Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Cũng có lúc tôi áy náy với mình”

“Lúc nào cũng có thể ngã được”

– Cuộc dạo chơi với văn chương của anh hóa ra không hề lãng tử nhỉ: Hết “Ai và Ki ở xứ sở những con số tàng hình” (viết cùng Nguyễn Phương Văn), tủ sách “Cánh cửa mở rộng” (làm cùng Phan Việt)…, thì giờ lại là “Oscar và bà áo hồng” (dịch cùng Nguyễn Khiếu Anh). Đó có phải là sự bổ khuyết để giúp anh cân bằng không?

– Phần nào đó là giúp cân bằng, đúng vậy! Khi làm toán, bản chất công việc gần với tháp ngà, mình tách hẳn bản thân với thế giới bên ngoài bởi nó đòi hỏi sự tập trung rất cao độ. Lúc đó mình không có nhu cầu tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu con người. Ngoài việc giao tiếp xã hội, văn chương là một kênh giúp mình hiểu con người, hiểu thế giới hơn. Đó là lý do cá nhân mình thích văn chương.

Nhà khoa học hay những người làm nghệ thuật đều có ham muốn chiêm ngưỡng cái đẹp rất lớn. Đối với mình, khi gặp một bài toán hay, mình cũng cảm thấy sung sướng như khi đọc một cuốn sách hay, xem một bức tranh đẹp hoặc nghe một bản nhạc hay vậy.

– Trong một cuộc trò chuyện cùng nhà văn Phan Việt, anh từng nhắc đến việc đi tìm cảm giác cuộc sống. Văn chương, hẳn vậy?

– Nếu dùng từ “tìm cảm giác” thì cũng không hẳn đúng đâu, nhưng thực sự có rất nhiều chuyện mình không hiểu. Cả tuổi trẻ mình tự giam cầm bản thân trong cái tháp ngà toán học. Vì thế có rất nhiều câu chuyện về cuộc sống, về đất nước và con người Việt Nam, mình không biết và không hiểu gì cả. Bằng việc tham gia nhiều hơn những công việc khác nhau của đất nước, mình đã hiểu mọi người hơn, thông cảm và chia sẻ với họ hơn, cả sự vui vẻ và những đắng cay của họ. Dùng từ “chia sẻ”, mình nghĩ
đúng hơn.

– Nếu không phải văn chương, thì sẽ là gì?

– Là âm nhạc. Mình rất hay nghe nhạc, đi bộ. Mình nghĩ âm nhạc là điều gì đó rất tuyệt vời. Bạn để ý xem, phim không có nhạc rất khó xem, đúng không? Mình nghĩ âm nhạc là thứ chi phối rất lớn đến tình cảm con người.

– Những lúc nào thì trông anh dễ chịu nhất?

– Lúc nào chẳng dễ chịu (cười). Thực ra khi mệt mỏi, mình không nói chuyện với ai cả. Tất nhiên, những người trong nhà dần dần cũng quen, nhưng có điều chắc chắn, lấy một ông chồng làm toán hay có một ông bố làm toán không phải là chuyện dễ dàng. Khi tập trung vào làm toán, mình không nói chuyện với ai cả.

– Vậy mà anh lại từng ước, trong một câu thơ: “Có một con đường ta đi/Giá chi không bao giờ tới đích”?

– Tâm lý của người làm toán là khi làm thì làm hết sức để nó ra kết quả, nếu không tìm được thì sẽ rất tuyệt vọng, nhưng khi tìm ra đáp án rồi cũng lại tiếc ra phết. Vì khi sống với một bài toán trong vài năm, trăn trở với nó, mình cảm thấy mình sở hữu bài toán ấy, đúng hơn là tâm giao với nó. Nhưng khi giải xong rồi, mình cảm thấy nó không còn là của mình nữa. Hoang mang ra phết. Cảm giác đã tiêu sạch vốn liếng và “trắng tay” trước bài toán vì mình gần như đã dốc sạch vào nó. Cho dù đáp số đó có thể đem lại cho mình danh lợi, tiếng tăm…, nhưng mình lại mất đi một bạn tâm giao, bởi nó đã thuộc về nhân loại, thuộc về người khác…

– Nó có giống cảm giác khi anh quá hiểu một người mà anh từng rất muốn hiểu được họ?

– Không, không thể giống như cảm giác hiểu một người mà hoang mang được. Nó chỉ giống như một canh bạc, có thể thắng hoặc thua nhưng mình tiêu hết vốn thôi.

– Cảm giác này có lẽ là hoang mang hơn chăng: Cái người bao năm sống cạnh mình, ngỡ đâu là người hiểu mình nhất, thì vào một ngày đẹp trời, mình bỗng nhận ra người đó hóa ra không hiểu gì mình hết cả. Cách giải mình tưởng đúng, rốt cuộc chỉ là một ảo giác?

– (…) Mình nói chuyện khác được không?

– Giờ thì anh cảm thấy thế nào, sau bài toán bổ đề từng “lấy sạch của anh vốn liếng”?

– Bây giờ thì mình đã cảm thấy bình an hơn.

– Biết đâu phải vậy thì mới là cuộc sống: có những bài toán giải được, và có những bài toán vĩnh viễn không có lời giải?

– Và đó là điều mình muốn hay không thì nó vẫn thế, đúng không?
       
– Quá hiểu người bạn đời, theo anh, liệu có là điều tốt? Hay, có những bài toán, tốt nhất không nên có đáp án cuối?

– Sống với bạn đời không phải cái gì mình cũng hiểu hết người ta được đâu, cũng là bài toán khó giải đấy! (cười)

– Cũng có cuộc hôn nhân, một trong hai người còn không buồn đi tìm lời giải. Anh có nghĩ đó là lúc mối quan hệ đã đi vào bế tắc?

– Theo mình nghĩ, việc hiểu trọn vẹn một người khác là bất khả.

– Trong trường hợp một bài toán có nhiều cách giải, thường anh sẽ ưu tiên cách nào?

– Cách đơn giản nhất. Vì mình nghĩ đơn giản với người này sẽ đơn giản với người khác.

– Cảm giác nào thường khiến anh cảm thấy khó chịu hơn: quá kỳ vọng vào mình, hoặc thất vọng vì mình?

– Thú thực mình là người không kỳ vọng vào bản thân. Mình là người khá kỷ luật, hoạt động như một cái máy, một cái đồng hồ. Từ bé mình đã sống như vậy. Làm việc có giờ giấc. Đôi khi mình chỉ thất vọng vì không kỷ luật được như mình mong muốn, và đó là nỗi thất vọng lớn nhất của mình.

– Về cơ bản, con người đều yếu đuối và để giữ được đam mê thì phải bằng kỷ luật – anh từng nói thế. Anh không nghĩ một cuộc đời được lập trình bằng kỷ luật thường rất dễ tẻ nhạt sao?

– Vô cùng thú vị là khác!

– Vượt qua thất bại hay vinh quang, cảm giác nào khó khăn với anh hơn?

– Nó đều khó khăn cả. Mỗi thất bại lớn nhỏ trong công việc hay đời sống riêng tư đều là lúc mình nhìn thấy sự yếu đuối và hèn nhát trong mình. Cảm giác đó hoàn toàn không dễ chịu. Còn đi qua vinh quang, giống như khi tiêu hết tiền vào một canh bạc, nó rất trống rỗng.

– Một cua-rơ thường bị ngã lúc đổ đèo, chứ mấy khi lên dốc, đúng không anh?

– Tôi nghĩ lúc nào cũng ngã được.

– Khi chỉ còn hai tuần để sống, cậu bé Oscar đã viết thư cho Chúa kể về những quãng đời… chưa được sống của mình. Anh thì sao, thường anh có thói quen nhìn lại từng quãng đời đã được sống của mình?

– Bình thường thì không, vì bận rộn, và vì bản thân mình cũng không hẳn là típ người cả nghĩ. Nhưng những lúc khó khăn, như nhiều người, mình cũng thường ngồi lại suy ngẫm, tự vấn xem mình đã sai đúng ở đâu. Thì thấy trước giờ, những việc làm của mình tương đối đúng, ít khi sai…

“Cha mẹ nên kỳ vọng vào con cái”

– Đến thời điểm này, anh nghĩ bài toán khó giải nhất của anh là gì?

– Đối với mình, đó vẫn là bài toán dạy con cái nên người, mình chưa hoàn thành bài toán đó. Vì những bài toán khó khác, trách nhiệm của mình có thể hữu hạn, chỉ cần cố gắng làm hết sức là được. Còn đối với con cái, rõ ràng mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tất nhiên, mình hiểu còn có trách nhiệm của con nữa, nhưng mình vẫn thấy trách nhiệm của mình rất lớn. Có những chuyện mình có quyền nói mình thất bại, nhưng đối với con cái, mình không có quyền nói vậy; hoặc nếu có, mình cũng không chấp nhận được chuyện đó.

– Anh có cho mình quyền kỳ vọng vào con cái?

– Có chứ! Mình nghĩ chuyện kỳ vọng vào con cái rất quan trọng. Dù có người vì quá kỳ vọng vào con cái mà đâm gây áp lực, bắt ne bắt nẹt con phải giống mình thì là không đúng, nhưng chuyện kỳ vọng, theo mình vẫn là cần thiết. Mình nghĩ đôi khi bố mẹ kỳ vọng vào con thế nào thì rất có thể con sẽ trở thành người như thế.

– Lý do anh kỳ vọng là gì? Vì các con anh là con của Ngô Bảo Châu, hay bọn trẻ có điều kiện học tập tốt hơn anh ngày xưa?

– Lý do của mình hơi ngược lại với mọi người. Thời gian dài trước đây, mình từng nghĩ không nên kỳ vọng vào con nhiều, vì muốn để con tự do. Sau mình hiểu ra, muốn cho trẻ con phát triển tốt, phải kỳ vọng vào chúng để khi chúng lớn lên trở thành người tử tế và sống một cuộc sống đàng hoàng…

– Bạn đồng hành của anh trong nhiều chuyến đi thiện nguyện thường là con gái lớn của anh. Con của anh cần phải biết điều đó, hơn là chỉ sống trong niềm tự hào về bố?

– Các con của mình có tự hào về bố hay không thì phải hỏi chúng đã.

Phần mình, mình nghĩ để xây dựng tâm hồn, mỗi người phải trải qua những trải nghiệm, phải biết hi sinh cho người khác thì mới lớn lên được. Câu chuyện về sự hi sinh rất khó để nói bằng lời, sẽ rất vô lý nếu nói với con rằng, không hi sinh là hư. Vì thế, có rất nhiều vấn đề đạo đức phải có trải nghiệm, do sự quan sát mới tạo ra cảm xúc và nó giáo dục được cho con người tốt hơn nhiều lời nói.

Mình tham gia chương trình “Cơm có thịt”“Trò nghèo vùng cao” của anh Trần Đăng Tuấn, một phần cũng bởi muốn lôi bọn trẻ nhà mình lên đấy, cho các con chứng kiến và thấy được cuộc sống của những đứa trẻ ở đó thế nào. Mỗi lần như vậy, mình tin các con cũng sẽ học được điều gì đó cho cuộc sống của chúng.

– Khi con cái cũng là một bài toán, anh nghĩ sao về bài toán đã được giải của Bill Gates hay ông chủ Facebook: Thay vì để tài sản cho con, họ hiến tặng cho xã hội. Trong khi ở Việt Nam thì bố mẹ bò ra làm để tích cóp cho con?

– Thực ra đó là điều kỳ lạ của đặc trưng văn hóa Mỹ. Không phải Bill Gates hay Mark Zuckerberg là những người đầu tiên làm vậy. Thay vì nghĩ đến việc mình đã làm ra đồng tiền khó khăn như thế nào, họ lại nghĩ đến việc phải làm sao để khối tài sản họ tạo dựng được đó mang lại hạnh phúc cho nhân loại.

– Vậy tài sản lớn nhất anh dành cho con mình là gì, có phải chính là bài toán khó mà anh đã giải được?

– Mình nghĩ không phải vậy. Nhưng nhờ bài toán đó mà mình có được cuộc sống sung túc, không phải lo lắng về vấn đề vật chất, tiền nong nữa. Và bọn trẻ nhà mình theo đó cũng được sống trong điều kiện tốt hơn, học trường tốt hơn, đó cũng là điều quan trọng, đúng không?

– Điều kiện sống tốt đôi khi không thay thế được bàn tay cha mẹ. Giữa những guồng quay công việc, đã bao giờ anh cảm thấy áy náy vì còn quá ít thời gian dành cho gia đình?

– Thực ra bây giờ mình có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn đấy! Còn nếu áy náy thì là quãng thời gian 10 – 15 năm trước đây. Lúc đó mình không bận làm việc xã hội nhưng bận làm toán. Như con gái lớn của mình năm nay 20 tuổi, nhưng lúc con còn bé, mình đã không dành đủ thời gian cho con. Bây giờ thì cô ấy cũng vẫn “happy” thôi, nhưng trong tâm khảm mình vẫn áy náy…

– Với bản thân mình thì sao, có bao giờ anh cảm thấy áy náy với chính mình, rằng: Lẽ ra mình phải được đi chơi nhiều hơn, được thả lỏng hơn và được… yêu nhiều hơn?

– Đôi lúc cũng có. Đó cũng không hẳn là bài toán không giải được, mà mình nghĩ mỗi người có một cuộc sống mà mình đã lựa chọn.

– Trước khi từ biệt, “cậu bé Oscar của anh” đã nói: “Chỉ có Chúa mới có quyền đánh thức tôi”. Anh nghĩ, ai có quyền đánh thức Ngô Bảo Châu?

– Mình có ngủ đâu! Hoặc mình chưa “đủ trình” như Oscar.

 
Thực hiện: Thư Quỳnh – Thục Khôi
Nhiếp ảnh: Hellos

logo 


From the same category