Được cho là cột mốc điện ảnh đáng nhớ nhất năm 2019 với doanh thủ khổng lồ tính đến thời điểm hiện tại, song “Avengers: Endgame” dấy lên câu hỏi liệu Marvel Studios có quá ngạo mạn không khi một phân cảnh trong phim đã giễu nhại những bộ phim kinh điển khác có cùng chủ đề du hành thời gian.
“Tất cả ba cái phim du hành thời gian khác đều là nhảm nhí hay sao?”
Sau khi 50% sự sống của vũ trụ bị xoá sổ trong “Avengers: Infinity War” (2018), chưa bao giờ vũ trụ điện ảnh Marvel rơi vào tình cảnh tuyệt vọng như thế. Theo như các giả thuyết ban đầu được đưa ra, phần tiếp theo “Avengers: Endgame” sẽ là hành trình du hành thời gian thông qua thế giới lượng tử để ngăn cản Thanos thực hiện cú búng tay định mệnh. Đây là 1 motif thường gặp trong các phim du hành thời gian trước đây như “Back To The Future” (1985) hay “X-Men: Days of The Future Past” (2014).
Cho đến giai đoạn phim ra mắt, giả thuyết du hành thời gian này dần được Marvel xác nhận qua các trailer và sản phẩm quảng bá. Tuy nhiên, có vẻ như bộ não và tầm nhìn của các nhà sản xuất đã vượt xa dự đoán của khán giả, khi họ đưa ra một quy luật du hành thời gian khá mới mẻ trên màn ảnh mà các fan nước ngoài đang tạm gọi là “Luật Russo”, đặt theo tên hai đạo diễn Joe và Anthony Russo. Theo đó, tất cả những phim du hành thời gian sử dụng “hiệu ứng cánh bướm” (quay về quá khứ để thay đổi hiện tại) trước đây đều không thể áp dụng cho Endgame. Trong một phân đoạn bàn về nguyên lý du hành thời gian, hai nhân vật Rhodey (Don Cheadle) và Scott Lang (Paul Rudd) đã liệt kê ra một loạt những bộ phim du hành thời gian nổi tiếng như “Back To The Future”, “Star Trek, Somewhere In Time”, “A Wrinkle In Time”, “Hot Tub Time Machine”,… và gặp phải sự phản bác từ Hulk. Để rồi Scott phải ngậm ngùi nói: “Vậy ba cái phim ấy là nhảm nhí hết sao?”.
Chính chi tiết này đã nói lên sự khác biệt giữa 2 nguyên lý du hành thời gian giữa Endgame và các bộ phim được đề cập. Nhưng nó cũng cho thấy 1 điều rằng: Marvel Studios đã phủ nhận gần hết di sản của các tiền bối đi trước, mà nổi bật nhất là “Back to the Future”, với giọng điệu hết sức mỉa mai thay vì né tránh hay xây dựng. Bởi nếu đã không thể dùng thủ pháp “pay homage” (gợi nhớ một cách tôn kính), thì đâu cần thiết phải phũ phàng đến vậy?
Duyên dáng hay ngạo mạn?
Từ trước đến nay, ngoài việc định hình thương hiệu bằng vũ trụ điện ảnh, các bộ phim do Marvel Studios thưc hiện còn gây ấn tượng bởi phong cách hài duyên dáng, phù hợp với mọi lứa tuổi. Không có bộ phim Marvel nào là thiếu tiếng cười, ngay cả ở những phân đoạn tưởng chừng như căng thẳng nhất, người xem có thể bắt gặp những các phân cảnh hài hước tại bất cứ nơi đâu, với bất cứ nhân vật nào.
Đôi lúc, các anh hùng của chúng ta còn nhiều lần châm biếm lẫn nhau hay tự giễu nhại chính mình. Điển hình có Hawkeye trong “Avengers: Age Of Ultron” đã độc thoại “chúng ta đang đánh nhau với một binh đoàn robot, và tôi đang dùng cung tên”. Hay trong “Ant-Man”, trước anh chàng Scott Lang còn tự khoe mình là thạc sĩ điện máy, thì ngay cảnh quay sau đã thấy “người kiến” mặc đồng phục nhân viên bán kem ở Baskin Robbin.
Không dừng lại ở đó, Marvel Studios còn biết cách sử dụng các yếu tố văn hoá đại chúng (pop culture) để tạo liên tưởng trong các bộ phim của mình. Trong “Doctor Strange“, pháp sư vĩ đại đã hỏi Wong, trợ tá của mình rằng: “Tên anh có một từ thôi à? Như kiểu: Beyoncé, Adele, Drake…”; trong Infinity War, khi Spider-Man tống khứ được kẻ phản diện Ebony Maw ra khỏi tàu vũ trụ, cậu chàng thú nhận đã học được chiêu này từ bộ phim kinh điển “Aliens” của đạo diễn James Cameron. Cũng trong phim này, Iron Man đã gọi Maw bằng cái tên “Squidward”, một nhân vật trong series hoạt hình nổi tiếng “Spongebob Squarepants”.
Rõ ràng, những chi tiết đó mang đến hiệu quả rất lớn trong việc kết nối với khán giả, kéo họ lại gần với thế giới đang diễn ra trên màn ảnh rộng. Ở đó, các siêu anh hùng cũng biết đến những siêu sao đang thống trị nền âm nhạc như Beyoncé, Adele hay Drake. Và Spider-Man dù có mạnh mẽ, ấn tượng cỡ nào thì cũng chỉ là 1 chàng trai mới lớn, yêu thích các bộ phim khoa học viễn tưởng trước khi được tự mình trải nghiệm điều đó. Và những liên hệ như vậy không mang tính giễu cợt hay đả kích mà chỉ khiến các bộ phim trở nên gần gũi hơn, tạo ra các “trứng phục sinh” (Easter Eggs).
Để trả lời câu hỏi liệu các nhà làm phim “Avengers: Endgame” có quá ngạo mạn hay không, chúng ta cần có cái nhìn bao quát hơn. Bởi các bộ phim của Marvel Studios luôn hướng đến đối tượng khán giả phổ thông, cho nên các chi tiết cực đoan, tác động xấu đến công chúng thường sẽ bị lược bỏ hoặc được chuyển tải sang màu sắc nhẹ nhàng hơn. Chưa kể, nếu để ý, trong các phim bị giễu cợt có nhắc đến “A Wrinkle In Time”, một tác phẩm cùng nhà với “Avenegers: Endgame“. Sẽ thật khó tin nếu Disney lại đồng ý để Marvel Studio vùi dập và bày tỏ thái độ với chính tác phẩm của hãng.
Bài: Lucas Luân Nguyễn