Bố mẹ bán nhà, Mận phải theo về ở nhà anh em Thiều-Tường. (Nguồn ảnh: Galaxy)
Không gây thất vọng như những phim hài nhảm hay phim Việt từng được chuyển thể từ truyện, tiểu thuyết khác… như đã từng bị ám ảnh,
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ quả thực đã giúp con nít thích thú khi “gặp” được nhiều điều vốn đã trở nên xa lạ trong đời thực, còn người lớn tuổi thì được hoài niệm những ký ức trìu mến và thân thương.
Bởi đó là những thước phim chân thực về cuộc sống, ngôn ngữ dung dị; âm nhạc ngọt ngào liều lượng vừa vặn với tiết tấu phim; hình ảnh lung linh mà mỗi khung hình nếu tách riêng vẫn đầy chất nghệ thuật.
Những cảnh quay đẹp đến nỗi khi tả về nỗi khổ sở của cái đói đến khắc nghiệt ở một vùng quê nghèo sao vẫn chẳng gợi cảm giác thê lương. Cũng vì thế, riêng chi tiết này có lẽ Victor Vũ đã chưa thể làm tới được như “Áo lụa Hà Đông” năm nào.
Để ngay cả việc kỳ công dàn dựng cảnh tượng làng quê tan hoang sau lũ, cảnh nhà anh em Thiều và Tường chìm trong biển nước thì vẫn thấy nó đẹp một cách không cần thiết. Cảnh tượng vét soàn soạt nồi cháo trơ đáy của mẹ Thiều cho lũ con nheo nhóc chấm với muối, húp đến tận giọt cuối cùng rồi sao vẫn có cảm giác của sự no đủ…
Chẳng có lẽ
Victor Vũ muốn thi vị hóa cái khổ, cái nghèo, cái đói khốn cùng của người nông dân bằng góc nhìn duy mỹ?
Mận là “mối tình thơ” của Thiều. (Nguồn ảnh: Galaxy)
Dẫu vậy,
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn N
guyễn Nhật Ánh) đã làm được một điều mà thời gian qua ít bộ phim Việt Nam nào làm được, là chạm tới cảm xúc sâu kín của người xem mọi lứa tuổi.
Cảm xúc đến từ dàn viễn viên nhí không chuyên nhưng diễn xuất hồn nhiên, trong sáng và “ngọt” từng chi tiết (duy vai diễn “công chúa” có phần hơi đuối). Phim chẳng có “ngôi sao phòng vé” để… câu khách nhưng vẫn hấp dẫn một cách nhẹ nhàng. Con nít thoại những câu dễ thương chứ không kiểu lên gân lên cốt, hay hàm ý những triết lý nhân sinh quan gì ghê gớm “nói hộ” người lớn.
Cảm xúc đến từ một câu chuyện ký ức mà người lớn ngồi xem sẽ như tìm thấy một phần tuổi thơ đầy sống động trong đó, rồi thi thoảng vô thức đưa tay gạt dăm ba giọt nước mắt bỗng rơi.
Cảm xúc vì những diễn biến tâm lý rất đời của hai anh em Thiều-Tường. Thằng em háo hức với chút tình thơ ngây con nít, còn thằng anh cũng ghen tuông, đố kị rất kiểu trẻ con. Chỉ tiếc, Thiều nhiều đất diễn như thế lẽ ra đã có thể diễn sâu hơn, giằng xé hơn trong “mớ tình hỗn độn” nội tâm của mình, tình anh em và tình đầu chớm nở với con Mận. Nhưng rồi rốt cuộc nó cũng chỉ diễn được kiểu… vừa đủ.
Xem, thích mê những phân cảnh tụi trẻ con ra suối nô đùa, mò cua bắt ốc rồi trở về qua cánh đồng lúa xanh rì, trải dài mênh mông, dập dờn theo cánh gió. Cảnh tượng ấy lãng mạn, đẹp đến từng khuôn hình, không thừa thãi một ly nên cứ muốn nhìn ngắm mãi không thôi.
Thiều hối hận vì đã làm mất “cậu ông giời” của Tường. (Nguồn ảnh: Galaxy)
Và, cũng thật khó kìm lòng trước ánh trăng vằng vặc sáng phủ một màu bàng bạc lên cái không gian tĩnh mịch của làng quê nghèo Phú Yên. Thứ “ánh trăng” nhân tạo đem lại hiệu ứng như thật mà
Victor Vũ đã phải rất kỳ công, và “chịu chơi” để có.
Có thể nói, Victor Vũ đã tiếp tục thử thách mình ở một thể loại phim mới, khác hẳn những hài như “Cô dâu đại chiến,” kinh dị như “Quả tim máu,” chút trinh thám như “Scandal” Anh tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng công chúng và tạo nên một cơn sốt, một hiệu ứng mang tên “Tôi thấy…”.
Có lẽ, cái tính cầu kỳ, kỹ lưỡng và đòi hỏi mọi thứ phải chỉn chu, hoàn hảo của Victor Vũ đã luôn giúp anh làm ra những bộ phim giành được nhiều sự quan tâm của khán giả.
Không cầu kỳ mà anh lại làm hẳn một căn nhà để “ném” xuống sông, tái hiện cảnh gia đình Thiều-Tường bì bõm lội nước sau lũ. Không cầu kỳ sao phải thuê những thiết bị tạo sáng đặc biệt. Không cầu kỳ làm sao có được những thước phim đẹp từ đủ loại ống kính máy quay có tiêu cự đặc biệt… Tất cả những điều đó đã tạo nên một “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đang làm mưa làm gió trong các rạp chiếu toàn quốc và góp phần tạo dựng thương hiệu Victor Vũ.
Theo Chi Lê – VietnamPlus