Bạn đang cố “nhồi” mình vào chiếc váy xinh xắn sau khi đã lỡ bước chân tới những bữa tiệc chia tay năm cũ, chào đón năm mới liên tục và dồn dập? Những lời khuyên dưới đây rất có thể sẽ giúp bạn “giải phóng” lượng thức ăn đã tích trữ quá nhiều sau những ngày ăn chơi xả láng.
1. Bữa sáng quan trọng
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh và khẳng định rằng bữa ăn sáng hết sức quan trọng đối với những người ăn kiêng và đến 80% những người thành công trong việc giảm cân là nhờ vào việc duy trì bữa ăn quan trọng nhất trong ngày này. Sự trao đổi chất sẽ chậm lại khi chúng ta ngủ và sẽ cứ “ì” ra cho đến khi hệ tiêu hóa bắt đầu khởi động lại sau giấc ngủ. Các món ăn nhiều chất xơ và sữa giảm béo cùng với các loại hoa quả là những sự lựa chọn phù hợp cho một bữa sáng.
2. Chuối
Chuối chứa rất nhiều kali – có khả năng kích thích quá trình chuyển hóa thức ăn và cân bằng lượng nước trong cơ thể. Đây là một chức năng quan trọng vì khi cơ thể mất nước thì quá trình tiêu thụ năng lượng sẽ bị chậm lại. Lượng kali cần thiết cho một ngày vào khoảng 2.000mg và trong một quả chuối có 450mg kali trong khi một ly sữa có 370mg kali.
3. Trà Xanh
Không chỉ được biết đến với công dụng đặc biệt có thể ngăn ngừa bệnh ung thư, trà xanh còn có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa thức ăn. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng những ai uống nước trà xanh 3 lần một ngày sẽ “đẩy” tốc độ chuyển hóa thức ăn nhanh lên 4% đồng nghĩa với việc 60 calo đã được tiêu hao thêm.
4. Nước
Tính ra trong một ngày nếu như bạn uống đủ 1,7 lít nước thì sẽ tiêu hao được 17.400 calo và tương đương với việc giảm được xấp xỉ 2 gram trọng lượng. Đồng thời, nước sẽ giúp bạn đảm bảo lượng nước cần thiết trong cơ thể và đào thải các chất độc. Đôi lúc khi cơ thể mất nước lại bị hiểu nhầm là đói nên rất có thể bạn sẽ ăn gì đó để cho đỡ… khát.
5. Không rượu bia
Lý do là vì trong các đồ uống có cồn chứa rất nhiều đường và hydrát-cácbon, chưa kể tới hoạt động của các đồ uống có cồn sẽ cản trở quá trình tiêu hủy chất béo trong cơ thể. Nó khiến cho hệ thần kinh trung ương luôn trong trạng thái căng thẳng và “gây khó dễ” cho quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu tại Anh thì đồ uống có cồn dùng kèm với những đồ ăn có hàm lượng chất béo cao và nhiều calo thì sẽ dẫn đến hậu quả là các chất béo tích tụ lại ngày càng nhiều vì khó bị hấp thụ.
6. Ăn nhiều bữa
Thay vì ăn 3 bữa lớn trong một ngày, chúng ta hãy chia đều thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và nhờ đó quá trình hấp thụ các chất sẽ không bị ngừng lại. Việc ăn các bữa nhỏ cũng giúp cho cơ thể hấp thụ các chất dễ dàng hơn và giảm thiểu lượng thức ăn nạp vào bị tích trữ sau quá trình hấp thụ. Lời khuyên là các bữa ăn nhỏ cách nhau 4 tiếng.
7. Bữa ăn nhẹ trước giờ tập
Trước giờ tập khoảng 90 phút, một bữa ăn nhẹ có hàm lượng hydrat-cacbon thấp sẽ giúp bạn tập được lâu hơn, có thể thực hiện những bài tập nặng hơn và tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Và phải lưu ý là sau 90 phút kể từ khi ăn xong bạn mới được phép tập bởi nếu tập quá sớm thì máu sẽ dồn về dạ dày và bạn khó có thể hoàn thành bài tập với cảm giác tức bụng.
8. Tập thở
Hãy tập thói quen hít thở bằng mũi, không thở bằng miệng. Thở bằng mũi sẽ giúp ổn định nhịp tim, kéo dài được thời gian tập thể dục và tiêu hao được nhiều năng lượng.
9. Tập thể dục vào buổi sáng
Lời khuyên này có vẻ khó thực hiện đối với một số người vốn thích ngủ nướng. Nhưng một khi “sự đã rồi” thì bạn phải dồn hết tâm trí, sức lực cũng như quyết tâm thực hiện vì tập thể dục buổi sáng có tác dụng rất tốt. Cảm giác thèm ăn vô tổ chức sẽ được chấn chỉnh lại và quá trình hấp thụ thức ăn sẽ hoạt động tốt hơn trong cả ngày.
10. Ngủ đủ giấc
Hãy quên đi những show truyền hình yêu thích vào lúc nửa đêm để có thể lên giường đi ngủ sớm. Theo nghiên cứu tại Trung tâm Y học tại trường đại học Chicago, những người chỉ ngủ 4 tiếng trong ngày sẽ gặp khó khăn trong quá trình xử lý hydrat-cacbon nạp vào, chưa kể tới sự gia tăng hoócmôn gây stress – cortisol. Vì thế cần sắp xếp lại thời gian sinh hoạt trong ngày để đảm bảo giấc ngủ của bạn liên tục từ 6 đến 8 tiếng/ ngày.