Ngay từ ngày đầu tiên lên sóng, “When the Camellia Blooms” (Khi hoa trà nở) của “chị đẹp” Gong Hyo Jin và bạn diễn Kang Ha Neul đã thu hút người xem bởi nội dung mới lạ đan xen nhiều cú twist bất ngờ. Bên cạnh việc xây dựng hình tượng nữ chính táo bạo trên màn ảnh, “When the Camellia Blooms” còn khiến khán giả đứng ngồi không yên bởi những điều giản dị nhưng sâu sắc.
Hình tượng mẹ đơn thân đầy táo bạo trên màn ảnh nhỏ
Rũ bỏ hình tượng mạnh mẽ và cá tính trong các phim trước đây, Gong Hyo Jin hóa thân vào vai bà chủ quán bar tên Dong Baek dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ và kiệm lời, chưa một lần kết hôn và làm mẹ đơn thân. Trong văn hóa Hàn Quốc, một người phụ nữ độc thân nuôi con nhỏ thường phải chịu khá nhiều định kiến. Hình tượng nữ chính này được đánh giá là khá táo bạo và hiếm có “đất dụng võ” trên màn ảnh.
“When the Camellia Blooms” là một xã hội thu nhỏ, tái hiện chân thật về những góc khuất, sự bất công mà phụ nữ phải gánh chịu. Điểm đáng nói là khi theo dõi bộ phim, người xem sẽ không thấy một bà mẹ Dong Baek cam chịu, yếu ớt, chờ đợi một vòng tay chở che mà luôn sống chân thành và tràn đầy năng lượng.
Giá trị của mỗi người không do xã hội quyết định
Kể từ khi Dong Baek xuất hiện và mở quán bar Camellia tại vùng quê Ongsan, các bà nội trợ ở đây đã tỏ ra xem thường khi biết hoàn cảnh của cô, họ thường xuyên kiếm cớ bắt nạt cô vì những ông chồng hay lui tới ủng hộ quán bar. Một số vị khách còn thường có những hành vi khiếm nhã với bà mẹ đơn thân. Sự dèm pha và kỳ thị của những người xung quanh đôi khi vượt quá sức chịu đựng của Dong Baek, nhưng cô chưa từng vì cái nhìn của người khác mà tự hạ thấp giá trị của bản thân. Trái lại, Dong Baek càng thêm trân trọng cuộc sống, yêu bản thân và nỗ lực nuôi nấng con trai thành một người tử tế. Đứng trước định kiến, Dong Baek vẫn là chính mình mà không trở thành con người mà xã hội ép cô phải trở thành.
Triết lý tình yêu đắt giá
Hàng xóm Dong Baek có thể ghét bỏ cô ngay từ cái nhìn đầu tiên, thì chàng cảnh sát Yong Sik lại trúng tiếng sét ái tình với cô chỉ trong 3 giây đầu tiên. Sự thẳng thắn và bộc trực của anh đã có lúc “dọa” Dong Baek sợ vì sự tán tỉnh quá dồn dập, bù lại, tấm chân tình của Yong Sik dần dà đã xóa tan mặc cảm tự ti, chạm đến trái tim của Dong Baek. Không chỉ luôn đứng ra bảo vệ bà mẹ đơn thân, anh còn ở bên cạnh tiếp thêm sức mạnh, chia sẻ và động viên Dong Baek.
Bởi nếu Dong Baek được ví như cây hoa trà thì Yong Sik là người luôn yêu thương, trân trọng chăm sóc, kiên trì chờ ngày cái cây ấy trổ những bông hoa rực rỡ nhất. Bằng ngôn ngữ riêng của mình, “When the Camellia Blooms” đã xuất sắc truyền tải thông điệp tình yêu bất diệt: nếu sự rung cảm có thể đến trong tích tắc thì tình yêu cần nhiều hơn sự dũng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và đồng cam cộng khổ trong một khoảng thời gian dài.
Phơi bày những góc khuất của cuộc sống hôn nhân
Bên cạnh cuộc đời của bà mẹ đơn thân Dong Beak, “When the Camellia Blooms” còn khéo léo dẫn dắt người xem vào một đề tài chưa bao giờ cũ: nền tảng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Dù có một cuộc sống đủ đầy bên cạnh người vợ luật sư tài giỏi, No Kyu Tae – một nhân vật khác trong phim – chưa bao giờ hạnh phúc.
Trái lại, ông thường xuyên cảm thấy mình không nhận được sự tôn trọng và luôn bị kiểm soát bởi vợ. Đó là lý do vì sao ông luôn khao khát tìm kiếm sự tôn trọng từ người khác, trong đó có cả Dong Baek. Sự rạn nứt ngầm của cặp đôi này đã chỉ ra dấu hiệu của sự tan vỡ: hôn nhân không thể bền chặt nếu vai trò của vợ/chồng bị lãng quên hay thiếu đi sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Xuyên suốt 20 tập, bộ phim khai mở nhiều góc khuất của đời sống lứa đôi mà ta vô tình lãng quên hoặc chưa nhìn ra.
Lời thoại hài hước, duyên dáng và ý nghĩa
Nếu sự tương tác ăn ý của cặp diễn viên chính là bảo chứng cho chất lượng phim, thì lời thoại vừa duyên dáng vừa ý nghĩa chính là yếu tố “đốn gục” khán giả. Vì theo đuổi công khai người trong mộng mà Yong Sik bị ví như một con gấu vồ vập hết sức đáng sợ, thế nhưng nữ chính lại thản nhiên bảo: “Gấu cũng có nhiều loại, gấu thì đáng sợ nhưng gấu Pooh dễ thương mà”.
Hay như khi Yong Sik tưởng chừng đã bị Dong Baek từ chối, thì cô lại chậm rãi giải thích: “Nấu bánh xếp chỉ cần hơi nước thôi, không cần phải luộc. Quên lửa đi, tại sao chúng ta không thể chậm lại và cùng ấm áp với nhau? Vì anh có thể yêu như lửa nhưng khi chia tay là hết”. “When the Camellia Blooms” không khó để lấy đi nước mắt của người xem, và cũng thật dễ dàng để làm họ bật cười trước sự đáng yêu giản đơn như thế.
Bối cảnh quay phim đẹp như tranh vẽ
“When the Camellia Blooms” còn ghi điểm với người xem bởi những thước phim nhẹ nhàng, bình yên và nên thơ tại thành phố Pohang (tỉnh Gyeongsangbuk-do). Pohang là điểm đến được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi biển xanh mướt như Yeongildae, Guryongpo… và phong cảnh về đêm mê hoặc lòng người.
Ngoài ra còn có nhiều điểm check-in nổi tiếng khác như đền Chilpo-ri, Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Pohang, Guryongpo – con đường thấm đẫm kiến trúc lịch sử và nét văn hóa hiện đại, hay đi bộ trên các đường vành đai bờ biển tuyệt đẹp như: Homi, Oeoji và đường rừng ở làng văn hoá Deokdong,…
Yếu tố giật gân ly kỳ được đan cài vô cùng hấp dẫn
Từ poster, bối cảnh, đến cốt truyện phim được nhà đài KBS công bố đều khiến người xem lầm tưởng bộ phim chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình cảm thời hiện đại. Thế nhưng đan xen cùng chuyện đời bà chủ Dong Baek, là vụ án giết người hàng loạt của “Tên hề”. Trong một lần tình cờ, Dong Baek trở thành “nhân chứng” bất đắc dĩ nhìn thấy gã tại hiện trường án mạng.
Cũng từ đây, hắn đã bí mật lui tới quán bar của Dong Baek và để lại lời nhắn gây ám ảnh: “Tôi đã theo dõi cô mỗi ngày. Tôi đã nói là cô đừng biến thành trò hề nữa!”. Không chỉ là mối tình của Yong Sik và Dong Baek, những tình tiết kịch tính còn khiến khán giả luôn hồi hộp dõi theo số phận của Dong Baek.