Những năm gần đây, sự tác động mạnh mẽ của trào lưu Hallyu nói riêng và những hiện tượng văn hóa – giải trí có sức ảnh hưởng toàn cầu nói chung đã mang đến nguồn cảm hứng học ngôn ngữ mới cho khán giả.
Động lực khiến ngày càng có nhiều người học ngôn ngữ mới có thể đến từ việc họ mong muốn bắt kịp những trào lưu của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, hay thưởng thức các chương trình truyền hình nước ngoài và đi du lịch ở các quốc gia ở khắp năm châu. Họ mong muốn thưởng thức các chương trình truyền hình, phim dài tập và nhạc K-pop một cách trọn vẹn nhất mà không cần thông qua phụ đề hoặc bản dịch.
Dữ liệu toàn cầu của ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo cũng cho thấy rằng tại thị trường Việt Nam thì tiếng Hàn là ngôn ngữ phổ biến thứ tư được lựa chọn để học. Hơn nữa, số lượng người dùng muốn học ngôn ngữ này đã tăng gấp đôi khi bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc là “Squid Game” được phát hành.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, người Việt Nam học ngoại ngữ trong năm vừa qua vì các mục tiêu: mong muốn đi du lịch khám phá những quốc gia khác (32%); học để hiểu những đầu sách, bộ phim và âm nhạc nước ngoài (24%); và tìm hiểu về nền văn hóa ngoại quốc khác (22%).
Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp của đại dịch đã ảnh hưởng đến các kế hoạch du lịch và buộc mọi người phải ở nhà, nhiều người đã tìm đến việc học ngoại ngữ với một lý do đơn giản hơn: họ muốn kết nối với những người họ yêu mến, bạn bè và những nền văn hóa đã giúp họ có động lực phấn đấu trong suốt thời gian khó khăn.
Cho dù bạn học ngôn ngữ mới để xem những bộ phim truyền hình của xứ sở Kim Chi, nói ngôn ngữ bản địa ở điểm đến du lịch trong mơ hay kết nối với những người bạn yêu mến thì việc học một ngôn ngữ sẽ khai phóng những tiềm năng mới cho bất kỳ ai.