Rốt cuộc, không ai biết chính xác khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Giãn cách xã hội là phương pháp hiệu quả để làm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, dù đã trải qua bao nhiêu lần thực hiện giãn cách xã hội chăng nữa, sức khỏe tâm thần của chúng ta vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài nếu không biết cách khắc phục kịp thời.
Khi nói đến COVID và sức khỏe tâm thần, điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là virus có thể ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta theo những cách khác trong thời gian dài. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, M.D. cho biết: “Với bất kỳ bệnh thể chất hoặc virus nào thì chúng luôn có mối liên hệ với sức khỏe tâm thần. Và COVID-19 cũng không ngoại lệ. Chỉ riêng việc phải cách ly cũng có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm, chứ chưa nói đến được chẩn đoán dương tính sẽ gây ra những căng thẳng và đau khổ nhiều như thế nào”.
Giãn cách xã là việc giữ khoảng cách thể chất giữa bạn và những người khác – điều mà các cơ quan y tế thường khuyến nghị làm để giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự lây lan của một căn bệnh rất dễ lây lan. Tức là bạn không góp mặt tại các môi trường tụ tập đông người và duy trì khoảng cách (tối thiểu 2 mét) với người khác. Tuy không phải “cách ly” hay “cô lập” một mình một cõi, nhưng việc giãn cách xã hội vẫn tác động đến tâm lý và tinh thần của chúng ta.
Trước hết, giãn cách xã hội có thể có một số tác động tiêu cực. Dù chúng ta là một xã hội có đầy đủ sự hỗ trợ của công nghệ để kết nối với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn có nhu cầu cao trong tương tác vật lý (giữa người với người) nên không thể tránh được cảm giác cô đơn. Điều này lý giải vì sao, sau khi giải trí bằng các bộ phim hay show thực tế hài hước, bạn vẫn đọng lại một chút cảm giác cô đơn và trống rỗng vào cuối ngày.
Bên cạnh đó, giãn cách xã hội cũng có thể khiến mọi người dễ tự cô lập mình hơn và điều này có thể tạo ra nhiều vấn đề. Khi con người rơi vào tình huống này, cảm giác lo lắng về COVID-19 của họ có thể đột nhiên tăng lên. Trong quãng thời gian làm việc tại nhà, nghỉ học ở nhà, hoặc tự cách ly trong phòng, cảm giác buồn bã, thất vọng hoặc tức giận sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn vì hoạt động thể chất bị giảm. Thế nên, chúng ta được khuyên là cần duy trì thói quen tập luyện thể dục để tiếp thêm năng lượng tích cực.
Giai đoạn này thực sự khó khăn với người cao tuổi, những người đã nằm trong nhóm người có nguy cơ cao nhiễm virus và nếu mắc bệnh, thì tình trạng bệnh cũng dễ trở nặng vì có nhiều bệnh nền. Họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những tác động tiêu cực của giãn cách xã hội vì thường mong mỏi các thành viên trong gia đình và bạn bè đến thăm. Trong lúc này, bạn nên dành thời gian cố định trong ngày để gọi điện cho ông bà, những cuộc trò chuyện có thể xua tan nỗi bất an và cô đơn của họ.
1. Tận dụng cơ hội này để điều chỉnh sức khỏe bằng cách tập trung nhiều hơn vào chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, rèn luyện nhiều hơn bình thường.
2. Lựa chọn những trang tin chính thống để cập nhật tình hình dịch bệnh và giới hạn thời gian sử dụng điện thoại để làm giảm sự bất an, hoảng loạn.
3. Duy trì liên lạc với các mối quan hệ thân thiết giúp hạn chế cảm giác bị cô lập.
4. Tận hưởng những tiện nghi đơn giản về thể chất, chẳng hạn như tắm nước nóng, nhâm nhi đồ uống nóng, hoặc quấn mình trong chăn có thể làm giảm cảm giác cô đơn.
5. Hãy nhớ rằng bạn đang “an toàn khi ở nhà”, chứ không phải “bị mắc kẹt ở nhà”, suy nghĩ này tác động sâu sắc đến cảm giác tự chủ và làm giảm sự bất lực và nỗi sợ hãi.