“Giờ tôi… cãi được rồi!”

Cái tự tin của người vừa đi học “ở bển” về – tuy chưa thật dài ngày, nhưng cũng là quyết liệt hơn ở người “cưới nhau xong là đi”…

Không lo chuyện “múa rìu qua mắt thợ”

Và vừa “tan học” là cắm cổ thực hành ngay: ra phim trường để… cãi?

Không định nghỉ ngơi, nhưng thực ra, tôi cũng không tính nhận vai này (“Tâm hồn mẹ”, đạo diễn: Nhuệ Giang), để nhường mình cho vai kịch trong “Nửa đời ngơ ngác” của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Đóng đinh vào một dạng vai là điều không ai muốn, khi làm nghề chuyên nghiệp. Nhưng quả thực, mỗi vai diễn cũng là một duyên số. Tôi đã từ chối, đạo diễn cũng đã có những phương án khác, nhưng cuối cùng lại vẫn “phải duyên”. Và đúng là để sự trở lại không là lặp lại, tôi lại buộc phải… cãi. Gặp phải đạo diễn cũng rắn, lúc đầu quyết không nghe, nhưng sau rồi cũng xuôi một phần. Tới lúc đó, tôi mới quyết định nhận vai diễn.

Trước nay chị vẫn quen “cãi ngược” thế, hay là đi học về thì… “tinh tướng” hơn, đủ để dám “múa rìu qua mắt thợ”?

Vì mình đã từng cãi, nên việc mình cãi tiếp cũng chẳng có gì lạ. Nhất là khi sự trở lại có nguy cơ bị lặp lại.

Nên sự thỏa hiệp, nếu không là nhất thiết, thì đừng! Có điều, trước, sự cãi của mình thường dè dặt bắt đầu bằng: “Em cảm giác…” thì giờ có thể là: “Em thấy…”. Trước, mình không có nhiều lý lẽ để giải thích cho cảm giác (dù thường là đúng) của mình, nhưng giờ, mình đã có thêm những lý lẽ hơn để thuyết phục cộng sự. Nói sao nhỉ, giờ giống như góc nhìn của mình rộng hơn, nó không dừng lại ở con mắt của một người diễn viên nữa, mà ít nhiều có thêm cái nhìn của một đạo diễn, một nhà sản xuất. Nó là một bước ngoặt trong cái đầu của mình. Không có lo chuyện “múa rìu qua mắt thợ” ở đây, vì nghề này mênh mông lắm chị, tranh luận sẽ giúp nhau kinh nghiệm. Ít ra là có được sự thoải mái khi đứng trước ống kính. Chứ diễn mà cứ ấm ức, lấn cấn ở đâu đó, kiểu gì cũng hỏng…

Về việc này, chị từng có bài học?

Nhớ Quỳ trong “Người đàn bà mộng du” không? Vai đó, giá mà tôi được làm lại… Tôi tiếc là tôi đã thỏa hiệp và thiếu quyết liệt cho nó, dù khi làm, cũng đã lờ mờ nhận ra có gì đó không ổn rồi. Chỉ là không đủ lý lẽ để thuyết phục đạo diễn, nên đành chịu, phải cam phận “đặt đâu ngồi đấy”.

Đến ngay cả ngoại hình cho nhân vật cũng vậy, cái “tội” để Quỳ mập có chết không: ai lại ở rừng mà mập thù lù, thật không thương nổi! Sau xem phim, ngó mình “trôi”, mình có chút lơ là, quả tình, thấy có lỗi với nhân vật lắm! Mà nói chung thường thì phim xong, tôi đều không thấy hài lòng. Kiểu gì cũng có điểm mình cảm thấy mình chưa tới. Hạnh trong “Trăng nơi đáy giếng” cũng vậy, dù khi làm, lần này quyết liệt hơn, cũng đã cãi lui cãi tới với đạo diễn mấy lần. Nhưng tới lúc ngó Hạnh trên phim, mình vẫn nghĩ là hình như còn có thể kể câu chuyện “tâm bệnh” của cô Hạnh theo một kiểu khác. “Tâm bệnh” thời hiện đại nhiều kiểu lắm, chắc mình còn có thể kể khác. Thôi đành đợi tới lúc mình được làm phim của mình vậy, vì một trong những chuyện phim tôi tính quyết theo bằng được, cũng chính là kể về một ca “tâm bệnh”, một người mắc một bệnh lạ nào đó. Rồi, chưa hết, tôi còn ước sẽ làm được một phim về một nữ sát thủ máu lạnh, một phim hài và một phim… kinh dị nữa!

“Tôi muốn trở thành nhà làm phim độc lập”

Sát thủ, hài, kinh dị… – Toàn những “món” không ra chất Hồng Ánh lắm nhỉ?!

Vậy chứ chị nghĩ chất của tôi là gì? Là chịu đựng, đúng không? Ai cũng nghĩ thế! Sao mà ai cũng nghĩ thế nhỉ? À không, Thành Lộc thì không! Vì tôi nhớ, có lần, anh tự dưng giao cho tôi một vai khác tông trong vở “Những con ma nhà hát”. Đọc kịch bản xong, tôi trợn tròn mắt: “Anh nghĩ em có thể chọc cười thiên hạ sao?”, thì Thành Lộc bảo: “Cứ làm đi thì biết!”. Tới lúc đó, mình mới nhớ ra, ở ngoài đời mình cũng là người… hài hước chứ bộ, ít ra là hài hước nhất nhà. Anh Sơn (nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn – chồng Hồng Ánh) nữa, mỗi lần thấy mình nhận một vai chịu đựng, lại kêu: “Mẹ gánh vai này thì mệt lắm, vì ngoài đời mẹ đâu có vậy!”. Tôi thậm chí có máu nổi loạn từ trong trứng, tới nỗi cá chắc nếu không có cái này hay cái kia giữ lại (đại loại như bố mẹ, gia đình, những người mình yêu thương, khán giả…), nếu cứ để tôi trần sì từ đất nẻ chui lên, chắc tôi sống bản năng lắm! May quá tới giờ này mới chỉ dám nổi loạn trong phạm vi cho phép của mình.

Nói thế! Tôi thấy mấy vai chịu đựng của chị trong phim Thanh Vân – Nhuệ Giang sâu thẳm ra cũng là đều có máu nổi loạn lắm đấy chứ! Trong cái điệu đàn bà thua thiệt khóc ẩn ức, tấm tức mà chị chúa sở trường, ai dám chắc là các nhân vật của chị không nổi loạn!

Ừ đúng, có! Có nổi loạn. Nhưng vẫn chưa thật mạnh mẽ, và nó thoắt ẩn thoắt hiện, nó không thành ra một cá tính xuyên suốt và nổi bật. Đây, tôi muốn nó phải là một tông màu mạnh từ đầu đến cuối, nổi loạn ngay từ ngoại hình! Tôi muốn một vai phản diện!

Thế thì xem ra chị vẫn còn nặng lòng với nghiệp diễn lắm nhỉ! Ra là chị đi học về sản xuất phim chủ yếu để chuyên nghiệp hóa hơn nghề diễn?

Đúng, nhưng chỉ một phần! Vì ý nghĩ nung nóng tôi lúc này là được trở thành một nhà làm phim độc lập, với những bộ phim ngốn ít kinh phí, bối cảnh hẹp, ít diễn viên, để dễ xin tài trợ hoặc có thể làm bằng tiền của mình và không phải chịu áp lực, nhưng kể được những câu chuyện lạ làm ám ảnh người xem. Nhưng từ giờ tới đó chắc còn lâu, nên trước mắt, tôi làm phim truyền hình đã. Vì cơ hội đến trước: 30 tập phim do đạo diễn Việt Linh viết kịch bản, tôi đạo diễn, sẽ bấm máy vào tháng 2 tới – dự kiến thế!

30 tập phim – nặng đấy chứ! Chị có vẻ không phải là “vợ ngoan” lắm nhỉ: “cưới nhau xong là đi”, rồi đi học về, là 30 tập phim? Chị không sốt ruột làm mẹ sao, con Hồng Ánh và Thanh Sơn là dễ “ra trò” lắm đấy!

Không có, vụ “cưới nhau xong là đi” thì cũng chính bởi vì là “vợ ngoan”: nghe chồng khuyên mới dám liều đấy chứ! Học bằng tiếng Anh oải thấy mồ, không được ông xã khích lệ thường xuyên chắc mình bỏ giữa chừng quá! Lại còn phải hy sinh vai Sương trong “Cánh đồng bất tận” nữa, cũng là vì đi học… 30 tập phim, chắc tôi mất chừng 6 tháng, ít nhất là thế, nếu không có gì trục trặc, còn sau đó, chuyện con cái thì… chờ trời cho. Đằng nào thì giờ cũng chưa phải là lúc “báo động đỏ” cơ mà, dù ai chẳng biết một mái ấm đề huề con cái thì sẽ ấm hơn. Được cái, anh Sơn cũng hết lòng ủng hộ mình trong công việc, mà nói cho cùng, ổng… dại gì mà không ủng hộ chứ, vì chính ổng cũng ham công tiếc việc chết đi được, ổng đi suốt, nên mọi sự cứ gọi là phải tranh thủ “trên từng cây số”. Thỏa thuận rồi mà! Giờ thì cứ chạy, đi học về không tranh thủ làm ngay sợ “nguội” mất, nhưng khi cần dừng, thì sẽ dừng được thôi!

Nhân nhắc đến “Cánh đồng bất tận”, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn không thích nó thì rõ rồi, chị thì sao?

Trong mặt bằng phim Việt Nam hiện nay, tôi thấy phim đó được. Nhưng có lẽ vì đã quá ấn tượng với truyện, mà phim thì lại chỉ thay đổi chút ít so với truyện, nên khi xem, khó mà phân biệt được phim và truyện, rất khó quên được ấn tượng đã có với truyện. Thà anh đổi hẳn đi, chỉ cốt mượn cái nền sông nước ấy, thì có thể ấn tượng ấy nó không làm khó người đọc truyện đến vậy! Thế nên, nếu để phim đứng độc lập ra, thì tôi lại thấy phim đó thường, chưa hay, trong khi lẽ ra nó phải hay hơn… Ồ, mà lẽ ra tôi không nên nói thêm về chuyện này thì phải, chỉ là vì hỏi thì trót nói! Bỏ câu này đi được không?

Xem Đỗ Hải Yến đóng Sương, chị có tiếc mình đã từ chối vai đó – một cơ hội thật đắt để chị đổi tông?

Câu này thì nhất quyết không trả lời rồi nha! Mình chưa làm, biết thế nào mà so sánh? Nếu là tiếc, thì có một vai, mà nếu cho tôi được làm lại, chắc tôi không dại mồm chối nữa: là Vy, trong “Mùi ngò gai”.

Muốn khác không dễ

“Tâm hồn mẹ” nghe nói có kha khá cảnh nóng mà chị phải diễn chung với Quốc Thái. Thuở chưa chồng, nghe nói chị từng bị “chủ sở hữu đương kim” lôi xềnh xệch ra khỏi phim trường cũng vì cảnh yêu. Giờ lại là “gái có chồng”, sao chị vẫn không “chừa”?

Không chỉ phim trường, mà thậm chí ở cả hội trường LHP… Nhưng may, giờ tôi đã có được một người chồng hiểu nghề và ủng hộ nghề nghiệp của tôi hết sức. Cảnh nóng, hay kể cả cạo đầu để làm “sát thủ”, nếu cần, tôi đều không ngại.

Cái đích mà chị nhắm khi làm phim là gì: những trận mưa Sen Vàng, Sen Bạc,… thảm đỏ LHP Quốc tế như những “Đời cát”, “Thung lũng hoang vắng”, “Trăng nơi đáy giếng”… hay là thôi “Sen” – chán rồi, giờ là khán giả?

Ra rạp, bán được vé hay đi dự LHP, cái đấy khi làm phim, chắc tôi không nghĩ xa vời đến thế! Làm phim muốn hay, tôi nghĩ trước hết phải tính làm cho mình, mình phải thấy thích cái đã rồi mới mong nó chạm được vào người khác. Còn tất cả những cái sau đó thì tính sau. Dù cái khoản “tính sau” này ở mình quả thật chết mệt! Phim làm ra rồi có rạp có sóng hay không lại là một chuyện khác. Đây, tôi từng đi chào hàng một dự án phim ngắn, do mình xin được tiền sản xuất, giờ coi như phát không biếu không, chỉ cần sóng. Nhưng câu trả lời là: Phải mua sóng! Đến chịu! Sao muốn cho mà cũng không được nữa!

Sau bao nhiêu năm theo đuổi dòng phim nghệ thuật, trong đó có không ít phim Sen Vàng Sen Bạc đầy mình mà vẫn chung số phận xếp kho như thường, liệu chị đã thấm thía bi kịch “muốn cho cũng không được”?

Tôi thấy muốn khác không dễ. Vì nếu  là phim làm bằng tiền nhà nước, thì có lẽ mãi mãi vẫn chỉ là những vai diễn an toàn thế thôi, những chuyện đời đặc trưng như thế. Chứ khó mà kể chuyện “sát thủ máu lạnh” hay gì gì khác ởđây lắm! Thế nên tôi vẫn luôn mong chừng nào có đủ tiền, có được kịch bản hay, thì sẽ tự làm phim cho mình, và làm khác. Biết vì sao tôi ưa diễn kịch không? Vì ở đó, tôi có nhiều cơ hội hóa thân hơn nhiều, tôi được làm từ một cô gái điếm già đến một nữ “sát thủ hai mảnh”, thậm chí, một đứa trẻ bán báo… Với tôi, sân khấu như một trường đào tạo diễn xuất để sau này, mình có thể sắm được những dạng vai khác nhau mà không bị ngợp.

Có điều này tôi hết sức băn khoăn: Tại sao một gương mặt thuần Việt, sặc Nam Bộ như Hồng Ánh, và cũng từng có phim tham dự LHP Quốc tế như ai, lại hầu như rất ít khi được các đạo diễn nước ngoài hay Việt kiều để mắt đến nhỉ?

Có thể là lúc mình đang sung sức nhất thì thị trường chưa mở, làn song các nhà làm phim Việt kiều về nước làm phim chưa nhiều. Rồi tới giờ thì có thể một phần mình ở vào cái tầm lỡ cỡ nữa chăng, để vào vai “mẹ” thì hơi non, mà vào vai gái trẻ thì lại hơi “dừ”. Thà là lớn hẳn như cô Như Quỳnh hay trẻ hẳn như Đỗ Hải Yến!

Hơn nữa, giờ phim của các đạo diễn Việt kiều thì thường thuộc mảng phim thị trường, mà tôi thì đã bao giờ là lựa chọn của phim thị trường? Mà cũng không biết được, cái này không dễ cắt nghĩa, vì mỗi người một số phận, một cái duyên làm nghề, đâu cứ mình muốn, mình định là được!

Chị có nghĩ, biết đâu chừng có ngày, Hồng Ánh cũng sẽ làm phim thị trường?

Tôi chắc phim thị trường sẽ không bao giờ là lựa chọn của mình. Dĩ nhiên, khó mà đòi hỏi tư nhân làm công việc định hướng khán giả nên ai làm được gì, mạnh cái gì thì cứ làm thôi. Còn tôi, tôi nhất định sẽ đi theo con đường trở thành một nhà làm phim độc lập.

Chị biết là phim độc lập hoàn toàn không dễ ra rạp nhé!

Chúng ta thấy rõ là nhiều người đã được xem “Bi, đừng sợ” cũng như một số phim khác của Phan Đăng Di qua nhiều kênh khác nhau. Màn ảnh rộng tới lúc này rõ ràng đâu còn là kênh phát hành độc quyền và duy nhất nữa. Trong sự phát triển tất yếu của điện ảnh, tôi tin rằng sẽ có lúc cơ chế thoáng đãng hơn, đủ cho việc hình thành một cụm rạp riêng cho dòng phim độc lập như lúc này đã chớm manh nha.

“Anh Sơn viết về tôi coi sao được!”

Trong dự định trở thành nhà làm phim độc lập của chị, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn có được chị nhắm là người viết kịch bản?

Tôi quả thực chưa nhìn thấy khả năng đó ở anh Sơn. Mà mới chỉ thấy ông xã có tài… “văng miểng” thôi!

Khi “Cánh đồng bất tận” bị Nguyễn Thanh Sơn chê, đã có lời kích: Sơn có giỏi thì đi mà viết phê bình về… Hồng Ánh đi! Chị nghĩ nếu đề nghị một cách nghiêm túc, chồng chị có viết?

Nước Nam này thiếu gì người làm phê bình, hà cớ gì người viết về tôi cứ phải là anh Sơn? Tôi không hề ngại bị phê, nhưng tôi muốn đó phải là người ngoài. Anh Sơn viết về tôi coi sao được, “mâu thuẫn quyền lợi” rồi! Nhưng cứ thử hỏi anh Sơn xem, biết đâu ảnh đồng ý? Và nếu thế, tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của ảnh, và tôi tin là nếu đem tôi lên “bàn mổ”, trong một nhu cầu tự thân, chắc ảnh cũng không “nương tay” đâu! Ảnh biết rõ điểm yếu của tôi mà!

Còn chị, chị nghĩ điểm yếu nhất ở Hồng Ánh – đạo diễn là gì?

Dù đã được học ít nhiều nhưng cái làm tôi lo nhất, thiếu tự tin nhất vẫn là những gì thuộc về khía cạnh kỹ thuật, công nghệ sản xuất vì vẫn cảm thấy có một số thứ dường như mình vẫn còn bập bõm, cần cọ xát nhiều hơn vào thực tế.

Điểm mạnh?

Cá tính quyết liệt, đôi khi hơi bảo thủ và ít khi chịu thỏa hiệp. Đó là một tố chất mà tôi nghĩ rất cần có ở một đạo diễn và tôi đã nhìn thấy nó rất rõ ở những nữ đạo diễn thành công như Việt Linh, Nhuệ Giang,… dù vẫn biết để đi đến thành công ấy, các chị đều có những hy sinh cá nhân không nhỏ.

Nhưng thực tế thì chị đã có trên một lần thỏa hiệp, như chính chị tự nhận. Thường thì lúc nào chị cho phép mình thỏa hiệp?

Là khi tôi biết rõ nguyên nhân khiến mình chấp nhận thỏa hiệp. Chẳng hạn: những yêu cầu bất khả kháng trong điều kiện làm phim ở Việt Nam, hoặc vai mình đóng không phải là vai quá quan trọng trong phim để mà bắt mọi người phải chăm chút nó quá mức. Và thường thì là vì liên quan đến yếu tố tình cảm… Nhưng nếu đó là một vai rất quan trọng, quyết định sống còn đến sự thành bại của phim, và ngay lúc đọc kịch bản, mình đã cảm thấy chỗ này chỗ kia không ổn, và không đáng để đánh rớt thành công, thì tôi nhất định sẽ “chiến đấu” quyết liệt để bỏ bằng được cảnh này hay giữ bằng được cảnh kia.

Trong trường hợp đạo diễn không đồng ý?

Thì tôi sẽ không làm!

Thực hiện: Thư Quỳnh
Concept: Hà Đỗ

From the same category