Diện mạo mới của “lão” Oscar ở tuổi 90
90 năm, nhưng Oscar không hề già cỗi, mà luôn tự thay đổi để làm mới mình, và tạo ra những trào lưu tiên phong của điện ảnh thế giới hiện đại.
Cách đây hai năm, Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ đã bắt đầu kết nạp thêm những hội viên mới. Điều này đã có tác dụng đổi mới đáng kể khi trong danh sách đề cử Oscar năm nay xuất hiện những nhân tố chưa từng có trước đây: phụ nữ lọt vào danh sách đề cử hạng mục Quay phim, các nhà làm phim da màu được xem trọng, và thể loại phim siêu anh hùng đã bắt đầu được chú ý.
Sau nhiều thập kỷ giải Oscar hào nhoáng được sơn phết bằng những gương mặt và tên tuổi lặp đi lặp lại đến phát chán, người hâm mộ đã đón chào danh sách đề cử Oscar năm nay với nhiều háo hức bởi một diện mạo đầy mới mẻ của giải thưởng này vào đúng lần sinh nhật thứ 90.
Những nhân tố mới đầy hứa hẹn
Đạo diễn của phim kinh dị “Get Out” (Trốn thoát) trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được nêu tên ở 3 hạng mục đề cử: Phim hay nhất, Kịch bản xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất (trước đó chỉ mới có hai người trong lịch sử có được đề cử tương tự ngay ở bộ phim đầu tay).
Nữ đạo diễn xinh đẹp Greta Gerwig của tuyệt phẩm “Lady Bird” (Chim mái) đã trở thành người phụ nữ thứ năm được đề cử ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất trong suốt chiều dài 90 năm của giải Oscar. Dee Rees là người phụ nữ da màu đầu tiên được đề cử ở hạng mục Kịch bản (chuyển thể) trong bộ phim “Mudbound”. Và ngoạn mục hơn, cũng với phim này, Rachel Morrison đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được đề cử Oscar ở hạng mục mà 90 năm qua đã trở thành độc quyền của nam giới: Quay phim.
Tuy nhiên, điều gây nức lòng nhất đối với các fan của thể loại phim siêu anh hùng là giải Oscar đã chịu để mắt tới thể loại phim kiếm được nhiều tiền nhất, và cũng sở hữu lượng fan hâm mộ “khủng” nhất trên toàn cầu. “Logan” đã đi vào lịch sử khi trở thành bộ phim siêu anh hùng đầu tiên được đề cử ở hạng mục danh giá: Kịch bản (chuyển thể) chứ không phải ở những hạng mục kỹ thuật (kỹ xảo, âm thanh, hóa trang, nhạc phim…) như những năm trước.
Nhiều sự thay đổi như vậy, nhưng nó không hề đến một cách bất thình lình. Vào tháng 1/2016, sau khi giải Oscar bị chỉ trích dữ dội vì quá thiên vị người da trắng (Oscars So White), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (A.M.P.A.S) đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số thành viên là phụ nữ và các sắc dân thiểu số ở Mỹ cho đến năm 2020. Chỉ riêng năm ngoái đã có 774 thành viên mới được giới thiệu, trong đó chiếm 39% là nữ và 30% là người da màu.
Thực sự đây không phải là sự thay đổi đáng kể, nó chỉ làm tăng số thành viên Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ từ 27% (năm 2016) lên 28%, và các sắc dân thiểu số tăng từ 11% đến 13% – nhưng dù sao đây cũng là một khởi đầu rất đáng khích lệ. “Một vấn đề mang tính hệ thống đã bị phơi bày, và hy vọng chúng tôi sẽ khắc phục được điều đó”, một thành viên của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ cho biết.
Làn gió mới của Oscar
Oscar năm nay là tập hợp của những điều bất ngờ. Bốn trong số năm đề cử của hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất đều là những tên tuổi mới, trong khi tượng đài Steven Spielberg (đạo diễn phim “The Post”) lại bị bỏ rơi. Ngôi sao kỳ cựu từng hai lần đoạt giải Oscar – Tom Hanks – bị loại khỏi danh sách đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất, thay vào đó là một nhân vật lạ hoắc: Daniel Kaluuya – diễn viên da màu trẻ kém tên tuổi, đóng vai chính trong phim kinh dị “Get Out”.
Oscar năm ngoái là thời điểm chán ngắt đối với phụ nữ, người da màu, và những tư tưởng tiến bộ nói chung. Còn năm nay, “The Shape of Water” (Dáng hình của nước) – bộ phim mà đạo diễn Guillermo del Toro mô tả là “câu chuyện cổ tích cho những thời khắc khó khăn” – đã dẫn đầu với 13 đề cử. Bên cạnh đó là các phim nhỏ nhưng đầy những ý tưởng táo bạo như: “Lady Bird”, “Three Billboards Outside Ebbing”, “Missouri” và “The Post”… đang dẫn đầu cuộc đua Phim hay nhất.
Dù thất vọng khi không được đề cử Oscar, nhưng đạo diễn Patty Jenkins chắc hẳn vẫn rất tự hào với “Wonder Woman” – bộ phim hành động có doanh thu cao nhất của đạo diễn nữ. Trong khi đó, kỷ lục mới của người da màu đã được thiết lập với đại diện xứng đáng: Denzel Washington (diễn viên phim “Roman J. Israel, Esq”). Anh đã phá vỡ kỷ lục của chính mình trong lịch sử các diễn viên da màu với lần đề cử Oscar thứ tám.
Có phải ngẫu nhiên mà vài đề cử Phim hay nhất khác như “Dunkirk”, “Darkest Hour” và “The Post” không bao giờ chịu thua ngay cả khi mọi thứ dường như ảm đạm nhất đối với họ? Hoặc thông điệp của bộ phim “Three Billboards Outside Ebbing”, “Missouri” là lòng trắc ẩn cuối cùng đã đánh bại sự thiếu hiểu biết, sân hận, thành kiến và bạo lực?
Bây giờ, việc mà Oscar phải làm là chờ đợi để bắt kịp những vấn đề thời cuộc của thế giới, bằng làn gió mới, một bước tiến hóa mới đáng mong chờ trong lần sinh nhật lần thứ 90.