Giật mình đằng sau hình ảnh ông Tây phân làn

Thật buồn và xấu hổ!

Nhiều ngày qua, clip ông Tây ngăn người vi phạm giao thông tại Hà Nội đã thu hút được hàng nghìn bình luận của độc giả.

Trong đó phần lớn các ý kiến đều cho rằng họ cảm thấy thật buồn và xấu hổ về văn hóa giao thông ở Thủ đô. Sự vô ý thức của một bộ phận người dân đang khiến Hà Nội xấu xí và méo mó.

Chỉ trong ít phút, hàng chục xe máy đã bị George Heydlaulff (tên tiếng Việt gọi là Long) chặn đầu và nhắc nhở. Nhưng chỉ một số ít quay đầu xe đi đúng làn đường, số còn lại vẫn cố tình phóng đi, phớt lờ lời nhắc nhở.

 

Ông Long kiên nhẫn ra nhắc nhở từng người vi phạm và yêu cầu họ quay lại đi đúng làn

Chia sẻ trên VietNamNet về cảm nhận sau khi xem clip, bạn đọc Lâm Triết đã thốt lên: “Không hiểu những người đi ngược chiều kia nghĩ gì nữa. Ông ấy đã kéo xe lại mà vẫn cố rồ ga phóng đi. Dù là người nước ngoài nhưng ông ấy đã dũng cảm làm công việc mà những người cùng đứng cạnh không muốn làm. Thật xấu hổ vì thái độ và ý thức của người dân Hà Nội”.

Bạn đọc Hồng Hà cũng bức xúc: “Chưa đầy 5 phút mà có cả gần 100 người vi phạm luật Giao thông. Thật không thể tưởng tượng được”.

Độc giả này thắc mắc tại sao một nút giao thông nhiều lộn xộn như vậy mà không hề thấy bóng dáng CSGT?.

“Thật đáng xấu hổ khi người bản xứ đứng trên vỉa hè chỉ trơ mắt nhìn. Nếu có lòng tự trọng thì phải xuống đường phân làn cùng người đàn ông kia chứ? Hình ảnh Việt Nam trong mắt người nước ngoài là đây sao?”.

“Chỉ một góc phố thôi mà đã thấy không biết bao người vô ý thức, người nước ngoài đến Việt Nam rất sợ Văn hóa giao thông của ta là vì lẽ đó. Lâu nay chúng ta tự hào về các chỉ số phát triển, về các thành tựu kinh tế, xã hội, nhưng văn hóa sống, cách sống và lối sống của không ít người Việt Nam… đang có vấn đề. Sự việc trên clip dường như đang chứng tỏ người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là những người thiếu ý thức”, độc giả Vũ Hạnh chia sẻ.

Cùng chung suy nghĩ, phần lớn bạn đọc cũng cho rằng rất cảm kích trước hành động của ông Tây và cảm thấy đau lòng trước thực trạng vi phạm an toàn giao thông tại Việt Nam. Đây rõ ràng là thói ích kỷ, coi thường lợi ích chung, coi thường trật tự và coi thường chính mạng sống của bản thân.

Đi ngược chiều có thể giảm vài mét đường nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến hàng trăm người khác, vào giờ tan tầm việc xảy ra va quệt, tai nạn là điều khó tránh.

“Nhân chuyện này mới thấy, nhiều người lâu nay ý thức rất kém. Tại các điểm dừng có tín hiệu đèn giao thông, mọi người chờ được đến vài chục giây, nhưng một số người vẫn nổ máy phóng lên dù chỉ còn vài giây đến đèn xanh. Không hiểu họ cố vượt vài giây đó để làm gì?”, bạn đọc Khánh Chi nêu quan điểm.

Hoan nghênh hành động của ông Tây là vậy, song một số ý kiến cho rằng hành động này quá nguy hiểm và không nên khuyến khích.

Việc phân làn đơn độc có thể gặp phải người này, người kia, có khi chạm trán cả những người mang theo hung khí… Khi họ nổi nóng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.


Quy hoạch và giáo dục có vấn đề?

Dù phần lớn ý kiến đều khẳng định ý thức tham gia giao thông của những người vi phạm quá kém, song một vài phân tích cho rằng, để xảy ra thực trạng trên có một phần lỗi từ việc quy hoạch giao thông.

Trên Youtube, bạn đọc Lan Chi chia sẻ: “Tôi đã đi qua con đường này rất nhiều lần, và nhận thấy cách bố trí lối rẽ, đường đi có vấn đề. Tôi dám chắc người vi phạm là những người đi từ hướng Trần Bình Trọng ra, trong khi phía bên phải rất chật thì phía đường bên trái lại vô cùng thông thoáng, nên việc nhiều người đi ngược chiều 5-7m, để sang làn đường bên kia là điều dễ hiểu”.

Đồng quan điểm, độc giả Huy Hà nhận xét: “Các bạn đừng vội chê ý thức dân mình mà hãy phàn nàn về cách phân luồng, cắm biển giao thông ở Việt Nam. Đa số là bất hợp lí và phi khoa học gây khó khăn cho người dân”.

Độc giả này dẫn chứng, tại Hà Nội hiện nay hầu hết các chỗ rẽ ngang tại các con đường đều đặt biển cấm 2 đầu. Người đi đường muốn sang làn phải đi một đoạn khá xa, do vậy nhiều người vi phạm là điều khó tránh.

Ngoài ra trên thực tế có những đoạn đường đang rộng thênh thang bỗng đâu có đoạn thắt lại. Vào giờ cao điểm phương tiện ùn ứ nên người dân buộc phải len lỏi, luồn lách.

Dẫu lý lẽ đưa ra là vậy, song khi thẳng thắn nhìn nhận, phần đông các độc giả vẫn cho rằng ý thức của dân mình còn kém. Mà vấn đề lớn nhất nằm ở việc giáo dục cũng như độ nghiêm của pháp luật.

Chế tài xử phạt còn quá nhẹ, mà hễ phạt là lại có người rút điện thoại ra gọi đề nghị “không xử lý”… thành ra nhiều khi luật… có mà như không. Hàng chục triệu người điều khiển phương tiện có bằng, nhưng mấy ai nắm đầy đủ và luật cũng như những biển báo trên đường.

Giáo dục ở nhà trường và gia đình luôn ra rả dạy học sinh, con cái phải chấp hành giao thông, trong khi chính thầy cô, bố mẹ lại vi phạm, thì sao con trẻ noi gương, học tập?


“Lâu nay chúng ta đang chấp nhận sống chung với cái sai, cái vi phạm như một phần tất yếu của cuộc sống. Thậm chí chúng ta coi đó là bình thường khi điều đó trở nên quá quen thuộc. Nguyên nhân sâu xa là do giáo dục của ta, nếu giáo dục tốt thì sẽ có cả thế hệ tốt, có thế hệ tốt sẽ tiếp tục làm tấm gương cho thế hệ sau. Vậy mới mong tình trạng này chấm dứt được”, độc giả Tiến Công nêu quan điểm.

Việc thay đổi nhận thức phải cần cả quá trình, do vậy khi đề xuất giải pháp giải quyết thực trạng trước mắt, bạn đọc Xuân Đức nêu ý kiến: “Cơ quan chức năng nên đánh vào túi tiền của người dân. Mức phạt có thể tăng lên nhưng phải kèm theo nhiều điều kiện khác. Ở nhiều nước, nếu người dân vi phạm giao thông, ngoài chuyện nộp phạt, họ sẽ phải lao động công ích, phải đi học lại luật…”.

Xem clip ông Tây phân làn giao thông do VOV GT thực hiện:

 

Theo Vietnamnet

From the same category