Giải thưởng âm nhạc Cống Hiến 2016: Chờ xu hướng hay chọn hiện tượng?

Đủ đầy thì khó mà bất ngờ
Trước khi nói về Cống hiến, hãy nhắc lại một giải thưởng khác là Grammy 2016. Năm nay, kết quả của Grammy không có bất ngờ. Thậm chí có cây viết người Đức còn bình luận hài hước: “Ai ngoan thì được quà!”. Nói cách khác, những cái tên như Taylor Swift, Kendrick Lamar hay The Weeknd đã nhận được chiếc máy quay đĩa vàng sau 12 tháng làm việc chăm chỉ hết mức, với những sản phẩm âm nhạc được cả thế giới đón nhận. Dù bạn có chê họ không mới mẻ (như trường hợp Taylor Swift) hay chẳng bất ngờ (với Kendrick Lamar trong thể loại hip hop) thì bạn cũng phải thừa nhận rằng họ xứng đáng.
Nói chuyện Grammy mà quan chiếu về Cống hiến có được không? Sẽ là không, nếu so sánh về đẳng cấp và bản chất. Nhưng năm nay, lạm bàn một chút giữa hai giải thưởng này có lẽ cũng không là quá đà, bởi chúng đều có một điểm chung: không bất ngờ.
Lướt qua những đề cử dự kiến trong 8 hạng mục Cống hiến 2016, gần như đã đủ đầy bức tranh nhạc Việt trong một năm qua. Về con người, có Sơn Tùng M-TP, có Tiên Tiên và có cả Đông Nhi. Về sản phẩm,Thật bất ngờ đã không bị bỏ qua và giống như vậy là “Vũ điệu cồng chiêng”. Hạng mục album cũng rất thuyết phục với “Bóng tối jazz” hay “Streets rhythm”. Chương trình (cả live show và truyền hình) cũng đều góp mặt đủ: “Master of symphony”, “Thập kỷ hoan ca”, “Rét đầu mùa” tới chùm chương trình Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, rồi Monsoon Music Festival, Điều còn mãi… Nói theo tư duy “báo mạng”, giải thưởng năm nay quy tụ tất cả những từ khóa “hot” của nhạc Việt thời gian qua.
Một danh sách đề cử “đủ đầy” như vậy chắc chắn khó mà đưa đến những kết quả bất ngờ được…
Nhưng trong danh sách đề cử năm nay cũng có những “thoáng lạ”. Đó là sự bổ sung lần đầu tiên của hạng mục Music video của năm và 3 album mà chưa bàn về chất lượng, độ “phủ sóng” truyền thông trong năm qua thực sự khá mờ nhạt: “Bài ca không quên” (Đức Tuấn), “Nỗi nhớ mùa đông” (Phương Anh) và “Tôi muốn về nhà” (Hoàng Bách). Tuy nhiên, những “thoáng lạ” này khó có thể tạo thành điều gì đột phá cho giải thưởng sau 12 năm tổ chức.

Thấy hiện tượng nhưng vẫn chờ xu hướng?

Từ đề cử Cống hiến, có thể thấy nhạc Việt đã có một năm khá sôi động. Thị trường âm nhạc chứng kiến nhiều hiện tượng gây sốt, thậm chí gây tranh cãi nhưng không kém phần thú vị.

Đơn cử chính là “Thật bất ngờ”. Từ ca khúc tới MV, lần đầu tiên một sản phẩm mang chủ đề giễu nhại xuất hiện và ngay lập tức tạo hiệu ứng với công chúng. “Thật bất ngờ” là phép thử liều lĩnh nhưng đúng và thành công của ê kíp Trúc Nhân, Mew Amazing. Nói là liều vì chủ đề “bóc mẽ” showbiz rất dễ bị khó chịu. Nhưng một ca khúc được sản xuất rất chuyên nghiệp từ ca từ tới giai điệu, hình ảnh đã thuyết phục từ khán giả tới chính những nhân vật của showbiz. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thành công của “Thật bất ngờ” cũng bởi sự mới lạ, hay nói cách khác là “hàng độc”. Giễu nhại khó trở thành một xu hướng với viễn cảnh nhạc Việt bùng nổ những ca khúc kiểu này, hẳn giá trị thông điệp cũng như chủ đề sẽ đi đến sự rập khuôn và gây nhàm chán với khán giả.

Mặt khác, từ hiện tượng “Thật bất ngờ” cũng cho thấy sự thiếu vắng mảng ca khúc đề tài xã hội trong thị trường hiện nay. Sự quan tâm của khán giả với chủ đề này là có nhưng “cung vẫn chưa đủ cầu”. Trước ca khúc này, chỉ có Tạ Quang Thắng là người kiên trì với chủ đề xã hội. Sau “Thật bất ngờ”, có vẻ cũng chưa thấy sản phẩm nào.
Một hiện tượng khác về mảng chương trình, đó là liên hoan âm nhạc Gió mùa. Truyền thông đã thừa nhận đây là điểm sáng của đời sống âm nhạc trong nước hai năm qua. Nhưng thực tế, nhìn vào danh sách đề cử, dự án tầm cỡ của nhạc sĩ Quốc Trung và ê kíp vẫn “đơn độc” bên cạnh các mô hình tổ chức đã quá quen thuộc là live show và truyền hình thực tế. Sức hút của Monsoon cho tới năm 2015 cho thấy liên hoan âm nhạc đang là “món” đánh trúng thị hiếu lớp công chúng trẻ. Xa hơn nữa, đây là cầu nối rất hiệu quả để khán giả trong nước có thể nghe “nhạc Tây” trên sân nhà mà không quá tốn kém. Nhưng thực tế thì có vẻ các nhà sản xuất vẫn còn dè dặt với mô hình tổ chức này.
Có một xu hướng đã không được ghi nhận một cách cụ thể nhưng lại thể hiện khá rõ trong bảng đề cử giải thưởng Cống hiến năm nay. Đó là sự áp đảo của thị trường nhạc trực tuyến. Không khó nhận ra các sản phẩm âm nhạc ngoài album (ca khúc, MV) đều thành công nhờ hiệu ứng mạng. Và những cái tên như Sơn Tùng M-TP hay Tiên Tiên, Tóc Tiên cũng được đẩy lên rất nhanh chính nhờ kênh tiếp cận khán giả qua dịch vụ nhạc trực tuyến, YouTube, mạng xã hội… Tuy nhiên, xét trên tiêu chí cống hiến, đây có lẽ không phải xu hướng mà giải thưởng hướng tới. Mặt khác, nó cũng mang tính khách quan từ xu hướng chung của thế giới và thị trường.
Hơn 10 năm Cống hiến, có những cái tên dường như không thể thiếu. Đó là nhạc sĩ Quốc Trung, Võ Thiện Thanh hay Anh Quân…, các diva, divo nhạc Việt hay những chương trình như Bài hát Việt, Điều còn mãi… Người viết và hẳn công chúng không phủ nhận, đó là những con người và sản phẩm xứng đáng với hai chữ “cống hiến” của nhạc Việt. Sự bền bỉ với nghề, năng lực sáng tạo không mệt mỏi của những nghệ sĩ nhiều năm xuất hiện trong danh sách đề cử giải thưởng này chính là sự khẳng định rõ ràng nhất cho vai trò trụ cột của họ với làng nhạc hiện nay. 

Nhưng đặt ngược lại vấn đề, phải chăng đó cũng là biểu hiện rõ ràng của tốc độ phát triển còn khá chậm của nhạc Việt trong khoảng 10 năm qua? Thật may, mỗi năm, Cống hiến vẫn có những cái tên mới, những hy vọng mới như Phạm Toàn Thắng, Khắc Hưng, Hoàng Touliver, như Hoàng Quyên, Tiên Tiên, Tóc Tiên… Dù họ chỉ mới xuất hiện, mới tạo những dấu ấn đầu tiên nhưng ít nhất, họ đã không khiến nhạc Việt tồn tại ở tình trạng giậm chân tại chỗ.

Hiện tượng đã và vẫn luôn có, nhưng nếu kỳ vọng vào một tương lai thị trường nhạc Việt khởi sắc hơn, hẳn người ta cần nhìn thấy những xu hướng mới và điều đó phụ thuộc rất nhiều ở lớp nghệ sĩ mới. Hiện tượng nào sẽ được ghi nhận là một cống hiến của nhạc Việt, kết quả sẽ có trong đêm trao giải. Nhưng công chúng sẽ còn phải tiếp tục chờ để thấy được những xu hướng mới phát lộ rõ nét hơn. Và đó là sự chờ đợi trong kỳ vọng hơn là nghi ngại.

Cống hiến có bỏ sót?
– Có một dòng chảy dường như chưa được ghi nhận trong giải thưởng Cống hiến 2016, đó là nhóm nghệ sĩ độc lập. Lê Cát Trọng Lý đã có bộ sản phẩm “Dreamers” được nhiều tờ báo cuối năm qua xếp vào những đĩa nhạc Việt nổi bật nhất. 
– Ban nhạc indie rock trẻ Ngọt dù chỉ mới thành lập và hoạt động được hơn 1 năm nhưng đã khiến không chỉ các khán giả cùng trang lứa mà cả đại diện cho giới chuyên môn như nhạc sĩ Đỗ Bảo bất ngờ. Ngọt đại diện cho một tư duy âm nhạc trẻ trung, trong sáng nhưng rất cá tính.
– Nhóm nghệ sĩ độc lập ở Việt Nam đang dần định hình và bắt đầu có những đại diện nhất định. Hải “Bột” là một trường hợp như thế. Năm ngoái, buổi diễn của anh ở Hà Nội đã bán sạch vé và khán giả xếp hàng dài chờ hàng giờ đồng hồ để được nghe Hải hát. Chơi nhạc không màng giải thưởng hay thậm chí cả danh tiếng, nhưng sự đón nhận của công chúng với nhóm nghệ sĩ độc lập đông đảo và thậm chí còn bền chặt hơn nhiều sản phẩm đại chúng.

Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 11 sẽ diễn ra ngày 24/4 tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa

Bài: Độc Cầm

logo


From the same category