Giám đốc sáng tạo Daniel Lee: Tham vọng thống lĩnh làng mốt bằng thẩm mỹ cổ điển Anh - Tạp chí Đẹp

Giám đốc sáng tạo Daniel Lee: Tham vọng thống lĩnh làng mốt bằng thẩm mỹ cổ điển Anh

Thời Trang

Để trẻ hóa các giá trị thẩm mỹ lâu đời, các nhà thiết kế thường mượn những chi tiết hoặc kỹ thuật may đo hiện đại làm điểm nhấn trên các tạo tác thời trang cổ điển. Thế nhưng khi tiếp quản di sản 167 năm của Burberry, Daniel Lee lại chọn hướng đi khác: lấy chính kỹ thuật truyền thống để tôn vinh vẻ đẹp vượt thời gian.

Giám đốc sáng tạo Daniel Lee
Triệt tiêu dấu ấn streetwear hiện đại

Streetwear từng là “át chủ bài” ăn tiền của các thương hiệu tầm cỡ, sau đó tưởng chừng đã thoái trào khi đại dịch bùng nổ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng dù làng mốt đang hướng về cảm hứng hoài niệm và đưa âu phục trở lại thời hoàng kim nhưng tinh thần phóng khoáng và chất “đời” của streetwear đã ăn sâu vào huyết mạch của thời trang đương đại. Chính vì vậy mà trên các thiết kế âu phục cổ điển hiện nay vẫn hiện diện những điểm nhấn rất đường phố.

Bỏ qua xu hướng chung của thời đại, Daniel Lee vẫn trung thành với tầm nhìn của mình. Thời điểm Burberry công bố người kế nhiệm Riccardo Tisci là Daniel Lee, các tài khoản mạng xã hội của nhãn hàng đồng loạt xóa sổ mọi hình ảnh về các bộ sưu tập và chiến dịch quảng bá trước đó. Động thái này của nhà mốt thực chất không phải phủ nhận những cống hiến của vị giám đốc sáng tạo cũ mà nhằm đánh dấu một thời đại mới đang chờ đợi Burberry. Logo cũ do họa sĩ Peter Saville thực hiện (ngụ ý về sự cách tân di sản bằng dấu ấn streetwear của Riccardo Tisci) được thay thế bằng logo hiệp sĩ cưỡi ngựa. Được làm mới từ mẫu logo của năm 1901, hiệp sĩ cưỡi ngựa mang ý nghĩa lớn lao đối với nhà mốt Anh. Dòng chữ “Prorsum” trên tay của hiệp sĩ có nghĩa là “tiến lên”, biểu trưng cho triết lý thẩm mỹ vượt thời gian của thương hiệu và trách nhiệm gìn giữ di sản. Sự hồi sinh của logo hiệp sĩ cưỡi ngựa đánh dấu bước chuyển mình trở về với nguồn cội, nơi các giá trị thẩm mỹ cổ điển ghi danh Burberry lên bản đồ thời trang thế giới. Giữa vô số cuộc cách tân và những cú bắt tay hợp tác vốn đã trở thành đặc sản tại các tuần lễ thời trang, việc trở về với nguyên bản như cách mà Daniel Lee đang làm là một màu sắc đặc biệt tô điểm cho bức tranh thời trang đương đại.

Không dừng lại ở đó, Daniel Lee đã thay thế họa tiết monogram với hai chữ cái đầu trong tên nhà sáng lập Thomas Burberry lồng vào nhau trên nền cam và trắng bằng họa tiết sọc caro trứ danh. Tuy nhiên, các sọc caro được anh sắp xếp theo đường chéo nhằm tạo hiệu ứng thị giác lạ mắt cho những thiết kế cổ điển.

Tận dụng sức hút của đại sứ thương hiệu

Thời điểm được tập đoàn Kering giao phó trọng trách cáng đáng nhà mốt Bottega Veneta, nhà thiết kế người Anh đã chọn một chiến thuật vô cùng mạo hiểm, có thể gọi là “được ăn cả, ngã về không”. Không quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội, thiết lập lịch trình ra mắt bộ sưu tập riêng, Bottega Veneta dưới thời Daniel Lee vẫn chạm đến đỉnh cao. Daniel Lee hiểu rằng giá trị thật sự của thời trang cần được cảm nhận trực tiếp thay vì chỉ qua tai nghe, mắt thấy.

Đến với Burberry, chiến thuật của nhà thiết kế sinh năm 1986 không còn liều lĩnh như trước. Dù show Thu Đông 2023 của Burberry thiếu vắng các người mẫu triệu đô như Gigi Hadid, Bella Hadid, Kendall Jenner hay Naomi Campbell, sàn diễn cũng không được trang hoàng lộng lẫy, táo bạo để tạo nên khoảnh khắc lan truyền mạng xã hội như nhiều thương hiệu khác vẫn làm, nhưng bù lại, cuộc đổ bộ của dàn sao nức tiếng châu Á ở hàng ghế đầu đã khiến cả thế giới phải hướng mắt về xứ sở sương mù để không bỏ lỡ buổi trình diễn này. Tài tử Thái Lan Bright Vachirawit (đại sứ thương hiệu khu vực Nam Á – Thái Bình Dương), minh tinh Jun Ji Hyun (nữ đại sứ thương hiệu tại thị trường Hàn Quốc) và ngôi sao sân cỏ Son Heung Min (nam đại sứ thương hiệu tại Hàn Quốc) là những gương mặt nổi trội được khán giả quốc tế mến mộ và săn đón nhất Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2023 vừa qua. Trước đó, hai đại sứ thương hiệu đến từ Hàn Quốc còn xuất hiện trong chiến dịch quảng bá đầu tiên của Daniel Lee tại Burberry.

Nắm bắt văn hóa hâm mộ thần tượng của giới trẻ, Daniel Lee dùng “một mũi tên bắn hai con nhạn”. Thứ nhất, sự hiện diện của các đại sứ châu Á trong cùng một khung hình làm tăng uy lực chinh phục lứa khách hàng trẻ. Các món đồ thời trang được những tên tuổi thần tượng trưng dụng đều nằm trong danh sách bán chạy, thậm chí cháy hàng chỉ trong tích tắc. Thứ hai, các thần tượng châu Á sở hữu độ phủ sóng vượt khỏi phạm vi quốc gia mà họ sinh sống. Bright Vachirawit, Jun Ji Hyun và Son Heung Min đều là những ngôi sao hàng đầu Thái Lan và Hàn Quốc, hơn thế, tên tuổi của họ còn lan rộng sang cả các nước châu Á lân cận và một số nước phương Tây yêu thích văn hóa Á Đông. Sự hiện diện của họ tại show diễn góp phần làm bùng nổ truyền thông khắp thế giới.

Jun Ji Hyun tại show Burberry Thu Đông 2023
Lời hứa xây dựng đế chế toàn diện

Nhìn chung, các bộ trang phục của Burberry dưới thời Daniel Lee đều đề cao tính ứng dụng của workwear và “thường phục hóa” âu phục cổ điển. Neo-tailoring (may đo hiện đại) và dấu ấn streetwear từ thời Riccardo Tisci đã hoàn toàn được thay thế bởi phom dáng cơ bản và cổ điển nhất của Burberry. Chân váy kilt, áo khoác trench… mang đậm hơi thở thời trang Anh quốc đóng vai trò trung tâm của bộ sưu tập.

Daniel Lee từng bày tỏ niềm đam mê vô hạn dành cho túi xách: “Tôi thích làm túi, nhiều năm qua vẫn vậy”. Trong show diễn ra mắt bộ sưu tập đầu tay của mình tại Burberry, anh đã đem đến nhiều mẫu It-bag thời thượng. Những chiếc túi điệu đà được lãng mạn hóa bằng các chi tiết “rất Daniel Lee”. Túi đeo chéo mang phom dáng quen thuộc được cách điệu bởi phần viền lông thú nhân tạo, điểm xuyết móc khóa mô phỏng đuôi cáo mềm mại. Điểm nhấn thị giác đó tiếp tục được lặp lại trên túi nắp gập và túi hobo khổ lớn. Túi tote bằng chất liệu da bóng, túi cầm tay bằng vải dệt kim và nhung lạ mắt, túi mini gắn quả tua nhận được nhiều sự quan tâm từ giới mộ điệu.

Những chiếc túi điệu đà được lãng mạn hóa bằng các chi tiết “rất Daniel Lee”.

Cùng với cuộc cách tân di sản, Daniel Lee cam kết đưa túi xách và phụ kiện của nhãn hàng lên một tầm cao mới. Từ trước đến nay, khi nhắc đến Burberry, áo khoác trench cùng các thiết kế kẻ sọc caro biểu tượng là hình ảnh hiện lên ngay lập tức đối với giới mộ điệu, ít ai nhớ đến những chiếc túi xách và phụ kiện đặc trưng của thương hiệu. Bằng tất cả sự am hiểu của mình về nhu cầu tiêu dùng xa xỉ phẩm của giới trẻ cũng như khả năng tạo xu hướng đã được minh chứng tại Bottega Veneta, Daniel Lee hứa hẹn sẽ nâng cấp và cho ra đời các kiểu túi xách cùng phụ kiện “trong mơ” dành cho thế hệ gen Z.

NEW AGE OF QUIET LUXURY

Quiet luxury, thuật ngữ được ra đời từ niềm say mê thời trang kín đáo nhưng hết mực sang trọng của giới siêu giàu. Không logo hay tên thương hiệu mà chỉ có cashmere, da, lụa và tay nghề thủ công tinh xảo đóng vai trò hạt nhân trong thế giới “im lặng là vàng”.

Nhiều “gã khổng lồ” ngành xa xỉ phẩm đã và vẫn đang theo đuổi thời trang “hướng nội” này với những “át chủ bài” độc nhất. Chẳng hạn như áo khoác mang lối thiết kế vượt thời gian của Max Mara, trang phục cashmere từ thương hiệu Brunello Cucinelli, túi xách Birkin và Kelly đắt giá của Hermès, hay đồ da đan lát trứ danh nhà Bottega Veneta.

Cùng với những cuộc đổi ngôi giám đốc sáng tạo thời gian gần đây, quiet luxury vốn là một phần trong DNA thương hiệu cũng có nhiều thay đổi. Điển hình nhất phải kể đến nhà mốt Anh Burberry và thương hiệu thời trang cao cấp Ý Bottega Veneta dưới sự dẫn dắt của Daniel Lee và Matthieu Blazy. Nếu như Burberry trở lại kỷ nguyên quiet luxury bằng việc loại bỏ họa tiết monogram và streetwear thì Bottega Veneta đưa thường phục sánh ngang với âu phục nhờ ứng dụng tay nghề thủ công của các người thợ bậc thầy.

Đọc thêm:
Giám đốc sáng tạo Matthieu Blazy: Xây dựng lãnh địa xa hoa cho thường phục
– Giám đốc sáng tạo Daniel Lee: Tham vọng thống lĩnh làng mốt bằng thẩm mỹ cổ điển Anh

Tác giả: Hoàng Bảo

26/05/2023, 11:50