Trên những tấm áo của Diệu luôn xảy ra những “lệch” đầy hứng cảm sáng tạo, chứng tỏ người rẽ lối mới đã từng được tắm gội trong con suối nguồn cội mà Văn Cao gọi là ngọc tuyền, còn anh Sơn thì dẫn tay em Diệu đi tìm “giọt tinh khôi”, cội nguồn của cái đẹp.
1. Áo của Diệu và Dieu le veut. Có một lần Trịnh Vĩnh Trinh về Huế, đến thăm và đưa cho tôi một gói quà với nụ cười tươi kiểu femme enfant trẻ thơ pha lẫn nét duyên “fatal” quyến rũ rất Vĩnh Trinh, tôi mở gói quà và thấy một chiếc áo mới, nơi tà áo và cổ áo ký một chữ cách điệu: DIEU không dấu. Chiếc áo dài của Diệu! Tôi ướm thử, lòng còn hồ nghi – vì mình vốn kén mặc áo lạ – nhưng khi đứng trước gương và áo đã ôm mình, bỗng thấy như một thứ định mệnh mơ hồ cùng lúc với cảm giác mà Trịnh Công Sơn đã có lần cất tiếng hát “tình yêu như thương áo quen hơi ngọt ngào”… Chiếc áo ngọt ngào ôm lấy người tôi! Chưa khi nào có ai dùng chữ “ngọt” cho chiếc áo, có lẽ chỉ có “Sơn” và cao hơn nữa là “trời” như một thứ “trời cho” và bỗng nhiên tôi quả quyết đọc lại con chữ duy nhất trên chiếc áo: “d i e u” theo cách của tôi “Dieu”, tiếng Pháp, là Trời, và ngắm chiếc áo đang ở trên thân mình, “đúng là trời muốn thế!”, trời, hay cô ấy, em ấy, nàng ấy muốn thế, chỉ định tôi mặc áo của Diệu. Ý của Trời mà! Áo Diệu tôi mặc là ý của “trời”, như một thể cách định mệnh, một chỉ định xuất hiện trên cõi đời này từ giờ phút này! Tưởng như một thứ trăm năm trong cõi tài mệnh ghét nhau. “Nhưng Dieu – đọc theo nghĩa tiếng Pháp – hay Diệu – tiếng Việt của tôi, không phải là thứ “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Bởi từ buổi ban đầu mặc áo Diệu ấy, con đường tôi đi, mắt người tôi gặp, luôn có ánh sáng của bông hoa vừa nở, sự chào đón dường như luôn đầy ngạc nhiên pha lẫn mừng vui. Và từ đó áo Diệu như một vòng tay thân đến từ câu chuyện “trời cho” ấy. Như kiểu “ngày xửa ngày xưa có người mặc áo trời muốn thế và… “từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng” (TCS).
2. “Lệch”, đường đi sáng tạo của Diệu – Lệch! Thoạt tiên nghe như một điều chi sai, không đúng – không đúng với cái đã có sẵn – chệch so với mô hình phổ quát một thời. Ở đây so với một thời áo xưa! Thời ấy đã có một vị “Con Trời” (Thiên Tử) đã vạch ra chiếc áo ngũ thân, chiếc áo nhật bình cổ vuông tay rộng, áo tảo cổ xéo tay rộng, ấn định y phục cho cả một dân tộc, một thời trang phổ quát cho mọi người, cho mọi thời. Và thời gian ngừng lại không bay nơi tấm áo ấy. Nhưng có một lần tấm áo ấy bỗng dưng biến mất. Và đời sau gọi nó là cổ phục với khuôn vàng thước ngọc. Rồi người đời sau nữa đi tìm trong xôn xao mảnh vụn thời trang cổ phục một thời ấy. Khi được dở ra, đẹp lộng lẫy như cánh phượng hoàng vỗ trời cao. Cảm hứng từ cổ phục trở nên một đam mê thời trang, tương tự như nỗi ao ước của một thục nữ nề nếp từ nơi khung cửa sổ khuê phòng nhìn mây bay vời vợi hay như cô học trò Đồng Khánh ép cánh phượng mơ một màu áo hổ phách từ màu trắng tinh khôi học trò. Và tấp nập vết cắt thời gian được gọi là thời trang, từ một chiếc áo dài thành hai áo ngắn, cho đến áo dài lê đất, cho đến áo dài cụt tay… Bóng cô học trò mất hút trong ngổn ngang ấy.
Cách tân, cách điệu, cách mạng, hồi sinh, phục sinh đều là những khái niệm khởi từ cái cũ. Nhưng cũ là gì? Đó là sự bí nhiệm mà mỗi cá nhân chỉ có thể trải nghiệm cho riêng mình để tìm một giai điệu mới. Cái cũ như cánh phượng hoàng đã vỗ trên bầu trời mây bay, chỉ trên đường bay ấy khả thể rẽ sang một hướng khác là điều kiện của sáng tạo, sáng tạo trong dòng thời gian, như chính tên gọi của thời trang. Sự quay về nét phổ quát, phong cách xưa đã một thời vang bóng, để kết nối với hiện sinh ở đây và bây giờ luôn tạo ra độ lệch. Trên những tấm áo của Diệu luôn xảy ra những “lệch” đầy hứng cảm sáng tạo, chứng tỏ người rẽ lối mới đã từng được tắm gội trong con suối nguồn cội mà Văn Cao gọi là ngọc tuyền, còn Anh Sơn thì dẫn tay em Diệu đi tìm “giọt tinh khôi”, cội nguồn của cái đẹp, đây là cảm giác rất riêng của tôi khi mặc chiếc áo “xưa” mà “nay” của Trịnh Hoàng Diệu.
Diệu giữ gìn nếp áo cũ một cách cẩn trọng như một thứ tôn thờ nghiêm trang, bằng điểm thêm một chi tiết của cảm hứng hiện đại: hột nút, cái khuy áo, đường viền tà áo, tà đôi, múi thêu, đường may tay – một thời nghệ nhân hành thâm như một thứ “đạo vá may”, tay áo rộng hẹp, vạt áo dài ngắn, màu sắc biến chuyển trên tay áo như là điểm nhấn luôn thăng hoa trở nên những cánh hoa sống động của người hoa… sự phá cách từ đường chỉ dấu kín cho đến mũi chỉ thô kệch của thời kim khâu chưa có – độ lệch – như được vuốt ve bởi một bàn tay thấu hiểu tâm trạng sắc màu, ngay cả màu thời gian. Trong tấm áo của Diệu – cảm xúc sáng tạo từ nguồn xưa sống động như… của Trời! Chẳng phải chính nơi độ “lệch” này – kẽ hở của sáng tạo và tự do – lại làm cho chính sự giữ gìn và đổi mới mang giá trị thẩm mỹ nghệ thuật, dù cho thời trang vẫn là cánh vạc phù du? Và đầy hứng thú bất ngờ!
3. Bất ngờ Crochet! Crochet như phác hoạ liên khúc liên văn trên áo của Diệu: Hoài cổ làm nên dấu ấn thẩm mỹ trên tác phẩm của nhiều nhà thiết kế thời trang, hội hoạ, di tích được đưa lên áo dài một cách rầm rộ trong thời gian trước covid cho đến bây giờ. Hoài cổ hiện nay đang là khuynh hướng chung, Trịnh Hoàng Diệu hoài cổ trong tất cả bộ sưu tập của mình. Hoài cổ có thể trở nên khuôn sáo và nặng nế cổ tích kinh điển. Trịnh Hoàng Diệu có một cách hoài cổ trên con đường mà tôi gọi là “lệch sáng tạo”, với nhiều bất ngờ và bất ngờ nhất là: Bất ngờ crochet xuất hiện trên tà áo, cổ, tay, vai… Crochet, kỹ thuật đan móc len là một kỹ thuật đến từ phương Tây thế kỷ 19 mang phong cách thuộc địa, đã được đưa sang Việt Nam và được dạy ở các nữ trường trung học. May thêu, đan móc như một 4 đức hạnh được giáo hoá. Ngày xửa ngày xưa ấy, những cô học trò Đồng Khánh, Jean d Arc ở Huế học đan học móc với những mộng mơ theo với mây bay ngoài cửa sổ… nàng nữ sinh Trịnh Hoàng Diệu cũng học đan móc với nhiều cuộn len… mơ ước của tâm hồn như tất cả mọi thiếu nữ ngày xưa. Nét crochet được đưa vào áo của Diệu gây bất ngờ làm nên vẻ độc sáng và tài tình của Diệu trong khám phá phong cách mới trong khi vận dụng hoài cổ. Một múi móc và sự tưởng tượng trở nên nên vô cùng về nét cổ – cổ nhưng tân kỳ. Có thể nói hoạ tiết crochet, những múi móc len uyển chuyển nương theo vóc dáng của chiếc áo thật độc sáng trên lãnh vực thiết kế, chứng tỏ sự tinh tế và sáng tạo của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu.
4. Bộ sưu tập “Màu thời gian” chất chứa cổ xưa và hiện đại trong cũng một lúc với sự biến chuyển tinh tế của từng chi tiết. Thời gian chảy trôi, điều dừng lại chỉ là khoảnh khắc! Nhạy cảm sáng tạo chính là khả năng biến từ những khoảnh khắc, từng chi tiết phù du của màu thời gian trở nên cá tính của từng tác phẩm. Tác phẩm của Diệu hiện ra ở chân trời như cầu vồng ngũ sắc nối kết xưa nay. Và nơi chân trời vừa tạnh mưa ấy, Trịnh Hoàng Diệu trở về nền cũ tịch liêu nhưng đầy ánh sáng trong tương phản trắng đen, điểm nhấn trong sưu tập Trịnh Hoàng Diệu hôm nay.
Rốt cùng màu thời gian không xanh, màu thời gian không tím, màu thời gian không màu: đó chính là sức mạnh sáng tạo của tương phản trắng đen, của đổi mới vô cùng!
Huế 9/12/2023