Giáo sư Phan Văn Trường từng là một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán Quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế. Với kinh nghiệm hơn 40 năm thương thuyết, đi qua hơn 80 quốc gia, ông có cái nhìn rất cởi mở về hiện tượng “chảy máu chất xám” vốn hay được gán cho những người Việt không chọn lập nghiệp tại quê hương.
Người Việt có đầy đủ các tiềm năng để phát triển ở bất cứ môi trường nào trên thế giới: nhanh nhẹn, nhiệt tình, biến báo, thông minh, lễ độ, tình cảm, đặc biệt là khả năng chịu đựng khi đối đầu với khó khăn. Sự cản trở lớn nhất, nếu có, nằm ở việc chúng ta đáp ứng được mọi chuyện nhưng khó đáp ứng được văn hóa. Người Việt dễ dàng hòa nhập bên ngoài, nhưng bên trong vẫn là một dân tộc thích ăn cơm với nước mắm, sống quần tụ và có tập quán riêng của mình.
90% người Việt Nam khi không có cơm Việt Nam sẽ cảm thấy thiếu thốn, tôi may mắn không gặp vấn đề như vậy. Công dân toàn cầu, ăn cơm nước nào cũng thấy ngon. Tôi ăn cơm Thái, cơm Hoa, cơm Nhật, cơm Pháp dài dài, cả tháng không ăn cơm Việt Nam cũng không sao cả. Nhưng nước Việt Nam trong tim tôi chiếm phần to lớn lắm. Những lần về Hải Dương hay Thái Nguyên thăm mộ cụ, tôi có thể ngồi từ sáng đến chiều. Tôi nói thầm: “Cháu cứ ngồi với cụ, cụ nhá!”, rồi ngửa mặt nhìn mây nhìn trời, mơ mộng. Luôn có một sợi dây thiêng liêng kết nối giữa tôi với tổ tiên, đất nước, cũng giống như tinh thần của các bạn trẻ ngày nay luôn sẵn sàng dâng cao mỗi khi xem một trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và nước bạn.
– Sinh năm 1946
– Tốt nghiệp kỹ sư trường Quốc gia Cầu đường (Pháp) năm 1970
– Giảng viên Quy hoạch Kinh tế Đô thị tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne từ năm 1973-1975
– Nhận huân chương “Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh” của Chính phủ Pháp năm 2007
– Tác giả của hai cuốn sách “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị”
– Ở tuổi 72, ông dành 90% thời gian của mình cho việc viết lách và nói chuyện với sinh viên các trường Đại học ở Việt Nam. Toàn bộ tiền nhuận bút và tác quyền của ông đều được chuyển cho các quỹ từ thiện.
Năm 1963, tôi đi học ở Pháp. Những ngày đầu chỉ biết cắm đầu cắm cổ học, không nghĩ xa quá những kỳ thi. Năm 1970, tốt nghiệp kỹ sư trường Quốc gia Cầu đường, tôi được một công ty Pháp nhận vào làm việc ngay tức khắc với mức lương khá cao cho người mới bắt đầu sự nghiệp. Làm việc đến năm 1973, thời điểm dân tộc Việt Nam đang trong giai đoạn khá cam go, tôi đã nghĩ đến việc về nước. Nhưng gia đình, bạn bè đều động viên ở lại bởi nước Pháp đang đón nhận mình rất ân cần. Ở một hai năm, rồi lại thêm một hai năm nữa, đến giờ cộng lại đã thành năm chục năm. Nước Pháp không chỉ là một quốc gia nơi tôi trải qua những tháng ngày căng thẳng đủ để biết năng lực của mình có thể bay xa tới đâu, mà đã trở thành một nơi chốn mà tôi xây dựng tổ ấm: vợ con tôi ở đó, bố mẹ tôi cũng mất và được chôn cất ở đó. Mối liên hệ giữa tôi và nước Pháp rất chặt chẽ, nhưng cuộc đời tôi vẫn thuộc về Việt Nam lâu hơn tất cả.
Tôi yêu nước Pháp cũng như yêu nước Đức, nước Anh, nước Thụy Sỹ, bởi tôi là người quốc tế mất rồi. Người Pháp dạy tôi lý luận bằng lý trí thay vì suy diễn bằng linh tính, họ không nói: “Tuyết rơi lạnh nhỉ” mà nói: “Ồ hôm nay lạnh nhỉ, nên chẳng ngạc nhiên khi thấy tuyết rơi”. Người Anh thì dạy tôi: văn minh không phải để cho người khác thấy, văn minh phải bắt nguồn từ tận trong tâm hồn mình. Người Anh không giống như người Việt – mặc cho người khác xem, mua xe cho người khác nhìn; người Anh nếu ở nhà một mình cũng không có cử chỉ gì kém văn minh. Sống ở Đức, tôi học được tính trật tự. Nước Ý thì gieo vào tôi ý niệm sâu sắc về cái đẹp.
Những điều đó, người Việt Nam dẫu không ra nước ngoài cũng sẽ dần dần được tiếp thu qua mạng xã hội, qua hiện tượng toàn cầu hóa. Thế giới ngày nay đã khác thế giới của năm 1963 khi tôi đi Pháp học. Ngày đó việc ra nước ngoài có thể coi là bước chân ra quốc tế, còn ngày nay, quốc tế đã có ở mọi nơi. Người Việt ra nước ngoài, người nước ngoài cũng đến Việt Nam; mình cho đi, người ta mang tới. Vậy nên đừng cho rằng chuyện những người Việt tài ba chọn nước ngoài làm nơi phát triển sự nghiệp là một hiện tượng chảy máu chất xám. Khi còn ở thời kỳ năng động nhất, người ta cần một hệ sinh thái tốt nhất để phát huy hết khả năng của mình. Họ chưa về khi chưa có môi trường đúng như họ mong muốn. Nhưng người Việt Nam rất quyến luyến đất nước, ai đi xa rồi cũng sẽ quay về cả thôi.
BORN IN VIETNAM
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kết quả rằng: trong tất cả những cuộc di cư của mọi dân tộc, Việt Nam là dân tộc duy nhất thành công ngay từ thế hệ đầu tiên, vượt lên trên cả một dân tộc hùng mạnh khác là người Hoa – khi phải đến thế hệ thứ ba, thành công của họ mới được gây dựng.
Với những ưu điểm bẩm sinh như thông minh, nhanh nhạy, tình cảm và đặc biệt là đức tính chăm chỉ, khả năng chịu khó, người Việt dễ dàng gặt hái thành quả ở bất kỳ môi trường nào. Danh sách những người Việt ghi danh trên bản đồ thế giới ngày một kéo dài, nhưng trong chuyên đề nhỏ nhắn này của mình, chúng tôi muốn giới thiệu 6 gương mặt người Việt đã tỏa sáng trên “sân khấu” riêng của họ, từ thương trường, sàn diễn, căn bếp đến studio chụp ảnh lấp lánh ánh đèn. Điểm chung của tất cả là dù ăn cơm Tây, hít thở và trưởng thành trong một bầu không khí khác, họ vẫn luôn giữ sợi dây kết nối linh thiêng với quê nhà.
Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Đọc thêm
– Giáo Sư Phan Văn Trường: Công dân toàn cầu ăn cơm nước nào cũng thấy ngon
– Diễn viên múa Lê Ngọc Văn: Tỏa sáng trong nhà hát của những ngôi sao
– Beatboxer Bảo Trung: Không muốn bỏ lỡ cơ hội nào từ nước Mỹ
– Nghệ nhân thiết kế hoa Doan Ly: Đóa hoa lạ giữa lòng New York
– Đầu bếp Nguyễn Bá Phước: Người nêm nước mắm vào món ăn Nhật Bản
– Nhiếp ảnh gia An Lê: Hollywood chẳng xa vời
Bài: Hà Lan (ghi)