Không chỉ hoàn thiện bối cảnh cuối thế kỷ 20 của “Thanh Sói” – bộ phim hành động vừa chính thức được phát hành toàn cầu trên Netflix, thời trang còn đóng vai trò quan trọng trong việc lột tả thế giới nội tâm của các nhân vật. Qua đó, Giám đốc Sáng tạo Lê Đức Hiệp thỏa sức cài cắm nhiều dụng ý sáng tạo thú vị vào các tiểu tiết trên trang phục. Cùng Đẹp trò chuyện với Lê Đức Hiệp – người đã tạo nên những tạo hình đầy “iconic” cho các nhân vật trong “Thanh Sói”.
Chào Giám đốc Sáng tạo Lê Đức Hiệp! “Thanh Sói” là dự án phim hành động tâm lý hạng nặng bậc nhất màn ảnh Việt, điều gì thôi thúc anh đảm nhận vai trò sáng tạo hình ảnh cho các nhân vật trong phim?
Còn nhớ sau khi làm xong phim “Cô Ba Sài Gòn”, tôi nói với chị Vân (đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân – PV) là không muốn làm phim nữa vì… cực quá! Nhưng chẳng hiểu sao, về sau, tôi lại nhớ những ngày on set cùng mọi người, những ngày cực gần chết nhưng cũng vui muốn chết (cười). Thế nên khi chị Vân ngỏ lời mời tham gia dự án “Thanh Sói”, tôi bắt tay vào làm luôn. Ngoài ra, thập niên 90 cũng là một kỷ niệm khó quên đối với cá nhân tôi. Làm phim trong bối cảnh này như đưa tôi trở về với tuổi thơ vậy!
Đặt trong bối cảnh cuối thế kỷ 20, phong cách ăn mặc thời đó mang hơi hướng Retro điệu đà, có phần sến; vậy anh đã làm thế nào để các “đả nữ” vừa thể hiện được cá tính riêng lại bộc lộ được bản lĩnh đanh thép, mạnh mẽ qua trang phục?
Thật ra, sến không phải là điều mà tôi e ngại vì các nhân vật trong phim đều thuộc tầng lớp bình dân, thậm chí là dưới đáy xã hội, nên cách họ ăn mặc cũng rất đơn giản. Ngoài ra, các cô gái này còn là những người có tính cách mạnh mẽ. Điều mà tôi lo nhất là tái hiện thời trang vào đúng thời kỳ, đúng tính cách nhân vật và lựa chọn những xu hướng của những năm 1998 – 2000 mà có thể thu hút các bạn trẻ thời nay.
Lựa chọn phong cách và trang phục cho các nhân vật trong “Thanh Sói” có khác biệt gì so với các dự án trước đây của anh không?
Có chứ! Thứ nhất, thời trang thập niên 90 đã là một sự khác biệt hoàn toàn rồi. Thứ hai, đây là phim hành động nên phục trang đều phải khác với những bộ phim trước. Bởi các thiết kế trang phục trong phim không chỉ đẹp mắt mà còn phải mang lại cảm giác thoải mái để các diễn viên thể hiện những phân cảnh rượt đuổi và đánh đấm.
Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình lên ý tưởng trang phục cho các nhân vật diễn ra như thế nào không?
Đầu tiên, tôi nhận đề cương từ phía chị Vân với các phác thảo sơ về nhân vật, chẳng hạn như: một cô gái thích xe, mê tốc độ, ăn mặc bụi bặm… Dựa trên những gạch đầu dòng gợi ý, tôi nghiên cứu và tìm hiểu những người có phong cách tương tự vào thời điểm đó để lấy cảm hứng. Sau đó, tôi làm bảng moodboard (bảng trình bày ý tưởng – PV) đầy đủ từ đầu tóc, quần áo, giày dép tới hình xăm, đồ dùng cho mỗi nhân vật trước khi trình bày với chị Vân. Trải qua nhiều cuộc họp trong vòng 1 – 2 tháng, tất cả mọi người, kể cả chị Vân, nhà sản xuất và các diễn viên đều tham gia vào xây dựng ý tưởng. Đến khi thống nhất ý kiến với nhau xong thì chuyển sang giai đoạn chọn vải.
Một điều đặc biệt khi chọn màu vải và chất liệu cho bộ phim này là phải đáp ứng điều kiện xuất hiện nổi bật dưới ánh đèn màu đỏ và xanh (đây là hai tông màu chủ đạo của phim). Trước khi quay, tôi mang trang phục cho các diễn viên thử dưới hai loại đèn màu đó. Chọn đồ xong thì bắt đầu may mẫu. Nhiều công đoạn chỉnh sửa diễn ra suốt 4 – 5 tháng mới được cái tạm gọi là “có hình hài” và cho diễn viên mặc lên để thử máy. Sau đó tiếp tục chỉnh sửa phục trang cho đến ngày bấm máy.
Mỗi nhân vật trong “Thanh Sói” đều mang một câu chuyện, một cá tính và thế giới nội tâm riêng; tôi võ đoán anh đã gặp không ít khó khăn trong quá trình lên ý tưởng phục trang?
Rất nhiều là đằng khác (cười)! Phim có 3 nữ chính và thêm 4 bạn nam phụ nữa. Xây dựng hình tượng cho họ không bị trùng lặp không phải chuyện dễ. Bụi bặm, mạnh mẽ thì phải theo 3 kiểu khác nhau, giang hồ cũng phải ra 4 kiểu riêng biệt. Cái khó là làm sao phân biệt được 3 cái cô nữ. Tôi vẽ ra cho họ mỗi người một kiểu. Ví dụ, hình tượng của Tóc Tiên như biker cá tính. Còn Hồng của Thanh Vy là cô candy-girl nhí nhảnh, diện trang phục màu sắc sặc sỡ hơn. Họ là những cô gái nghèo nên chất đường phố dừng lại ở trang phục tự may là chính.
Anh có nguồn cảm hứng nào cụ thể để phác họa chân dung của các nhân vật không?
Có chứ! Hầu hết các nhân vật trong “Thanh Sói” đều được lấy cảm hứng từ một hình mẫu cụ thể. Chẳng hạn, vai Bi của Đồng Ánh Quỳnh lấy cảm hứng từ nữ ca sĩ Phương Thanh. Vai của Tóc Tiên thì kiểu tóc giống Vương Phi. Trong khi Hồng (Rima Thanh Vy) thể hiện cá tính tinh nghịch, tự do của Baby Spice chứ không phải Harley Quinn như mọi người lầm tưởng. Anh Đan Trường là hình mẫu lý tưởng cho nhân vật của Song Luân. Còn cảm hứng hình tượng của chị Ngô Thanh Vân là Mai Diễm Phương. Trong khi đó, vai của Thuận Nguyễn thì không có hình tượng nào nhất định. Nhưng phong cách ăn mặc của nhân vật này hơi giống kiểu của ca sĩ Ngọc Sơn ngày xưa.
Nói về Bi (Đồng Ánh Quỳnh), đây là nhân vật không thích ăn diện, và chỉ sở hữu một bộ đồ đặc trưng trong các phân cảnh chiến đấu. Tại sao lại có sự khác biệt này?
Tất cả đều là ý đồ của Ngô Thanh Vân nhằm gây ấn tượng mạnh cho khán giả về Bi. Chị Vân có một từ rất hay dùng khi đưa đề bài là “iconic”. Tức là các nhân vật trong phim của chị phải độc đáo, tạo hình dễ nhận diện như một biểu tượng. Ban đầu, vai diễn bất cần và lì lợm của Đồng Ánh Quỳnh được xây dựng hình tượng “bụi đời hè phố” diện trang phục denim. Nhưng chị Vân muốn nhân vật của Ánh Quỳnh phải dễ nhận diện hơn nữa nên ý tưởng để cô mặc một bộ đồ từ đầu đến cuối phim được “chốt”. Lúc này, thử thách đặt ra cho tôi là: một bộ trang phục “khắc cốt ghi tâm” thì đó sẽ là gì. Thế là tôi “lục tung” tất cả xu hướng của năm đó, tự tưởng tượng mình là Bi thì sẽ chọn mặc gì. Suy đi tính lại thì mọi người quyết định chọn bộ đồ thể thao – xu hướng rất thịnh hành thời đó.
Bộ tracksuit màu hồng nên khi diễn dưới đèn xanh, đèn đỏ dễ bị chìm. Vì thế, tôi cài cắm thêm họa tiết cho chiếc áo để làm cho nhân vật nổi bật lên. Bộ trang phục còn hay ở chỗ Bi luôn có hành động kéo khóa áo lên, ngụ ý cô không mở lòng với bất cứ ai, tự “nhốt” mình vào thế giới riêng.
Khác với hình tượng trước đó của Ngô Thanh Vân trong “Hai Phượng”, anh xây dựng nhân vật dì Lin trong “Thanh Sói” như thế nào?
Xây dựng hình tượng cho nhân vật của chị Vân có cái khó là: chị như là người có hai cuộc sống vậy. Một mặt là dì Lin hiền từ đối với ba cô gái, mặt khác là bà trùm ác liệt. Nhiệm vụ của tôi là phải làm cho cả hai mặt đều đẹp. Đầu tiên là chọn kiểu tóc. Từ những kiểu tóc dài, ngắn đến xoăn, thẳng, cuối cùng, tôi thấy kiểu tóc của Mai Diễm Phương là phù hợp nhất. Chị Vân ở mặt hiền từ rất đơn giản, chỉ cần chọn quần áo sao cho màu sắc hài hòa với ba cô gái còn lại. Còn bộ đồ cuối cùng thì phải thử rất nhiều phong cách để chị thể hiện được uy quyền. Ekip quyết định chọn nhung bởi đây là chất liệu “ẩn mình”. Dưới ánh sáng, nhung lấp lánh nhưng cũng rất lì, tùy từng góc sẽ thấy chất liệu này phản sáng hay hút sáng. Khoác lên chiếc áo nhung đánh dấu sự trở mặt không lường trước của người phụ nữ hiền từ hóa “đả nữ” gai góc của dì Lin.
Nếu tự chấm điểm phục trang cho phim sau khi ra mắt, anh chấm bao nhiêu điểm?
Việc chấm điểm bao nhiêu thì dành cho giới phê bình và khán giả. Tự mình chấm thì kì lắm (cười)! Nhìn lại những gì đã làm cho “Thanh Sói”, tôi thấy “đã” và “tự hào”. “Đã” vì tôi đã được chơi hết mình với các nhân vật. “Tự hào” vì tôi nhận được những lời khen của mọi người, những lời cảm ơn của diễn viên với bộ quần áo, đầu tóc đã giúp họ hóa thân vào vai diễn tốt hơn.
Anh nhận được gì sau hành trình dài cùng “Thanh Sói”?
Đóng máy, tôi học được từ chị Vân một điều mà đó sẽ là tiêu chí cho tất cả các dự án sau này của mình là: “Hãy tạo ra những nhân vật thật ‘iconic’ (mang tính biểu tượng – PV)!”
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!