Đàn ông viết nhạc ít người mạnh mẽ gân guốc – nếu thế khó mà viết cho hay, nhưng chưa chắc họ yếu đuối. Còn đàn bà sáng tác bài hát thì sao? Có yếu đuối một cách mặc định như cách xã hội nhìn họ không? Thử cùng, nhân ngày 8-3, lắng nghe lại giọng nhạc đàn bà xem từ đó ta đo đếm được bao nhiêu sức mạnh, ít nhất trong sự dấn thân đầy tính nữ của họ vào âm nhạc…
Nhạc của Phương Uyên, đúng hơn là những bài hát của Phương Uyên, rất đáng được nhắc đến như một trường hợp khá đặc biệt của một người đàn bà viết nhạc. Có lẽ các nam ca sĩ hát nhạc của Phương Uyên thành công hơn nữ, như Đan Trường chẳng hạn, dù Thanh Thảo, Phương Thanh và Khánh Du cũng tỏ ra khá hợp với những bài hát Phương Uyên viết, nhưng dường như tâm sự trong những bài hát ấy, dù đôi khi khá bi lụy và ướt át vẫn không phải tâm trạng thường thấy của một người đàn bà. Nghe Búp bê đẹp xinh, Búp bê biết yêu không thấy trong đó tự sự nhí nhảnh của búp bê, mà giống một lời khen tặng của một người đàn ông dành cho búp bê xinh đẹp nhiều hơn. Hay bài Ghen, dù rõ ra là tâm trạng thổn thức của một cô gái, nhưng trong âm nhạc vẫn thấy đầy sự bất ổn và trúc trắc của một cái ghen gượng ép, không giống lắm một cái ghen đàn bà. Riêng Khánh Du và album hát toàn nhạc Phương Uyên Dẫu tình đơn côi hơi đặc biệt một chút vì mềm quá, mềm một cách bất thường. Ngờ rằng tính nữ và sự yếu đuối tràn ngập đĩa nhạc này là do được Khánh Du khuếch đại lên bằng cách hát nức nở của mình. Phương Uyên là một cô gái khá mạnh mẽ nhưng nhạc của cô không phải lúc nào cũng thể hiện cái sự “mạnh” ấy. Có lẽ cái “tính nam” của cô được cô gìn giữ để làm năng lượng nuôi sức làm việc đáng nể của mình. Cô sáng tác một cách khá “công nghiệp” bởi vậy việc hóa thân vào nhiều vai khác nhau, người đàn ông si tình hay người đàn bà yếu đuối chẳng phải việc khó với cô.
Ngọc Anh là một “ca” khác hẳn. Vốn là ca sĩ và là một con người có bản năng tính nữ tràn trề, đầy đến độ những bài hát người khác viết không đủ cho cô bộc lộ hết những khao khát của mình, vì thế mà viết nhạc, viết rất nhiều nhưng hát chưa nhiều.
Những bài hát của Ngọc Anh được cộng hưởng bởi cách hát của cô, một lối hát đậm đặc chất đàn bà, đủ làm nhiều người đàn ông gai gai người khi nghe cô hát. Một giọng nhạc đàn bà điển hình lồ lộ trong những bài hát của Ngọc Anh, hơi Tây, vì thế mà viết lời Anh vào hát rất hợp, lại hao hao Phú Quang, chắc ảnh hưởng tự nhiên, mà Hãy yêu khi ta còn bên nhau là điển hình cho giọng nhạc ấy.
Nghe Ngọc Anh và Mỹ Linh – cũng là một giọng hát đặc sánh chất đàn bà – song ca bài này mới “thẩm” được những tâm sự mà một (hoặc hơn một) người phụ nữ muốn thổ lộ, không phải theo cách bình thường là ghi vào nhật ký mà phải hát lên, kéo theo vào đó mọi day dứt tính nữ của mình. Nhưng Ngọc Anh còn những bài hát mà nghe qua thấy ngay một người đàn bà, một cô gái thì đúng hơn, yêu một cách hồn nhiên, chẳng dằn vặt đàn bà, chẳng băn khoăn tính nữ: Mỗi phút bên anh em thấy lòng mình rạng ngời/Rạng ngời em muốn nói/Nói yêu anh suốt đời – (Câu chuyện tình yêu).
Còn sau đây là cuộc phỏng vấn nhanh nữ nhạc sĩ Giáng Son:
Theo bạn, những có những đặc điểm nào trong âm nhạc của các nữ nhạc sĩ làm nổi bật lên rõ nhất “tính nữ” của họ?
Đó là sự dịu dàng, nồng nàn, e ấp, lãng mạn và mơ mộng, như bản chất vốn có của người phụ nữ. Trong ca từ thường hướng tới một tình yêu trong sáng và hoàn thiện. Có lẽ do phụ nữ thích sự dịu dàng nên âm nhạc thường thiên về giai điệu đẹp mà ít đột phá, gai góc, ít thôi chứ vẫn có những người phụ nữ viết nhạc táo bạo và gai góc hơn đàn ông nhiều. Thực ra âm nhạc phụ thuộc nhiều vào cá tính sáng tạo của nhạc sĩ, bất kể nam hay nữ. Riêng tôi thì thấy mình là nữ nên thể hiện đúng những thế mạnh của phái mình là dịu dàng, nồng nàn mà vẫn mạnh mẽ, ca từ phải theo logic suy nghĩ của phụ nữ.
Những bài hát của bạn có thể để cho các nam ca sĩ hát được không?
Hiếm, gần như không. Đa số bài hát của tôi có những suy nghĩ rất con gái, lại là kiểu con gái yểu điệu nên chắc các chàng không thể nhập vai được đâu.
Một nữ nhạc sĩ nên làm gì để có thể trở nên bình đẳng hơn với các nam nhạc sĩ?
Tôi thì chẳng thấy bất bình đẳng chút nào cả mà hình như vì ít nên được các đàn anh quan tâm hơn thì phải. Nếu nói bình đẳng thì có lẽ chỉ cần nhiều nữ nhạc sĩ hơn lên và ai cũng biết giữ tính nữ như một lợi thế sáng tác của mình.
Người nghe nhạc có thể kiểm chứng những điều Giáng Son nói qua những bài hát được các cô gái nhóm Năm Dòng Kẻ hát. Quả thật khó mà tưởng tượng một chàng trai lại hát Chiều rơi lá vì ai? Giọt nước mắt ướt đẫm trái tim vì tình yêu không sao xóa nhòa muôn đời mãi yêu anh! (Anh) hay Em không còn sức mạnh để yêu anh (Em). Tuy nhiên, khó chứ chẳng phải không thể có, như trường hợp Tùng Dương với những hóa thân tính nữ hát các bài hát của Ngọc Đại kiểu Anh ơi nhớ mong từng đêm, hôn anh môi em ủ lửa…
Cá tính và hiểu về cá tính để rồi suy ra những hệ quả vận vào sáng tác của các cây viết nhạc nữ chẳng phải lãnh địa dễ “xâm nhập”. Bởi vậy nếu chỉ tin vào những gì Giáng Son vừa nói thì có thể sẽ bị lạc ngay khi tìm cách đi vào thế giới âm nhạc của Kim Ngọc, một cô gái khá bí ẩn từ tính cách đến cả âm nhạc của mình. Trong trường hợp này, tin lời Ngọc Lễ có lẽ sẽ khiến chúng ta tỉnh táo hơn để hiểu về giọng nhạc đàn bà, đó là con gái nói một là hai, nói hai là một hay đại loại thế. Nhìn bề ngoài, Kim Ngọc giống… con trai nhiều hơn, cá tính bề ngoài mạnh mẽ, tính tự lập rất cao, lại là người nhạy bén với những trào lưu âm nhạc mới và dưới mắt nhiều người thì dường như Ngọc rất lập dị với những buổi performance kì dị. Nhưng thử nghe những lời hát này của Ngọc: Hè sang thu tới/Và anh chưa đến
Khung trời trong đầy một nỗi nhớ/Vòng tay ấm áp/Nụ hôn thật sâu/
Mắt cười sao sáng/Lọn tóc xõa – (Chỉ là giấc mơ). Đầy tính nữ, đầy một tình yêu nữ tính trong ngần tinh khôi. Nhưng vẫn trong bài hát này, có một câu hát đầy ám ảnh: Anh gần mơ hồ/Như khói thuốc.
Khói thuốc của ai? Của chàng trai đọng lại trong ký ức cô gái hay của cô gái. Nếu cô gái ấy hút thuốc thì quả là một sự mâu thuẫn lớn với tính nữ của chính bản thân cô ấy. Nhưng cũng chẳng sao. Thử nghe một bài khác, bài này có những câu nhạc rất hiền, nghe biết ngay một người phụ nữ viết nhạc: Anh có nhớ bài ca ngày ấy/Em vẫn hát, mình em còn hát dưới sao trời/Và em nói sẽ quên nhưng đâu phải thế/Tình yêu như khúc ca đam mê mà ta đã hát…
Nhưng cả Kim Ngọc và Giáng Son đều đã từng sáng tác những bản giao hưởng không hiền một tí nào, có lẽ ca khúc là nơi để họ bảo lưu, gìn giữ tính nữ quý giá của mình chăng?
Giọng nhạc đàn bà – bây giờ mới xin nói thêm là tựa bài này được “mượn” từ tiêu đề bài hát Giọng mưa đàn bà do Ngọc Đại phổ thơ G.Appolinaire theo bản dịch của Hoàng Hưng, nhưng giọng mưa và giọng nhạc, trong phạm vi bài biết này, không liên quan tới nhau – là như thế và có thể là còn hơn thế. Tính nữ, nữ tính là một thế giới mênh mông và đầy lắt léo. Ngay trong mỗi người ông dù mạnh mẽ đến đâu cũng có một phần – không thể chối cãi – tính nữ, vậy có lẽ dịp khác chúng ta thử cùng tìm và nghe giọng nhạc đàn bà trong người đàn ông xem, có lẽ sẽ thú vị đấy nhỉ?
(Nguyễn Minh)