Giải nghĩa những chi tiết rối rắm, phức tạp của kiệt tác phim kinh dị “Us” (“Chúng ta”)

Sau thành công vang dội về mặt phê bình lẫn thương mại của “Get Out“, Jordan Peele trở thành đạo diễn được yêu thích bậc nhất trong giới mê phim kinh dị. Không khiến khán giả thất vọng, tác phẩm “Us” vừa ra mắt của anh ngay lập tức sở hữu số điểm cao ngất trên các chuyên trang phê bình, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều tranh cãi bởi các tình tiết rối rắm, phức tạp.

Us

Chuyện phim “Us” theo chân gia đình bốn người Adelaide Wilson (Lupita Nyong’o), Gabe Wilson (Winston Duke), con trai út Jason Wilson (Evan Alex) và con gái Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph). Trong chuyến đi chơi biển vào dịp nghỉ hè, cả gia đình chạm mặt và đối đầu với nhóm người đáng sợ được gọi là ”The Tethered” – phiên bản kinh dị của chính bản thân mình.

y nghia cua US
Lời thoại “They are us” mang nghĩa “Họ là chúng ta” hay “Họ là nước Mỹ”?

Ngay từ tựa đề, “Us” đã mang nhiều hơn một tầng nghĩa. “Us” với ý nghĩa “Chúng ta” được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt bộ phim, đặc biệt là lời thoại quan trọng của cậu con trai Jason: “They are us” (“Họ là chúng ta”). Song, “Us” cũng có nghĩa là nước Mỹ, những “người bị xích” đại diện cho hình ảnh nước Mỹ chia rẽ thời nay và đang đánh mất dần sự tự do bởi các chính sách nhập cư dưới thời tổng thống Donald Trump. Những liên tưởng mang tính châm biếm về xã hội và chính trị Mỹ càng trở nên hợp lý hơn khi phim được cầm trịch bởi một đạo diễn da màu từng xuất sắc giành giải Oscar nhờ “Get Out” – bộ phim lấy chủ đề phân biệt chủng tộc.

“Người bị xích”

“Người bị xích” trong “Us” là kết quả của cuộc thử nghiệm nhân bản vô tính con người dưới những tầng hầm bỏ trống nhằm khống chế “người ở trên”. Thử nghiệm thất bại, những bản sao bị lãng quên, nhưng nhiều thế hệ vẫn tiếp tục sinh sôi dưới lòng đất. “Người bị xích” không thể giao tiếp nhưng vẫn lặp lại mọi hành động của bản thể trong một thế giới sơ sài hơn: ăn thịt sống thay đồ ăn, kết hôn dù không có tình yêu, tự sinh ra những đứa trẻ dị tật một mình…

y nghia cua US
Kitty Tyler bản gốc cho rằng khuôn mặt của Adelaide không cần chỉnh sửa, do đó, thay vì rạch mặt Adelaide, bản sao của Kitty tự rạch mặt mình.

Những bản sao có liên kết mật thiết với bản gốc: “Chúng suy nghĩ như chúng ta, chúng biết chúng ta đi đâu”, điều đó cho phép Adelaide bản sao biết bản gốc mang Jason đi đâu vào trường đoạn quan trọng cuối phim. Ngoài ra, người nhân bản cũng có sở thích tương tự người thật: Abraham thích từ tốn, cho tàu chạy một vòng rồi mới giết Gabe Wilson; Pluto thích lửa giống hệt Jason; Umbrae và Zora đều thích chạy; bản sao của Kitty Tyler tự cầm kéo rạch mặt giống với sở thích phẫu thuật thẩm mỹ của Kitty được nhắc đến ở đầu phim.

Tầng hầm và những con thỏ

Tầng hầm rộng thênh thang chứa những “người bị xích” đã được đạo diễn Jordan Peele gợi ý ngay từ đầu phim: có nhiều tầng hầm bị bỏ hoang tại Mỹ không được sử dụng với mục đích gì. Chứa một thế giới mô phỏng lại cuộc sống trên mặt đất nhưng tăm tối và thiếu thốn hơn, hình ảnh tầng hầm tượng trưng cho mặt trái của xã hội đương thời, cũng như sự đối lập giữa những “người bị xích” và bản thể hào nhoáng với các “món quà đẹp, bữa ăn ngon, hoàng tử và công chúa”.

y nghia US
Hình ảnh tầng hầm lặp đi lặp lại trong “Us”.

Dưới góc nhìn chính trị, hình ảnh tầng hầm còn đại diện cho những đường hầm ngầm ở Mexico đưa những người nhập cư trái phép sang “miền đất hứa” Mỹ. Lập luận này trở nên chặt chẽ hơn khi đặt cạnh hình ảnh những con thỏ ngập tràn tầng hầm. Trong “Us”, thỏ đen, thỏ trắng, thỏ nâu, thỏ xám xuất hiện liên tiếp không chỉ tượng trưng cho các cuộc thí nghiệm nhân bản vô tính, mà còn cho thấy một nước Mỹ đa màu da, đa chủng tộc.

Tấm biển Jeremiah 11:11

Bên cạnh đường hầm và thỏ, con số 11:11 cũng xuất hiện xuyên suốt phim, khi hiển thị trên đồng hồ, 11:11 là 4 nét gạch giống nhau thẳng đứng, đối xứng qua dấu “:” nên dù lật ngược hay nhìn qua gương cũng không biến đổi hình dạng. Khi 4 bản sao của gia đình Wilson xuất hiện lần đầu trong trang phục màu đỏ, người xem cũng liên tưởng đến con số 11:11 ám ảnh này.

y nghia cua US
Bản sao của người đàn ông cầm tấm biển đỏ Jeremiah 11:11 là “người bị xích” đầu tiên đứng vào hàng rào người.

Ngoài ra, tấm biển Jeremiah 11:11 cũng chỉ đoạn 11, câu 11 ở cuốn Jeremiah trong Kinh Thánh, trong đó viết: “Vậy nên, Ðức Giê-hô-va phán như vậy: Này, ta sẽ khiến tai nạn đổ lên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe”. Đây có thể xem là lời cảnh cáo của những “người bị xích” gửi đến các bản thế trên mặt đất. Đặc biệt, người đàn ông cầm tấm biển Jeremiah 11:11 cũng là nạn nhân đầu tiên của vụ thảm sát, được gia đình Wilson nhìn thấy ngay khi đến vùng biển Santa Cruz.

Ngay sau đó, khi đang đi bộ trên bãi cát, cậu con trai Jason gặp bản sao của nạn nhân đang dang rộng cánh tay với bàn tay nhỏ máu. Đây là “người bị xích” đầu tiên đã giết xong bản thể của mình và đứng vào hàng rào người nắm tay nối liền biên giới nước Mỹ.

Hàng rào người nắm tay

Sau cuộc thảm sát trong đêm của “người bị xích”, hàng rào người nắm tay nhau ngày một dài thêm, đây thực chất là hình ảnh ám chỉ phong trào Hands Across America nhằm quyên góp cho những người nghèo và vô gia cư diễn ra năm 1986. Trước khi bị đưa xuống tầng hầm, bản gốc Adelaide đã được biết đến phong trào này thông qua một chương trình truyền hình, sau này, nhân vật tái hiện lại Hands Across America để giải phóng những “người bị xích”, cũng là những người đại diện cho tầng lớp nghèo, công nhân, vô gia cư, nhập cư trái phép trên khắp nước Mỹ.

y nghia cua US
4 bản sao của gia đình Wilson xuất hiện lần đầu trong trang phục màu đỏ, người xem cũng liên tưởng đến con số 11:11 ám ảnh

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng hàng rào người nắm tay nhau trong trang phục màu đỏ tượng trưng cho bức tường đỏ được tổng thống Donald Trump hứa hẹn xây để ngăn cách Mỹ và Mexico, nhằm hạn chế nạn di cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy, song sự kiện này bị phản đối bởi các cư dân thuộc New England ở Đông Bắc và Minneapolis/Milwaukee.

Trang phục đỏ và cây kéo

Theo nhiều khán giả, trang phục đỏ của những “người bị xích” không đơn thuần nhằm ám chỉ những tù nhân Mỹ. Các bản sao đều đeo găng tay ở bên phải, tượng trưng cho phe cánh hữu hay đảng Cộng hòa – phe mà ông chủ Nhà Trắng đương thời đại diện.Màu đỏ cũng là màu đại diện trong chiến dịch tranh cử của Trump. Lời thoại “I want to make a new statement” của bản gốc Adelaide đồng thời là lý tưởng xuyên suốt của Tổng thống Mỹ: “Make America Great Again”.

y nghia US
Cây kéo không đơn thuần là vũ khí của nhóm “người bị xích”.

Những chi tiết không chỉ là trùng hợp này thống nhất với góc nhìn chính trị từ đầu phim của đạo diễn Jardon Peele: nữ chính Red đứng đầu một nhóm người “đỏ” nổi dậy, tìm lại sự bình đẳng và tốt đẹp hơn cho xã hội. 

Song song với trang phục đỏ, cây kéo là vũ khí duy nhất được “người bị xích” sử dụng. Bên cạnh đặc điểm đối xứng như những cặp “song trùng”, chiếc kéo còn được dùng để cắt đứt: cắt đứt liên kết giữa bản gốc và bản sao, cắt đầu con thỏ nhồi bông của bản sao Adelaide,… Theo một số ý kiến, chi tiết này còn nhằm ám chỉ chính sách ngăn chặn dòng người nhập cư của ông Trump. Đặc biệt, chiếc kéo cũng cho thấy sự chia rẽ gay gắt về chính trị và xã hội của nước Mỹ dưới thời Trump.


From the same category