Giáo dục giới cho con ở độ tuổi nào?

Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu như câu hỏi đầu tiên về giới tính của con không phải là: Con chui ra từ đâu? Hoặc: Tại sao con không được ngủ chung phòng cùng bố mẹ… Mà là: Con thích bé Mơ hàng xóm, mẹ cưới nó cho con đi… 
 
Phần lớn cách giáo dục về giới tính của phụ huynh với bé gái là chờ đến khi con la hét lên ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên mới mập mờ giải thích về chu kỳ hàng tháng. Với bé trai thì để mặc chúng tự mày mò bơi lội giữa mớ kiến thức hỗn độn ở tuổi mới lớn, tự đi mua quần lót mặc khi không thể không mặc. Một số bà mẹ suy nghĩ rất đơn giản: Tự khắc chúng sẽ biết những gì cần làm.
 
Bạn có biết, ở nước đang phát triển như nước ta, tuổi dậy thì ngày càng đến sớm, do vậy, việc cung cấp những kiến thức cần thiết ngay từ khi trẻ mới học cấp một không có gì thừa cả. Còn hơn là bạn để chúng tự mày mò tìm hiểu. 
 
Giai đoạn chuẩn bị
 

Hệ thống những kiến thức sơ đẳng để hướng dẫn giới tính cho con không phải việc dễ dàng. Nhất thiết bạn phải là người mẹ hiện đại, luôn sẵn sàng chia sẻ những thắc mắc, gần gũi với con cái mới mong có hiệu quả cao. Một trong những phương pháp ấy là: người mẹ hết sức tế nhị và tâm lý. 
 
Ở độ tuổi từ 7 đến 11, cơ thể và môi trường xung quanh trẻ đầy những chuyển biến. Thế nên, một số bà mẹ hay mắng mỏ con cái mỗi khi nghe chúng bàn luận hoặc nói về giới tính với nhau chắc chắn chỉ khiến chúng xa cách và không tin tưởng chính phụ huynh mình. Thực tế cho thấy, có đến 60% bà mẹ được hỏi đều quát lại con: “Ai cho mày ăn nói thế hả? Học hành không lo, chỉ ăn nói bậy bạ thôi.” Bằng cách này, xem như bạn vĩnh viễn đánh dấu chấm hết cho những cuộc chuyện trò về giới tính với con. 
 
Trở lại câu hỏi đầu tiên của con ở trên. Lời khuyên dành cho các bà mẹ sẽ là: Thật tỉnh táo. Bởi phản ứng quyết liệt và hung tợn của bạn chính là cái kéo cắt đứt sự tin tưởng của bọn trẻ vào cha mẹ. Nếu đã đủ kiến thức và sẵn sàng cho câu hỏi đầu tiên của con, thì bạn nên bắt đầu công đoạn: trò chuyện về giới tính. Hoặc nếu chưa sẵn sàng, bạn có thể hết sức nhẹ nhàng kiểu như: “À, con đã bắt đầu lớn rồi đấy, mẹ và con có lẽ phải có một buổi nói chuyện với nhau…” 
 
Thời điểm thích hợp
 

Khi bé bắt đầu hỏi bạn những câu hỏi về giới tính mà bạn rất e ngại, đó chính là lúc bạn phải nói chuyện với trẻ một cách nghiêm túc và bài bản. 
 
Ở độ tuổi này, bạn cũng phải biết được giới hạn của buổi nói chuyện nằm ở đâu. Không phải câu hỏi chi tiết nào của trẻ cũng được trả lời cặn kẽ. Bởi một câu trả lời quá chi tiết chỉ càng khiến trẻ thêm hoang mang. Ví dụ, tùy vào độ tuổi của trẻ mà bạn giải thích nhiều hay ít về cơ quan sinh sản, nơi cấu thành em bé. Trẻ phải trên 10 tuổi mới có thể hiểu được những khái niệm về sự thụ tinh hoặc sự phát triển của các cơ quan “nhạy cảm”.
 
 Lưu ý:
 Ở độ tuổi từ 7 đến 12, khi trẻ đã hết sức đọc thông viết thạo thì giá sách của bố mẹ là món ăn béo bở nhất mà chúng vớ được. Trẻ sẽ đọc ngấu nghiến tất cả những tập sách dày mỏng, miễn là có chữ . 
 
Theo các chuyên gia về giới tính: Những quyển sách tình cảm người lớn luôn kích thích trí óc khám phá của trẻ con. Ngôn từ tưởng như vô hại ở các tiểu thuyết tình cảm lại rất có ảnh hưởng đến tâm trí cũng như những hành động của chúng trong cuộc sống. Việc cấm đoán trẻ con đọc những quyển sách người lớn là hết sức khó khăn bởi giai đoạn biết đọc chính là giai đoạn khám phá thú vị nhất đối với bọn trẻ. Chúng sẽ đọc bằng sạch tất cả những gì có chữ trên ấy. Nghiên cứu cho thấy, việc cấm đoán càng kích thích tính tò mò tìm hiểu khiến trẻ có nhiều thủ thuật tinh vi hơn trong việc trốn phụ huynh để đọc sách. Điều này còn gây thêm một cái hại nữa cho trẻ: cận thị. Do việc giấu giếm, chui rúc vào những nơi không đủ ánh sáng, mắt trẻ sẽ dễ dàng bị tổn hại. Hậu quả là các căn bệnh về mắt sẽ phát sinh. Để giải quyết vấn đề nan giải này, cách tốt nhất là lập một giá sách cho trẻ với nhiều chủng loại phù hợp với độ tuổi và trình độ. Giá sách càng phong phú, càng thỏa mãn được việc đọc cho trẻ thì việc trẻ phải tìm thêm sách người lớn để đọc ít xảy ra hơn. 
 
Càng soi mói, kiểm tra gắt gao thời gian biểu, lục lọi tập sách đồ đạc trẻ càng khiến trẻ xa lánh cha mẹ. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng còn quá bé để tự lập và tự trọng. Tôn trọng tính riêng tư của trẻ ngay từ nhỏ thực tế càng khiến bạn gần gũi, đáng tin cậy hơn trong mắt chúng. 
 
Tóm lại, nếu biết thiết lập sự cởi mở giữa phụ huynh và con cái ngay từ bây giờ. Bạn sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho chúng, làm cho chúng luôn tìm đến bạn khi có thể thay vì phải tìm đến bất kỳ ai khác. 
 
(Quỳnh Vũ – theo Parents)


From the same category