Giảm trí nhớ - làm gì để cải thiện? - Tạp chí Đẹp

Giảm trí nhớ – làm gì để cải thiện?

Sức Khỏe

Nhiều người lớn tuổi than phiền rằng họ mau quên. Họ lo lắng rằng tình trạng này sẽ dẫn tới trí nhớ giảm dần rồi mất trí nhớ và sa sút trí tuệ. Điều này cũng có thể xảy ra nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu cố gắng cải thiện.

Giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi chủ yếu là giảm về trí nhớ trong công việc. Nó bao gồm sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài. Nguyên nhân là do số lượng tế bào não và lượng chất dẫn truyền thần kinh suy giảm. Chúng bắt đầu giảm dần khi ta được 20 tuổi và khi tuổi càng lớn, sự suy giảm càng nhiều hơn. Bạn có thể nghĩ khá lâu mới nhớ được tên một người bạn, quên nay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, không nhớ mình đã làm việc đó chưa, quên tên của khách hàng mình mới gặp hôm qua… nhưng ở một thời điểm khác bạn có thể nhớ lại. Cảm giác không nhớ được thật là khó chịu.

Người thân sẽ cho rằng bạn là người lề mề, chậm chạp. Cũng có những người chỉ cần nhìn vào một trang sách là nhớ vĩnh viễn những gì in lên đó và chẳng bao giờ quên, ngay cả những chi tiết nhỏ. Người có trí nhớ chính xác như chụp hình như thế này rất hiếm. Phần lớn đều phải dựa vào các phương pháp trợ giúp trí nhớ. Điều đáng mừng là bất cứ ai cũng có thể cải thiện trí nhớ của mình. Chúng ta đều có thể đạt được khả năng nhớ một khối thông tin lớn nhờ vào quyết tâm rèn luyện và sự kiên nhẫn.

 

Dưới đây là những chỉ dẫn giúp các bạn đạt được kết quả như trên, bạn có thể duy trì trí nhớ minh mẫn theo 9 hoạt động sau:

1. Rèn luyện trí óc

Cách rèn luyện là luôn học tập những kỹ năng mới, ví dụ như:

– Chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích.

– Tạo thú vui mới như trồng cây, chạy xe đạp, vẽ tranh, cắm hoa…

– Tình nguyện làm các công việc xã hội.

– Đọc sách, báo, xem tivi để theo dõi tình hình trên thế giới và trong nước

2. Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục làm máu lưu thông lên não tốt hơn, giúp làm chậm quá trình lão hóa các giác quan. Làm cho giác quan tiếp nhận các thông tin nhanh hơn và não lưu giữ thông tin lâu hơn. Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày còn giúp chống stress và chống các bệnh lý gây giảm trí nhớ.

3. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh

Nên ăn xanh, ăn sạch. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau cải. Đây là thức ăn chứa nhiều chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào não. Hạn chế chất béo và tránh ăn khuya.

4, Không uống rượu

Người nghiện rượu lâu năm sẽ bị tổn thương não do thiếu dinh dưỡng, có nguy cơ cao bị giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ.

 

5. Chống stress

Khi bị stress, não sẽ phóng thích ra các nội tiết có thể gây tổn thương não. Stress kéo dài có thể làm bạn lo âu và trầm cảm, đây là một bệnh lý thường gây giảm trí nhớ. Hãy nghỉ vài phút khi thấy quá căng thẳng, hít vào sâu và thư giãn. Nếu thấy căng thẳng kéo dài, hãy đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc, đặt ra mục tiêu cụ thể và đúng mức cho mỗi ngày, và thậm chí phải cắt bỏ bớt công việc.

6. Bảo vệ đầu của bạn

Chấn thương đầu có thể gây tụ máu trong não hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Hãy bảo vệ đầu bạn khi chơi thể thao và đặc biệt phải đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy.

7. Ngưng hút thuốc

Tên bạn sẽ được thêm vào danh sách người mất trí nhớ nếu bạn còn hút thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị Alzheimer gấp 2 lần người không hút thuốc. Hãy dừng hút thuốc lại.

8. Tổ chức công việc khoa học

Bạn hãy tập thói quen tổ chức công việc khoa học để có thể tập trung tốt hơn khi tiếp nhận thông tin mới. Bạn hãy thử các phương pháp sau:

– Dụng cụ cá nhân cần thiết như chìa khóa, mắt kính… phải được đặt ở đúng một nơi trong nhà

– Sử dụng phương tiện nhắc nhở như sổ lịch hẹn, điện thoại hẹn nhắc nhở, danh bạ điện thoại có từ mục dễ tra cứu.

– Liệt kê công việc cụ thể và đếm tổng số công việc cần làm, ghi vào sổ ghi nhớ.

9. Tăng cường sự tập trung

Khi bạn tập trung tốt và tập luyện để sự tập trung trở thành thói quen, trí nhớ sẽ trở lại với bạn. Phương pháp tập luyện gồm 4 bước: Quan sát – Liên kết – Học thầm – Nhớ lại. Ví dụ, bạn đặt chìa khóa xuống, bạn hãy quan sát động tác mình làm, quan sát vị trí chìa khóa nằm trên bàn và liên kết chìa khóa với một vật dụng dễ nhớ đã có sẵn trên bàn như bình hòa, đèn bàn… đồng thời bạn hãy đọc thầm nhiều lần “chìa khóa để cạnh bình hoa”. Như thế, khi bạn cần tìm chìa khóa, trong đầu bạn sẽ xuất hiện lại hình ảnh những vật dụng bạn đã quan sát, câu nói bạn đã thầm đọc và cuối cùng nó sẽ liên kết với chìa khóa bạn đang tìm.

Theo Bác sĩ Gia đình

Thực hiện: depweb

07/03/2013, 15:20