành trình 11 năm tập luyện gian khổ đã gặt hái được trái ngọt chiến thắng. Sự nỗ lực của cô là minh chứng rõ nhất, rằng không có gì bạn không thể thực hiện khi bạn là con gái. Chỉ cần có niềm tin và sự kiên trì, thành công sẽ tìm đến bạn. 

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh
“Thành tích đạt được sau nhiều nỗ lực của tôi có lẽ là sự bình yên, hạnh phúc của nhiều người” 

Được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong số 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh là tấm gương tiêu biểu cho bản lĩnh phi thường của phụ nữ Việt. Từ một phóng viên Diễn đàn các vấn đề xã hội của Đài tiếng nói Việt Nam, chị đã chuyển sang tham gia các hoạt động xã hội để vận động phụ nữ và trẻ em chống lại bạo lực gia đình, với mong muốn mang lại một cuộc sống bình đẳng, văn minh cho tất cả mọi người. Không chỉ vậy, chị còn tiên phong khởi xướng đường dây nóng (hotline) về bạo lực gia đình đầu tiên ở Việt Nam. Với nguyện vọng được giúp đỡ thêm thật nhiều phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội. Năm 2001, chị đã phát triển hotline này thành Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên.

Hơn 20 năm cống hiến cho các công tác xã hội, đến nay chị Vân Anh vẫn không ngừng vận động cộng đồng bảo vệ quyền lợi không chỉ cho phụ nữ mà còn là trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình và người chuyển giới. Trong hành trình thực hiện chiến dịch “Là con gái để tỏa sáng”, chị mong mỏi được cùng tất cả mọi người tháo gỡ nút thắt cho những hủ tục còn tồn tại và cung cấp kiến thức cũng như truyền cảm hứng cho những thế hệ phụ nữ tại Bắc Giang, từ đó giúp họ có một tầm nhìn rộng mở để cuộc sống của chính họ trở nên tốt đẹp hơn. 

Vận động viên võ thuật Nguyễn Minh Phương
“Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và có ý định dừng lại, bạn hãy nghĩ đến lý do mà mình bắt đầu”

Đó là câu nói truyền động lực cho bản thân mỗi khi vận động viên Nguyễn Minh Phương gặp phải những khó khăn, thử thách trong hành trình theo đuổi ước mơ trở thành vận động viên Jujitsu. Trước khi biết đến bộ môn này, Minh Phương đã có 12 năm tập luyện và thi đấu môn Karatedo thành tích cao. Như một cơ duyên khi Jujitsu là bộ môn rất gần với Karatedo, vì thế Minh Phương đã quyết định chinh phục môn võ thuật mới mẻ này. 

Mặc dù là bộ môn không phổ biến tại các lớp võ Việt Nam, nhưng với đam mê được khám phá, phát triển bản thân ở nhiều thể loại, Minh Phương đã cố gắng tìm tòi tư liệu, học hỏi các động tác từ trên mạng cũng như chuyên tâm tập luyện cùng đồng đội để trở thành vận động viên Jujitsu chuyên nghiệp. Sau vô số những buổi luyện tập “trầy da tróc vẩy”, năm 2016, Minh Phương đã xuất sắc giành Huy chương Vàng Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á. 

Cô chia sẻ: “Có những lúc kiệt sức, có những lúc nản lòng muốn bỏ cuộc, nhưng tôi luôn nghĩ tới lý do mình bắt đầu khi mơ ước và lựa chọn Jujitsu. Thêm nữa, tôi may mắn được bố mẹ ủng hộ. Bố mẹ thường nói: con hãy làm gì con mơ ước nhưng không được đánh mất chính mình”. Và thông điệp theo đuổi đến tận cùng ước mơ, khẳng định khả năng và giá trị của người phụ nữ chính là điều mà Minh Phương muốn gửi tới các bạn nữ sinh tại vùng quê tỉnh Bắc Giang qua chương trình “Là con gái để toả sáng”.

🛎🛎🛎 THÔNG TIN SỰ KIỆN “LÀ CON GÁI ĐỂ TỎA SÁNG – GIRLS DESERVE TO SHINE”

📬 Đơn vị tổ chức: Tạp chí Đẹp và CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên)

📬 Nhà tài trợ: Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy ( NORAD) và Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA.

📌 Thời gian:

+ Đợt 1: ngày 01/10 đến ngày 02/10/2022 tại Trường THPT Tân Yên 1, Bắc Giang.

+ Đợt 2: ngày 08/10 đến ngày 09/10/2022 tại Trường THPT Lục Ngạn 1, Bắc Giang.

📌 Để cập nhật thông tin về sự kiện, vui lòng truy cập: https://dep.com.vn hoặc https://csaga.org.vn/

Tác giả: Bảo Trân

06/10/2022, 14:00