Giang Trang: “Nguyệt hạ” biểu thị cảm giác về đời sống của nhạc Trịnh

Nữ nghệ sỹ Giang Trang (Ảnh: Hữu Đức/Vietnam+)

Khởi đầu từ “Lênh đênh nhớ phố” đến “Hạ Huyền”; “Chiều qua vẫn qua” hay cả “Nguyệt hạ” – đêm nhạc ngày 17/7 tới đây tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội – thì đó vẫn là cuộc đời đầy thi hứng của Giang Trang bên cạnh những hạnh ngộ trong nghệ thuật của chị.
“Nguyệt hạ” hướng đến thể nghiệm không gian sân khấu sắp đặt, nhuốm màu thị giác trong tưởng tượng của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh, vẻ là sự trở lại với nhạc Trịnh Công Sơn nhiều hơn một cách trong tiếng hát Giang Trang, trên nền âm nhạc flute (sáo tây) của Lê Thư Hương và tiếng guitar cổ điển của nữ nghệ sỹ Lê Thu.

“Nhạc Trịnh có nhiều khuôn hình đẹp”

– Trong hai concept album“Hạ huyền” chị đã thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn theo hai phong cách lần lượt là thính phòng và acoustic. Phải chăng, với “Nguyệt hạ” chị muốn trở lại nhạc Trịnh Công Sơn trong không gian cổ điển khi kết hợp với sáo tây và guitar cổ điển? 
Giang Trang: Cảm ơn bạn đã theo dõi những cuộc chơi của mình và những người bạn. “Hạ huyền” có thể gọi là một cuộc chơi dài hơi của mình đối với nhạc Trịnh Công Sơn. Giữa hai concept ambul “Hạ huyền” mình cũng có làm một đêm nhạc là “Chiều qua vẫn qua.” Và đây là một đêm nhạc không để ra CD, nhưng để mình thể nghiệm hiệu ứng live những ý tưởng mà sau này được đưa vào các dự án chính thức.
Ví dụ, tiếng đàn tranh trong “Chiều qua vẫn qua” đã được mình đưa vào “Hạ huyền 2” đối thoại với flute và guitar. Cũng như vậy, có thể xem “Nguyệt hạ” vừa là cuộc chơi ngẫu hứng với những người bạn trong âm nhạc, vừa là một thể nghiệm hướng đến không gian thưởng thức Trịnh Công Sơn khác.
Mình nghĩ rồi cũng sẽ có cuộc chơi với “Hạ huyền 3.” Nhưng xuất hiện khi nào và ra sao thì mình vẫn đang còn suy nghĩ, chờ “duyên”.

– Vì vậy là đêm nhạc tới đây được chị gọi tên là “Nguyệt hạ” thay vì “Hạ huyền 3”? 

Giang Trang đã đi được vệt dài trong con đường tìm tòi, sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giang Trang: “Nguyệt hạ” gợi nhớ tới hình ảnh ánh trăng – một trong những hình ảnh, theo mình, mang tinh thần nhạc Trịnh Công Sơn. Có thể hiểu “Nguyệt hạ” là một “trăng” chìm hơn so với “Hạ huyền.” Cá nhân mình thích những cái tên gọi mang tính gợi hình, mang chất Á Đông. “Nguyệt hạ” hay “Hạ huyền” thì đều là sự tưởng tượng, và gọi tên mang tính chất cá nhân. Bởi khi chưa có Giang Trang thì âm nhạc Trịnh Công Sơn đã rất lớn mạnh trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, và mình chỉ là một người khám phá mà thôi. 

– Hai người bạn của chị – Lê Thư Hương và Lê Thu, họ có hiểu nhạc Trịnh giống cách chị hiểu nhạc Trịnh không?

Giang Trang: Nguyệt hạ” là một cuộc chơi ngẫu hứng và cả hạnh ngộ. Nói như thế, bởi, thời gian này hai người bạn của mình là nghệ sỹ Lê Thu và Lê Thư Hương đều từ nước ngoài trở về Hà Nội. Trong đó, Lê Thư Hương – một người chơi flute, từng đóng vai trò lớn trong “Nguyệt hạ 2.”
Mình nghĩ là những nghệ sỹ khi chơi nhạc cùng nhau, mến mộ nhau ngoài thẩm mỹ chung còn với tinh hoa cá nhân. Đó là lý do mà mình không muốn những người bạn của mình phải hiểu nhạc Trịnh như cách hiểu của mình. Đối với mình, nhạc Trịnh rất giản dị. Đó là một thứ âm nhạc đặc biệt – thứ âm nhạc có ý, có lời và có hình vẽ. Cái quan trọng nhất mà mình thấy là Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ rất tài năng, đã cảm nhận mọi xúc cảm của đời sống và đưa nó vào ca khúc.
Cái quan trọng nhất mà mình cần ở những người bạn có thể hỗ trợ cho mình là những nghệ sỹ có thể cảm nhận sâu sắc về nhạc Trịnh, theo cách của chính họ. Mình tin rằng những nghệ sỹ có sự tinh tế, và rung cảm trong tâm hồn yêu nhạc, yêu cuộc sống, khi chơi nhạc thì sẽ có một sự đồng vọng.

– Trong đêm “Nguyệt hạ” tới, bên cạnh phần âm thanh, nhạc Trịnh sẽ mang đến một không gian sắp đặt, có hiệu ứng thị giác bởi bàn tay dàn dựng của Nguyễn Phi Phi Anh. Sau cuộc chơi dài với nhạc Trịnh Công Sơn, đến “Nguyệt hạ” chị nghĩ rằng, nhạc Trịnh không chỉ để nghe, mà có thể nhìn, để diễn nhiều hơn trên sân khấu?

Giang Trang trong cuộc chơi sau concept album ‘Hạ huyền.’ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giang Trang: Đó đã là một cảm nhận của mình, từ lâu nay. Nhạc Trịnh Công Sơn rất đặc biệt, luôn đưa đến cho mình những dung tưởng, những viễn cảnh, và tầm nhìn. Khi thực hiện concept “Hạ huyền” (2012) với nhạc sỹ phối khí Nguyễn Văn Tuấn, mình đã cho rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn có rất nhiều khuôn hình đẹp. Đó là một thế giới cho chúng ta nhiều sự cảm nhận, tưởng tượng về hình. Hãy đừng nghĩ rằng ca khúc Trịnh Công Sơn chỉ giới hạn ở ca từ hay âm nhạc; một điều quan trọng hơn là khi bạn đắm chìm trong thế giới âm nhạc của ông, bạn sẽ thấy nhiều khuôn hình đẹp của cuộc sống.
Thậm chí, tiếng hát còn được ẩn đi hoặc nếu không có giọng hát thì vẫn mang lại một không gian dành riêng cho tứ tấu, một không gian tưởng tượng trên nền giai điệu và hình ảnh. Và cứ thế mình chơi dần, việc gặp được những người có cùng suy nghĩ, cảm nhận nhạc Trịnh Công Sơn khiến mình tin tưởng, chia sẻ nhiều hơn.
Trong cuộc chơi “Nguyệt hạ” lần này, mình đã gặp được một nhân tố mới – một người trẻ tuổi, tài năng. Đó là Nguyễn Phi Phi Anh [đạo diễn của “Đêm hè sau cuối” – PV] hiện nay đã tốt nghiệp ở Mỹ. Chúng mình gặp nhau rất tình cờ, từ hồi năm 2012; bạn Phi Anh có nói là rất thích không khí trong âm nhạc của “Hạ huyền.” Và lần này, khi bạn ấy trở lại Hà Nội để hoạt động nghệ thuật đã đưa đến hạnh ngộ để cùng thực hiện ý tưởng nhỏ bé và khiêm tốn của mình.

Chúng mình không nghĩ đó sẽ là một tuyên bố về “hiệu ứng thị giác.” Sẽ đúng hơn là thể nghiệm nho nhỏ, hướng người nghe cảm nhận nhạc Trịnh trong một không gian tối giản về hình, nhưng qua đó thể hiện sự lớn mạnh của thứ nhạc này. Mình rất tin vào sự cảm nhận của Phi Anh.

Đưa nhạc Trịnh về với đời thường

– Giang Trang khắc sâu ấn tượng vào khán giả bởi sự lặng lễ, tối giản. Sự tối giản của chị hiển hiện trong dáng ngồi hiu quạnh, dáng đứng cô liêu trên sân khấu. Liệu cách tiếp cận mới của “Nguyệt hạ” có “làm khó” chị không?
Giang Trang: (Cười) Rất cảm ơn cảm nhận tinh tế của bạn. Đúng là rất khó cho mình lần này. Bạn biết đấy, diễn là sở đoạn của mình. Trong một giờ đồng hồ trên sân khấu, làm sao để Giang Trang đi tìm một con người đời thường trên sân khấu. Đó sẽ là chân dung đời thường, một ngày bình thường của Trang trong không gian nhạc Trịnh Công Sơn. Quả thật rất khó. Phi Phi Anh thực sự là một người rất thông minh, mình tin bạn ấy sẽ mang đến cho mình một không gian sân khấu tối giản, gần gũi và thư giãn nhất. 
Mình nghĩ rằng, âm nhạc là sự chìm sâu về tâm hồn. Khi chúng ta bước vào không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn và âm nhạc của Trịnh Công Sơn, có một điểm rất lạ là nó luôn luôn cho cả người nghe và người thể hiện một cái cảm giác mới mẻ. Với mình, không một cuộc chơi Trịnh Công Sơn nào mà giống cuộc chơi Trịnh Công Sơn nào.
Nó không phải là cảm giác vĩnh hằng mà nó là cái cảm giác, tâm thế của bạn trong không gian tại cái thời điểm hiện tại đó để nhạc Trịnh Công Sơn vừa vặn, nói hộ cho bạn những cảm nhận. Trịnh Công Sơn là nhà tư tưởng lớn bởi có quan điểm sống của một người bình thường – bình thường hóa tất cả những quan niệm trong đời sống, nhưng cái sự bình thường đơn giản đó lại đem lại sự vĩ đại.

Trưởng thành từ phong trào sinh viên hát nhạc Trịnh ở quán nhạc Tranh, Giang Trang được ghi nhận là tiếng hát khởi lộ ‘vùng trời khác’ trong nhạc Trịnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

– Chị đã bao giờ nghĩ là sẽ kết hợp với những giọng hát khác để mang tới những đêm nhạc Trịnh?

Giang Trang: Thực ra trong nhiều cuộc chơi tình cờ, việc này cũng diễn ra rồi. Nhưng đó không phải là những cuộc chơi nơi mình đứng ra chia sẻ ý tưởng ngay từ đầu. Mình cũng đã có những lần đứng chung sân khấu với những nghệ sỹ đã rất thành danh.
Cuộc chơi nào thì cũng đem lại cho mình những kỷ niệm và những hiểu biết nhất định hơn về không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn.

– Chị có nghĩ là chị có thể hát một dòng nhạc nào khác, của một nhạc sỹ khác không?

Giang Trang: Mình nghĩ nếu một người thực sự được khán giả yêu mến cái vị trí của một người ca sỹ thì họ sẽ thành công với nhiều tác giả. Điều này chúng ta cũng đã thấy trong lịch sử âm nhạc; có những danh ca dù chỉ gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn nhưng cũng biểu thị rất tốt không gian âm nhạc của những nhạc sỹ khác.

Bản thân mình, âm nhạc là một cuộc dạo chơi và mình cũng không nghĩ rằng mình không hát tốt một số ca khúc của nhạc sỹ khác. Nhưng trong số những chân dung của âm nhạc Việt Nam thì mình thấy thú vị nhiều hơn đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Vả lại, không gian và thời gian chơi nhạc trong cuộc sống của mình không có nhiều. Chính vì thế mình rất muốn đi tới, đi hết cái tình cảm của mình đối với riêng Trịnh Công Sơn.

– Rõ ràng, sau một vệt dài tìm tòi, thể nghiệm với tư duy chơi nhạc Trịnh Công Sơn, Giang Trang dần được ghi nhận là “người-hát-nhạc Trịnh Công Sơn” của thời đại mới. Chị có nghĩ đó chính là sứ mệnh con đường nghệ thuật của mình?

Giang Trang: Mình nghĩ, hợp với mình nhất, là giống như tất cả công chúng yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn. Việc tìm tòi hay sáng tạo âm nhạc của ông chỉ là một phương cách biểu đạt. Điều mình muốn làm tới hơn nữa cảm giác về đời sống của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Như mình nói, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã rất lớn mạnh trước khi có thêm một người. 
Điều mình thực sự mong muốn là trên con đường chơi nhạc sẽ được gặp gỡ những tâm hồn đồng vọng, từ đó kết nối những tâm hồn yêu nhạc Trịnh Công Sơn để khám phá âm nhạc của ông.

Có thể, cách biểu thị âm nhạc của mình sẽ được thích hoặc không thích, được ghi nhận hoặc chối bỏ, nhưng mục đích mình và các cộng sự đặt ra đó là tinh thần chơi nhạc, tìm tòi, hiểu biết nhiều hơn khuôn mặt Công Sơn là ai trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Lúc nào tôi cũng có cảm giác, sẽ còn rất lâu nữa, phải sống nhiều năm tháng nữa, chúng mới mới hiểu hết chân dung Trịnh Công Sơn là ai? Một nhân vật đã tạo dựng được phong cách cá nhân, một văn hóa Trịnh Công Sơn.
Theo VietnamPlus

From the same category