Giải thích cho trẻ hiểu về dịch COVID-19: Làm thế nào để tránh gây hoang mang?

Trẻ con thường khó nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nói riêng và các mối nguy hịa xung quanh nói chung. Vì thế cha mẹ cần phải có cách nói chuyện hợp lý để trẻ dễ nhận thức. Điểm mấu chốt nằm ở giai đoạn phát triển của chúng. Từ những độ tuổi nhất định của trẻ con, chúng ta không chỉ biết phải điều chỉnh cách nói chuyện ra sao, mà còn có thể dự đoán chúng lắng nghe và hiểu điều đó như thế nào.

Trẻ em dưới 5 tuổi

Ở độ tuổi này, dịch bệnh là một thứ gì đó khá mơ hồ nhưng đáng sợ mà chúng không thể hiểu được. Cảm xúc, sự thoải mái và ổn định của trẻ còn phụ thuộc vào những người xung quanh. Đó là lý do vì sao tâm lý và cách biểu hiện của cha mẹ lại có tác động rất lớn đến trẻ nhỏ. Nếu trẻ có thắc mắc gì về dịch bệnh, hãy trả lời các mối quan tâm ấy một cách chậm rãi, trực tiếp, dễ hiểu và bình tĩnh. Điều trẻ để tâm vào lúc này đó là khuôn mặt, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của người đối diện.

Trong trường hợp con hỏi rằng: “Tại sao mọi người lại mua nhiều thứ ở cửa hàng như vậy?”, các bậc phụ huynh thường có khuynh hướng trả lời: “Vì mọi người lo lắng không có đủ đồ để dùng”. Và đây là một sai lầm tai hại mà ít người nhận ra. Hãy tránh xa các cụm từ gợi lên cảm giác tồi tệ như lo ngại, hoảng loạn, hoang mang, khủng khiếp… Thay vào đó, hãy truyền đạt cho con một cách trực tiếp: “Rửa tay với con là một việc làm cần thiết” hay “Chúng ta đều phải làm điều này để đảm bảo sức khỏe”.

Trẻ từ 5 – 10 tuổi

Có lẽ không có gì khó bằng việc chia sẻ về dịch bệnh với các bé đang ở tuổi khám phá thế giới. Không còn thơ ngây quan sát mọi thứ như trẻ dưới 5 tuổi, trẻ em ở giai đoạn này sẽ suy nghĩ nhiều hơn dù bản thân chưa thể ý thức hết được về mọi chuyện xung quanh. Chúng sẽ thường hoang mang trước các khái niệm trừu tượng, cũng như các bản tin với lượng từ ngữ vô cùng phong phú và đa nghĩa.

Nếu các em bộc bạch với gia đình rằng: “Con sợ cả nhà mình sẽ chết”; khi ấy, hãy trấn an và hỏi thăm con: “Không phải tất cả chúng ta sẽ chết. Vì sao con nghĩ như thế?” thay vì gạt phăng sự lo lắng ấy đi. Rõ ràng là cần trò chuyện với con nhưng ba mẹ cần làm rõ rằng con đã nghe những gì và từ đâu. Điều đặc biệt cần lưu ý đó là không gieo tâm lý hoảng sợ và tránh phóng đại vấn đề khi trò chuyện cùng trẻ.

Trẻ từ 11 – 15 tuổi

Đây là giai đoạn có nhiều biến động, phát triển phức tạp hơn các giai đoạn trước xảy ra với trẻ. Ở độ tuổi này con có thể suy luận logic hơn và quan tâm đến mọi thứ xung quanh nhiều hơn. Vì thế trẻ cũng bắt đầu nhận thấy mối nguy từ việc những người xung quanh nhiễm bệnh. Cũng đừng ngạc nhiên khi nghe chúng quả quyết rằng vẫn muốn ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Bởi trẻ đang ở độ tuổi mà thế giới vô cùng rộng lớn và thật bức bối biết bao khi bản thân bị gò bó ở trong nhà cả ngày.

Tuổi vị thành niên có cái tôi khá lớn, khá nhạy cảm với những gì xúc phạm đến khuynh hướng tự lập của mình. Những lời trách mắng nặng nề sẽ bị trẻ phản ứng lại mạnh mẽ. Do đó, điều thường thấy là trẻ không nghe và làm theo những điều khuyên bảo, ngay cả điều đúng, mà chỉ nghe theo người đồng cảm với mình. Và cách đáp lại hợp tình hợp lý nhất sẽ là: “Nhưng chúng ta nên giữ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”. Dù chúng nghĩ mình là trung tâm của mọi thứ, cũng không có nghĩa chúng không bị đánh động bởi trách nhiệm đối với xã hội.

Những nguyên tắc chung khi nói chuyện với con:
– Không lẩn tránh khi nói về chủ đề này.
– Tìm hiểu xem con đã biết bao nhiêu về dịch bệnh.
– Cố gắng trả lời các câu hỏi của con một trung thực và rõ ràng nhất có thể.
– Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
– Khuyến khích con đặt câu hỏi về điều chúng lo ngại.
– Không thể hiện sự lo lắng hay mất bình tĩnh khi trò chuyện với con.
– Luôn nhắc nhở con cách để bảo vệ chính mình như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, không tụ họp nơi đông người…

From the same category