Giấy tờ giả lọt cửa công chứng: thiệt đủ đường

Nỗi thất vọng của bà Lê Thị Hòa khi giấy tờ giả “lọt cửa” công chứng mà vụ án đang bị “tạm đình chỉ” vô thời hạn – Ảnh: C.M.

Có nghĩa vụ bồi thường

Luật công chứng quy định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng.

VPCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình. 

Bức xúc vì cơ quan công chứng đã xác nhận hợp đồng cho kẻ lừa đảo, khách hàng đâm đơn kiện ra tòa nhưng vụ việc lại bị “ngâm” vô thời hạn.

Theo bà Lê Thị Hòa (ngụ quận 10, TP.HCM), qua giới thiệu của một người quen biết, bà nhận thế chấp căn nhà số 40 Đỗ Tấn Phong, quận Phú Nhuận với giá 1 tỉ đồng. Ngày 6-1-2011, bà Hòa và hai người (tự xưng là chủ nhà số 40 Đỗ Tấn Phong) cùng đến Văn phòng công chứng (VPCC) Trung Tâm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM để ký hợp đồng.

Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân gồm chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu của hai bên, giấy chủ quyền căn nhà trên thì công chứng viên Trần Công Khải (thuộc VPCC Trung Tâm) đã xác nhận hợp đồng. Bà Hòa giữ giấy tờ nhà và đưa cho vợ chồng chủ nhà số tiền vay mà hai bên đã thỏa thuận là 1 tỉ đồng.

Chủ quyền hết giá trị, CMND giả qua mặt công chứng viên

Nhiều tháng sau không thấy người vay trả lãi hay thanh toán gốc như cam kết, bà Hòa mới đi đòi thì phát hiện hai người tự xưng là chủ nhà cùng bà ký tên tại VPCC là giả mạo. Khi người chủ sở hữu thật sự của căn nhà (ông Trần Văn Lực và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy) trưng ra một bộ giấy tờ chủ quyền khác của căn nhà, bà Hòa còn ngỡ ngàng hơn khi biết bộ giấy tờ nhà mà bà nhận thế chấp là giấy tờ cũ mà vợ chồng ông Lực, bà Thúy đã làm thất lạc.

Sau khi mất giấy tờ, vợ chồng ông Lực đã đăng báo và được UBND quận Phú Nhuận cấp giấy chủ quyền khác, bộ giấy tờ cũ mà bà đang giữ không còn giá trị. Cơ quan cấp giấy đã ra quyết định hủy bỏ, đồng thời gửi thông tin ngăn chặn cho các cơ quan chức năng.

Bức xúc vì bị lừa, bà Hòa đã tố cáo với cơ quan công an, đồng thời “truy lùng” hai người đã lừa tiền của mình. Ngày 9-3-2012, bà tình cờ bắt gặp người phụ nữ đã mạo nhận là bà Thúy để ký công chứng với bà và đưa người phụ nữ này trình báo với cơ quan công an.

Tại cơ quan điều tra, người phụ nữ khai tên thật là Tô Thị Hồng, ngụ quận Phú Nhuận, và thừa nhận đã được người đàn ông tên Nguyễn Anh Kiệt (ngụ phường 17, quận Phú Nhuận) thuê mạo nhận là bà Nguyễn Thị Thanh Thúy để đi ký công chứng.

Theo lời bà Hồng thì ông Kiệt đã làm giả giấy CMND mang tên Thúy cho bà Hồng, còn ông Kiệt cũng sử dụng CMND giả mang tên Lực (chồng bà Thúy) để qua mặt cơ quan công chứng. Bà Hồng được ông Kiệt trả công 5 triệu đồng.

Trong khi chờ đợi cơ quan công an giải quyết vụ việc, bà Hòa cũng nộp đơn khởi kiện VPCC Trung Tâm ra tòa để đòi bồi thường 1 tỉ đồng vì cho rằng VPCC đã không làm tròn trách nhiệm, chứng nhận cả việc giả mạo gây thiệt hại cho bà.

VPCC “phủi” trách nhiệm?

Tuy nhiên, trong văn bản giải trình về vụ kiện với tòa, trưởng VPCC Trung Tâm cho rằng theo tài liệu lưu trữ tại VPCC, hồ sơ thế chấp nhà số 40 Đỗ Tấn Phong trên “đã được lập đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Hai bên giao dịch đã có mặt tại trụ sở VPCC, cùng với việc ký, công chứng viên đã in dấu vân tay của hai bên vào bản gốc. Dấu vân tay in trực tiếp này hoàn toàn phù hợp với dấu vân tay của hai bên theo CMND đã xuất trình. Theo VPCC Trung Tâm, thiệt hại (nếu có) xảy ra cho bà Hòa hoàn toàn không do lỗi của VPCC, không phải do VPCC trực tiếp gây ra cho khách hàng nên VPCC không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của nguyên đơn.

“Người dân bình thường như tôi làm sao có thể biết được giấy CMND, chủ quyền nhà là giả hay thật, trừ khi mấy giấy tờ giả đó quá thô. Vì thế khi ký công chứng, thấy công chứng viên kiểm tra hồ sơ giấy tờ thì khách hàng mới yên tâm rằng người chủ nhà là thật, giấy tờ nhà là thật, căn nhà không bị lệnh ngăn chặn gì. Trách nhiệm của công chứng viên, VPCC trong việc kiểm tra giấy tờ, giao dịch là thật đã được pháp luật quy định chứ đâu phải tự nhiên khách hàng muốn đem hồ sơ đến công chứng, phải đóng phí để công chứng viên xác nhận hồ sơ mà nói công chứng viên không có trách nhiệm gì khi chứng phải hồ sơ giả?” – bà Hòa bức xúc khi đọc văn bản trên của VPCC.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài bà Hòa là nạn nhân, ông Nguyễn Anh Kiệt và bà Tô Thị Hồng còn tiếp tục sử dụng bộ giấy tờ tùy thân giả trên kèm chủ quyền giả căn nhà số 40 Đỗ Tấn Phong để lừa bán nhà cho một người khác, chiếm đoạt 500 triệu đồng. Sau khi xác minh, Công an quận 3 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối tượng Nguyễn Anh Kiệt. Sau đó, vụ việc được chuyển giao cho Công an TP.HCM.

Bà Hòa cũng đã nhiều lần đến Công an TP.HCM để hỏi thăm kết quả vụ việc nhưng được cơ quan điều tra cho biết hồ sơ vụ án của bà đã phải tạm đình chỉ để chờ kết quả truy nã Nguyễn Anh Kiệt. Thêm vào đó, TAND quận 3 cũng mời bà đến để tống đạt quyết định “tạm đình chỉ” vụ kiện VPCC của bà. Theo tòa, việc tạm đình chỉ này là để chờ kết quả điều tra đối với vụ lừa đảo mà bà Hòa là nạn nhân.

“Tôi là người bị hại, bị mất cả tỉ đồng mà giờ đây chẳng biết kêu ai. Đi tố cáo những người đã lừa đảo mình thì cơ quan điều tra trả lời là vụ án phải tạm đình chỉ để chờ lực lượng đi truy nã bị can. Còn đi kiện VPCC đã không làm hết trách nhiệm, công chứng cho cả người dùng giấy tờ giả thì tòa lại nói tạm đình chỉ để chờ kết quả điều tra. Cứ bên nọ chờ bên kia như thế này thì tôi còn phải chờ đến bao giờ? Nếu như cơ quan điều tra không truy nã được người đàn ông tên Kiệt đó chẳng lẽ vụ kiện VPCC của tôi cũng sẽ tạm đình chỉ vô thời hạn hay sao?” – bà Hòa thắc mắc. Được biết, để được TAND quận 3 thụ lý vụ kiện, bà Hòa đã phải đóng khoản tiền tạm ứng án phí hơn 20 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc này, luật sư Nguyễn Sa Linh – Đoàn luật sư TP.HCM – cho biết: theo điều 32 Luật công chứng, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên gây ra cho người yêu cầu công chứng. Người yêu cầu công chứng có thể tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với tổ chức hành nghề công chứng tại tòa án nên việc TAND quận 3 thụ lý đơn kiện của bà Hòa là đúng thẩm quyền. Bộ luật tố tụng dân sự tuy có quy định một số trường hợp cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án thì thẩm phán có quyền tạm đình chỉ vụ kiện, nhưng trong vụ kiện của bà Hòa, việc TAND quận 3 tạm đình chỉ với lý do chờ kết quả điều tra là không đúng.

Theo luật sư Linh, trường hợp nguyên đơn chứng minh được thiệt hại của mình là do lỗi của công chứng viên đã không thực hiện đúng quy trình, thủ tục công chứng, có sự tắc trách hoặc thông đồng trong việc kiểm tra tính xác thực của hợp đồng giao dịch… thì tòa án vẫn tiến hành thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật công chứng mà không cần chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Sau này, nếu bên bán bị truy tố và xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu tòa án buộc bên bán phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho tổ chức hành nghề công chứng.

Theo Tuổi trẻ

From the same category